Nghiêm trị những người thiếu ý thức

26/03/2020 16:56

Kinhte&Xahoi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cùng nhiều tỉnh, thành khác đã ban hành quy định hạn chế tập trung đông người. Việc hiếu, hỷ, giỗ, liên hoan, sinh nhật không cần tổ chức cỗ to. Những sinh hoạt giải trí như đi bar, karaoke, xem phim tại rạp chiếu, hoặc các môn thể thao đông người… cũng đều được khuyến cáo không thực hiện.

Chính quyền kêu gọi, khuyến khích người dân ở nhà, làm việc trực tuyến… Tuy lệnh đã ban hành bằng rất nhiều văn bản cấp TP, cấp sở ngành, các hình thức tuyên truyền cũng được khai thác triệt để để ai ai cũng có thể nắm bắt nhưng dạo một vòng quanh phố, không khó để bắt gặp những quán nhậu mở đến đêm khuya. Nhiều hình thức sinh hoạt giải trí vẫn không thể vì lệnh mà… đóng cửa.

Khi đụng đến lằn ranh sống - chết, rất nhiều người sợ hãi. Nhưng cách hành xử của nhiều người lại không khác gì một con virus, phát tán nguồn lây bệnh. Nhìn cả nhóm người đứng sát vào hàng rào sắt trước cổng Phủ Tây Hồ, hay chen nhau trong khu nội tự chùa Phúc Khánh… đã thấy tiềm ẩn biết bao nguy hiểm. Cho dù chính quyền đã phải cắt cử lực lượng công an, cán bộ để tuyên truyền, thậm chí dùng biện pháp ngăn đường nhưng người dân vẫn trèo rào, lách cửa phụ để vào lễ bái. Hay cảnh tượng một số quán bia vỉa hè, quán ăn, quán game online... vẫn có những người vô tư ăn nhậu, chơi game... như không quan tâm đến nỗi lo của những người xung quanh.

Trước những cảnh tượng tập trung đông người, Chủ tịch UBND TP đã khẩn thiết bày tỏ: Nếu người dân không chấp hành thì mọi công sức chống dịch của Chính phủ và TP sẽ đổ xuống sông, xuống biển. Đó là một thực tế dễ được nhìn thấy. Khi TP đang xuất hiện nhiều ca bệnh mới, nguồn lây nhiễm chưa rõ ràng, lịch trình di chuyển khó xác định đầy đủ, thì những nguy cơ về ổ dịch có thể xuất hiện. Nên mọi sự yêu cầu, mong muốn người dân ở nhà, chung quy cũng là vì sức khỏe cộng đồng, vì sự sống của mỗi người. Nhưng rồi ai đó vẫn ra đường để ghé quán nhậu. Nhiều chủ nhà hàng vì cố vớt vát doanh thu mà bất chấp mối nguy, mở cửa tới đêm khuya và phục vụ khách. Chủ các quán game ngụy trang đủ các chiêu trò để vờ đóng cửa chính, mở cửa phụ đón khách chơi game.

Các chuyên gia cho rằng, nếu việc tuyên truyền không mang lại hiệu quả, mệnh lệnh xử phạt hành chính cũng là biện pháp cần áp dụng. Pháp luật cũng đã có chế tài (quy định tại khoản 1, Điều 11, Nghị định 176/2013 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế) với hành vi không tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Cơ quan chức năng có thể phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng khi phát hiện hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch, người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Mức phạt này cũng còn tăng lên theo từng hành vi. Đã đến lúc với những người thiếu ý thức kỷ luật, chỉ có nghiêm trị bằng pháp luật mới đủ sức răn đe.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đông Anh – Hà Nội: Hai trại nuôi lợn xây dựng trên đất nông nghiệp

Hai trang trại nuôi lơn rộng hàng nghìn mét vuông được xây dựng trên đất nông nghiệp từ cuối năm 2018 tại xứ đồng Bãi bồi ven sông, thôn Mạch Lũng, xã Đại Mạch huyện Đông Anh, Hà Nội. Hậu quả, dẫn tới việc gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây. Điều đáng nói khu đất này đã được mang ra đấu giá và có người trúng thầu nhưng không hiểu vì sao cơ quan chức năng lại chưa bàn giao mặt bằng cho người trúng thầu, không hề xử lý các sai phạm trên khiến dư luận bất bình.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/nghiem-tri-nhung-nguoi-thieu-y-thuc-378868.html