Nghệ nhân Làng gốm Bát Tràng với những đôi bàn tay “vàng”

22/05/2022 09:33

Kinhte&Xahoi Được Sở Du lịch Hà Nội lựa chọn là một trong 4 điểm đến trọng điểm của Hà Nội nhân dịp SEA Games 31, những ngày này, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm gốm sứ tại làng nghề Bát Tràng tất bật tham gia các hoạt động quảng bá du lịch, lễ hội quà tặng mà thành phố tổ chức trong dịp Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31.

Sau hơn 500 năm tồn tại và phát triển, Làng gốm Bát Tràng ngày nay trở thành trung tâm sản xuất gốm sứ có quy mô chuyên nghiệp, với nhiều công ty lớn được thành lập bên cạnh những đơn vị sản xuất nhỏ theo hộ gia đình. Dẫu vậy, ngôi làng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống đáng quý và giá trị nghệ thuật được đặt vào từng sản phẩm.

Điều thú vị cũng như đặc sắc nhất khi đặt chân đến Làng gốm Bát Tràng chính là được xem những nghệ nhân thực hiện quy trình chế tạo gốm hết sức cầu kì, tỉ mỉ qua các công đoạn để rồi tạo ra một sản phẩm có chất lượng cực kì cao cũng như hình dáng mới lạ.

Nghệ nhân Làng gốm Bát Tràng trong công đoạn chế tác sản phẩm

Có một dòng chảy luôn tồn tại trong người dân Bát Tràng, không gì khác ngoài tình yêu với gốm sứ. Khi còn nhỏ, theo chân bố mẹ tới các công xưởng, thứ đầu tiên trẻ con làng gốm chạm vào là cục đất. Sớm được tiếp xúc với văn hoá, tận mắt xem người lớn chế tạo, khắc, vẽ đã như một hình ảnh ngấm vào tiềm thức người nơi đây để khi lớn lên, họ tiếp tục phát triển cũng như gìn giữ ngọn lửa đó, từ đó tiếp tục phát triển cái gọi là truyền thống.

Những con người ở đây được tiếp xúc với làng nghề từ rất sớm, vậy nên nó đã hình thành thói quen, để khi chế tác ra sản phẩm, những đôi tay ấy đã tạo nên những sản phẩm rất riêng, rất độc đáo và chỉ có thể tìm thấy được ở Làng gốm Bát Tràng. Những nghệ nhân nơi đây từ một cục đất thô sơ đã nhào nặn, tô vẽ và biến nó trở thành những sản phẩm chất lượng như bát, cốc, bình gốm…

Công đoạn vẽ hoa văn lên các sản phẩm

Để có thể cho ra những sản phẩm chất lượng thì phải trải qua rất nhiều những công đoạn khó khăn. Những nghệ nhân nơi đây đã rất thành thục để xử lí được từng công đoạn tưởng chừng như rất khó khăn đó. Để làm ra những món đồ gốm các nghệ nhân phải trải qua các khâu chọn, xử lý và pha chế đất, tạo dáng, tạo hoa văn, phủ men và cuối cùng là nung sản phẩm.

Đầu tiên, các nghệ nhân sẽ phải chọn đất sét để làm gốm. Đất sét ở đây phải là loại đất sét trắng, có độ dẻo cao, hạt mịn, khó tan trong nước thì khi hoàn thiện sản phẩm mới đạt được chất lượng tốt nhất. Đất sau khi chọn xong sẽ lẫn vào tạp chất, tuỳ theo yêu cầu của từng loại gồm mà có những cách xử lí, pha chế khác nhau cho phù hợp từng sản phẩm. Ở nơi đây, phương pháp truyền thống nhất là ngâm nước trong hệ thống bể chứa ở 4 bể có độ cao khác nhau.

Sản phẩm của quá trình chế tạo gốm

Tiếp theo cũng là công đoạn tạo tiền đề cho các sản phẩm gốm, đó chính là tạo dáng sản phẩm. Cách tạo dáng cổ truyền của người dân là làm gốm bằng tay trên bàn xoay. Trong công đoạn tạo dáng thì thợ gốm sử dựng phổ biến nhất là lối vuốt tay, be trạch ngay trên bàn xoay để tạo hình cho sản phẩm. Sau công đoạn tạo dáng thì tiến hành phơi sản phẩm mộc sao cho khô để tránh bị nứt nẻ, làm thay đổi hình dáng sản phẩm. Xưa nay người Bát Tràng thường sử dụng cách là hong khô trên giá và để nơi thoáng mát, nhưng hiện nay các gia đình thường dùng lò sấy và tăng nhiệt từ từ.

