Ngày đầu phân làn trên đường Nguyễn Trãi: Ô tô, xe máy đi vào làn của nhau khiến giao thông lộn xộn

06/08/2022 15:00

Kinhte&Xahoi Ghi nhận tại điểm phân làn (hướng từ hầm chui Thanh Xuân đi Ngã Tư Sở), trong ngày đầu thực hiện phân làn bằng dải phân cách cứng trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội), ôtô và xe máy vẫn đi vào làn của nhau khiến giao thông trở nên hỗn loạn.

Sáng 6/8, ngày đầu Sở Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức phân làn phương tiện trên đường Nguyễn Trãi (đoạn từ hầm chui Khuất Duy Tiến – Ngã Tư Sở) để tách ô tô, xe máy đi làn riêng.

Đoạn đường thí điểm được lắp đặt 4 đoạn dải phân cách cứng dài gần 750m

Đoạn đường thí điểm được lắp đặt 4 đoạn dải phân cách cứng dài gần 750m với mũi tên phản quang, trụ chống va xô kết hợp hàng rào cơ động có thể thu vào, kéo ra.

Theo phương án đó, 2 làn sát vỉa hè mỗi hướng đi sẽ dành cho xe máy, xe thô sơ, xe buýt lưu thông; tách biệt hẳn với 3 - 4 làn đường bên ngoài dành cho ô tô.

Sở GTVT thí điểm sử dụng dải phân cách cứng để phân làn giao thông trên một đoạn tuyến đường Nguyễn Trãi trong thời gian 1 tháng (6/8 - 6/9).

Ô tô và xe máy vẫn đi vào làn của nhau

Từ 6h30 sáng, phương án phân làn chính thức được thực hiện. Ghi nhận tại điểm phân làn (hướng từ hầm chui Thanh Xuân đi Ngã Tư Sở), trong ngày đầu thực hiện phân làn bằng dải phân cách cứng trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội), ôtô và xe máy vẫn đi vào làn của nhau khiến giao thông trở nên hỗn loạn.

Lực lượng Thanh tra giao thông được bố trí tại mỗi đầu dải phân cách cứng làm nhiệm vụ hướng dẫn các phương tiện đi đúng làn đường, tuy nhiên nhiều xe không chấp hành.

Nhiều trường hợp va chạm giao thông vào vạch phân làn cứng

Ông Nguyễn Lê Thanh (Phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) đánh giá: “Tôi thấy việc sử dụng dải phân cách cứng để phân làn đường Nguyễn Trãi là cần thiết. Nhưng, cơ quan chức năng cần tính toán kỹ, bố trí các điểm sang đường phù hợp để tạo thuận lợi trong việc di chuyển về nhà của các gia đình có xe ô tô tại khu vực này”.

Trên tuyến có nhiều đoạn lắp dải phân cách cứng

Chị Doãn Thị Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Sáng nay đi làm qua đoạn đường này, tôi thấy nhiều người điều khiển phương tiện chưa biết phương án phân luồng khi đến gần dải phân cách thì bất ngờ chuyển hướng nên đã gây ra tai nạn. Một số phương tiện rẽ vào và rẽ ra thì bị cản tầm nhìn, đâm thẳng vào dải phân cách, rất nguy hiểm. Hơn nữa, không có biển báo thì người dân sẽ không biết là phía trên này có phân luồng. Vì vậy, thời gian đầu rất cần lực lượng chức năng sát sao hướng dẫn người dân".

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT Hà Nội), trục Nguyễn Trãi có đặc thù là làn đường rộng, nhưng đường ngang rất nhiều, lưu lượng giao thông lớn nên việc tổ chức giao thông rất phức tạp. Trong bối cảnh lưu lượng giao thông ngày càng tăng, đặc biệt là nhiều ô tô con, thì việc tổ chức lại giao thông trên trục này là cần thiết, giúp giảm ùn tắc, tăng tốc độ lưu thông trên tuyến đường và đặc biệt là giảm tai nạn.

Tại một số nút giao cắt, dòng phương tiện thường xuyên bị ùn bởi ô tô, xe máy cắt ngang qua

Tuyến đường Nguyễn Trãi nhiều năm nay luôn là "điểm nóng" ùn tắc giao thông. Vì vậy, nhiều người hi vọng sau khi dựng dải phân cách tách làn riêng ô tô, xe máy, sẽ giúp hạn chế ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm và giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông, đặc biệt trong thời gian sắp tới, khi sinh viên lên Hà Nội nhập học, sinh viên đi học trở lại, lưu lượng giao thông sẽ dày đặc hơn.

Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, lực lượng chức năng cần phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý người vi phạm. Đồng thời, người tham gia giao thông phải tuân thủ các quy định khi lưu thông trên tuyến này.

 Ánh Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ngay-dau-phan-lan-tren-duong-nguyen-trai-o-to-xe-may-di-vao-lan-cua-nhau-khien-giao-thong-lon-xon-202872.html