Ngòi bút phải từ tâm

21/02/2020 10:42

Kinhte&Xahoi Tôn trọng và bảo vệ trẻ em - đó là trách nhiệm của người lớn, được quy định trong các văn bản pháp luật, điều ước quốc tế, quy tắc đạo đức,... chứ không riêng nhà báo, tuy nhiên, người làm công việc truyền thông thể hiện điều này như thế nào là một sự khác biệt so với những người lớn khác.

Ảnh minh họa

Điều khác biệt cơ bản là truyền thông tác động trực tiếp đến trẻ em, có thể tốt và cũng có thể gây tác hại đến thể chất, tinh thần, đời sống của trẻ nhỏ, cá nhân một đứa trẻ hay cả một cộng đồng. Và cái cộng đồng trẻ nhỏ đó, được gọi là "tuổi thơ" là một bộ phận của xã hội, không thể tách rời, đòi hỏi một sự đối xử đặc biệt, ngay cả khi thực hiện việc tôn trọng và bảo vệ cũng khác với bộ phận còn lại của xã hội.

Những nhà hoạt động xã hội trong lĩnh vực trẻ em, bao gồm cả những người nghiên cứu và các tổ chức bảo vệ trẻ em đã chỉ ra một nguy cơ mà báo chí thường gặp phải là tạo ra "nạn nhân kép" trong các vụ bạo hành hoặc xâm hại tình dục trẻ em.

Báo chí đưa tin, hình ảnh, tường thuật vụ việc rất dễ gây ra sự kỳ thị, xa lánh, chế giễu của người đời và gây nên những tổn thương tinh thần nặng nề cho trẻ em và những tổn thương đó khó lành, ảnh hưởng đến nhân cách, lối sống của đứa trẻ đó trong suốt cuộc đời về sau.

Điều nguy hiểm là khi tạo ra "nạn nhân kép" thì người làm báo không dụng tâm và chủ ý làm việc đó, hiệu ứng tạo ra chỉ là sự vô tình. Họ muốn có sự thuyết phục bạn đọc câu chuyện đó là sự thật nên đưa các thông tin về địa chỉ, nhân thân, hình ảnh thì việc viết tắt họ tên nạn nhân hay xóa gương mặt trở thành vô ích, họ muốn tạo nên sự thương cảm nạn nhân và căm phẫn kẻ thủ ác, ấu dâm thì vô hình trung tạo nên một hiệu ứng ngược lại là gây tổn thương cho chính nạn nhân.

Loại trừ việc "câu lai", thu hút người đọc bằng sự miêu tả chi tiết sự việc thì chỉ nội việc đưa tin một cách "trung thực, khách quan" theo kiểu đó cũng đã bộc lộ cái tâm và cái tầm của nhà báo hoặc cả ban biên tập của tờ báo đó.

Nếu có cái tâm thực sự thì ngay từ lúc bấm phím viết bài, người viết đã cẩn trọng mà đắn đo từ ngữ và tự nhiên có một giới hạn vô hình đặt ra khi đưa hoặc xử lý những thông tin này. Sự xót xa, đồng cảm với nạn nhân trong tâm thức người làm báo cùng với ý thức bảo vệ và tôn trọng trẻ em thì không thể vô tình mà tạo ra những "nạn nhân kép" được!
 
Mặt khác, Luật bảo vệ trẻ em của nước ta đã có những quy định khá chi tiết điều chỉnh việc báo chí viết về trẻ em cần tuân thủ những điều kiện gì. Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNESCO) có quy tắc đạo đức nghề nghiệp báo chí về trẻ em.

Một trong những quy định của pháp luật cũng như quy tắc đạo đức của các văn bản này thể hiện sự tôn trọng trẻ em mà rất cần phải lưu tâm là phải để cho trẻ em cất lên tiếng nói của mình trên các phương tiện truyền thông. Điều này chúng ta rất dễ bỏ qua bởi quen nhìn trẻ em bằng con mắt người lớn, dạy dỗ hoặc điều chỉnh hành vi của trẻ theo cảm nhận hoặc suy nghĩ của người lớn mà không đặt mình vào chính địa vị của đứa trẻ hoặc quên béng mất mình đã từng là một đứa trẻ khi bị đối xử bất công hay bị người lớn áp đặt.

Dành cho trẻ quyền phát ngôn, quyền bày tỏ ý kiến của mình không chỉ ở những tờ báo dành cho trẻ em mà ở các "góc nhìn" của tất cả các tờ báo, phương tiện truyền thông không chỉ thể hiện sự tôn trọng trẻ em mà còn để người lớn hiểu trẻ em hơn và từ đó tránh được việc gây tổn thương cho trẻ, dù vô tình hay hữu ý.

Vài năm trước có một vụ giết nhiều người đàn ông ở đường cao tốc tại Mỹ. Sát thủ là một phụ nữ bán dâm, tuổi thơ cha mẹ ly dị, ở với ông bà ngoại và bị ông ngoại lạm dụng tình dục nhiều lần. Thông tin chi tiết về vụ này tràn ngập trên các phương tiện truyền thông và các lý giải đều tập trung vào tuổi thơ bất hạnh của nữ sát thủ và cho đó là nguyên nhân của tội ác.

Điều này vô hình trung, tạo ra sự căm thù của những đứa trẻ bất hạnh và chúng tìm ra lý do để trả thù và cho đó là sự chính đáng. Trong mắt chúng, nữ sát thủ này là một anh hùng.

Phải chăng, đó là bài học cho giới truyền thông và cần đến cái tâm của người làm báo?


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quận Ba Đình (Hà Nội): Nhiều uẩn khúc trong việc cấp sổ đỏ tại số 33, phố Tân Ấp

Đã về hưu, Xí nghiệp bị giải thể nhưng ông Nguyễn Việt Trung lại không bàn giao tài sản cho Công ty CP Vật liệu xây dựng & Xuất nhập khẩu Hồng Hà, thay vào đó có dấu hiệu không minh bạch trong việc cho thuê nhà, biến tài sản chung thành tài sản riêng. Tài sản được cấp sổ đỏ có nhiều uẩn khúc, khó hiểu.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ngoi-but-phai-tu-tam-d117839.html