Công đoạn trang trí hoa văn cũng quan trọng không kém. Ở công đoạn này, các nghệ nhân sẽ dùng bút lông vẽ trực tiếp lên các hoa văn hoạ tiết. Nghệ nhân phải có tay nghề rất cao, hoa văn phải phù hợp với dáng gốm và chỉ cần vẽ sai một nét thôi thì tác phẩm đó coi như bỏ đi. Điều này đòi hỏi nghệ nhân phải thật khéo léo và có tay nghề rất cao.

Sau khi trang trí hoa văn thì những người thợ sẽ phải chế tạo men cũng như tráng men sản phẩm. Chế tạo men thường theo phương pháp ướt bằng cách cho nguyên liệu đã nghiền lọc kĩ trộn đều với nhau rồi khuấy cho tan trong nước đợi đến khi lắng thì bỏ phần nước trong ở trên đi và bã dưới đáy, chỉ lấy các dị lơ lửng ở giữa và đó chính là lớp men. Khi sản phẩm mộc hoàn chỉnh, người thợ gốm sẽ nung sơ rồi mới đem đi tráng men hoặc tráng men rồi mới nung. Thợ gốm Bát Tràng thường chọn phương pháp tráng men trực tiếp lên sản phẩm mộc hoàn chỉnh.

Công đoạn quan trọng nhất quyết định sự thành công của mẻ gốm đó chính là đem nung. Việc phải làm chủ được ngọn lửa để có thể giúp cho mẻ gốm thành công rất quan trọng, phải nâng dân dần nhiệt độ để lò đạt tới nhiệt độ cao nhất và khi gốm chín thì hạ xuống từ từ chính là bí quyết để mẻ gốm thành công. Sau khi nung xong người ta bịt hết các cửa lò, lỗ giòi, lỗ xem lửa để làm nguội từ từ. Quá trình làm nguội trong lò kéo dài 2 ngày 2 đêm, sau đó mới mở cửa lò và để tiếp 1 ngày 1 đêm nữa rồi mới tiến hành ra lò, phân loại và sửa chữa các khuyết tật trước khi mang phân phối.

Công đoạn trang trí hoa văn cho gốm

Có thể thấy phải trải qua nhiều công đoạn thế nào để định hình được một sản phẩm, và chỉ cần sơ sẩy trong một công đoạn thôi thì coi như phải làm lại hết. Vậy mà qua các sản phẩm mà Làng gốm Bát Tràng mang lại, ta thấy được đôi bàn tay của họ là khéo léo và tinh xảo đến mức nào.

Những khó khăn của gốm sứ Bát Tràng khi cạnh tranh với các mẫu mã khác còn nằm ở việc nó mang tính tự phát, không có chiến lược lâu dài. Chỉ là những xưởng nhỏ, lẻ, mang tính thủ công và truyền thống dó vậy giá thành cao và độ ổn định thấp. Đây là những hạn chế khiến sức cạnh tranh của gốm sứ Bát Tràng còn thấp.

Sản phẩm gốm sự Bát Tràng

Sự cạnh tranh khốc liệt của gốm sứ Trung Quốc các thị trường trong cũng như ngoài nước khiến cho gốm sứ cổ truyền Bát Tràng gặp nhiều khó khăn, đã có nhiều cơ sở gốm sứ Bát Tràng chấp nhận mua các mặt hàng Trung Quốc về và dán mác Bát Tràng vào để bán, làm mất uy tín của một dòng gốm sứ cổ truyền nhiều năm.

Hiện nay, Làng gốm Bát Tràng vẫn tiếp tục gìn giữ và phát triển. Những người con Bát Tràng hôm nay nối tiếp thế hệ đi trước để chế tác gốm. Họ vẫn giữ trong mình một ngọn lửa nhiệt huyết với nghề này. Truyền thống của quê hương cũng như gia đình chính là điều khiến họ thôi thúc để đưa sản phẩm của mình ra thị trường trong nước cũng như quốc tế.

 Xuân Sơn - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nghe-nhan-lang-gom-bat-trang-voi-nhung-doi-ban-tay-vang-196995.html