Người dân cẩn trọng trước những quảng cáo bán tour du lịch giá rẻ trên mạng

14/06/2022 20:29

Kinhte&Xahoi Lợi dụng nhu cầu đi du lịch tăng cao trong dịp hè, trên thị trường đã xuất hiện hành vi lừa đảo thông qua gói du lịch giá rẻ khiến nhiều người dân bị “sập bẫy”. Do đó, để tránh bị lừa các hành khách cần tìm hiểu kỹ thông tin của người bán hàng.

Nhiều hành vi lừa đảo tinh vi

Mùa hè được xem là tháng cao điểm của những tour du lịch, bởi đây là thời điểm các gia đình cùng nhau tổ chức đi nghỉ ngơi sau những tháng làm việc căng thẳng. Chính vì vậy, hiện các công ty du lịch đang đua nhau chào bán những tour du lịch vô cùng hấp dẫn và đa dạng.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, hoạt động bán tour qua mạng cũng được nhiều công ty triển khai. Điều này có thể giúp các khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn những địa điểm du lịch phù hợp, mà không phải mất thời gian đến tận công ty để giao dịch.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà đem lại, việc mua tour du lịch trực tuyến cũng khiến nhiều khách hàng gặp rủi ro.

Một bài viết cảnh báo về các tour du lịch giá rẻ trên mạng xã hội

Theo thông tin từ Cổng thông tin Quản lý hoạt động Thương mại điện tử, trong thời gian qua, Cổng thông tin đã nhận được một số thông tin phản ánh của người tiêu dùng về hiện tượng lừa đảo của công ty bán tour du lịch trực tuyến.

Theo đó, chủ sở hữu website bán tour du lịch đã không thực hiện đúng cam kết với khách hàng mua hàng trên website và sử dụng nhiều thủ đoạn để lừa đảo khách hàng. Điển hình, cố tình nhầm lẫn hoặc sai sót về tên khách hoặc code (mã vé) máy bay cho đến sát ngày bay khách hàng mới nhận được code vé chuẩn.

Bên cạnh đó, khi khách hàng đã đóng đủ tiền vé máy bay khứ hồi (2 chiều) và tiền phụ thu (ví dụ phòng cho trẻ nhỏ) nhưng chỉ nhận được code vé máy bay 1 chiều và khách sạn báo không nhận được phụ thu từ phía chủ sở hữu website.

Mới đây, chị Dương Thanh Hà (ở Hà Đông, Hà Nội) đã bị nhỡ chuyến đi nghỉ mát cùng gia đình chỉ vì chót lỡ mua nhầm tour du lịch giá rẻ trên mạng. Theo lời kể của chị Hà, cuối tháng 5 vừa qua, chị đã đặt tour du lịch Hà Nội - Phú Quốc (Kiên Giang) 4 ngày 3 đêm cho gia đình 4 người. Sau khi đặt tour xong, chị được một người hướng dẫn thanh toán. Chị Hà được một người tự xưng là nhân viên của một công ty du lịch gửi cho code vé máy bay và mã đặt chỗ đầy đủ nhưng đến gần trước khi chuyến bay khởi hành đột ngột báo hoãn do phía hãng hàng không.

Tuy nhiên, chị Hà kiểm tra lại thông tin bên hãng hàng không thấy không có việc hoãn chuyến bay, sau đó, chị lại nhận được câu trả lời từ chủ sở hữu website là chuyển sang mua vé hãng khác vì lý do giá vé máy bay quá đắt.

Là một trong những đơn vị lữ hành chuyên nghiệp, anh Đặng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty du lịch New World Travel cho biết: Sau 2 năm dịch bệnh bùng phát, khi du lịch được mở cửa trở lại, rất nhiều công ty lữ hành đã tung sản phẩm khuyến mại kích cầu du lịch. Lợi dụng điều đó, các đối tượng lừa đảo du lịch cũng “té nước theo mưa”, đánh vào tâm lý những khách hàng thiếu kinh nghiệm, ham rẻ…

“Thời gian trước, trong giới bán combo du lịch rộ lên thông tin về voucher một triệu đồng/ người/ chiều bay. Bên cạnh mức giá rẻ bất ngờ, voucher này còn hấp dẫn nhờ việc có thể bay mọi chặng, chỉ cần trả tiền trước. Các đối tượng lừa đảo đã đánh vào tâm lý ham rẻ của chủ đại lý mới vào nghề và khách hàng thiếu kinh nghiệm. Không thể nào có mức giá rẻ hơn từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/combo/ người, nhất là cao điểm với cùng dịch vụ tương đương”, anh Tùng nhìn nhận.

Người dân cần tỉnh táo trước những chiêu trò lừa đảo

 Hiện nay, trên các mạng xã hội, không khó để tìm thấy những cộng đồng bán voucher, combo du lịch giá rẻ. Để thu hút người mua, các đơn vị còn tung ra các gói khuyến mại như sử dụng bể bơi, miễn phí bữa ăn sáng, hỗ trợ xe đưa đón tận sân bay...

Có thể thấy rằng, combo du lịch ra đời giúp khách tiết kiệm thời gian và có lịch trình di chuyển hợp lý. Nhiều năm trở lại đây, combo du lịch đã trở thành sản phẩm kinh doanh chủ đạo của nhiều đơn vị lữ hành vì tính hiệu quả cao. Song, combo du lịch cũng giống như nhiều mặt hàng, sản phẩm, có loại tốt, có loại không tốt. Vì vậy, người tiêu dùng cần phải thông minh và tỉnh táo trước khi lựa chọn.

Người dân cần cảnh giác với các chiêu lừa du lịch, không biến mình thành nạn nhân (tranh minh họa)

Ông Phạm Phúc Anh, Giám đốc công ty Media Review Travel, cũng cho biết trên thị trường có rất nhiều đơn vị, cá nhân bán combo du lịch giá rẻ. Tuy nhiên, để có chuyến đi chất lượng, trước khi đặt vé, người tiêu dùng cần phải xem xét kỹ về thông tin của người bán, phản hồi của khách hàng từng đặt tour du lịch của các đơn vị này.

"Việc kiểm tra thông tin bây giờ rất dễ. Bạn có thể bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua vé cho chuyến đi dài ngày thì làm sao lại không dành ra được 5 - 10 phút kiểm tra thông tin của người bán chỉ với vài thao tác", ông nói.

Lấy dẫn chứng, vị giám đốc này cho biết, nhiều khách hàng từng than phiền với ông là từng bị lừa mua gói đi du lịch rởm trên mạng vì chính sự bất cẩn của bản thân. Kẻ lừa đảo sẽ đánh vào lòng tham của con người khi tung ra các combo du lịch giá rẻ đến khó tin. Sau đó, các đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng chuyển tiền và "đột biến".

"Khi người mua biết mình bị lừa thì lúc đó không thể liên hệ được với kẻ lừa đảo. Họ vào facebook, zalo của kẻ lừa đảo thì mới phát hiện đó toàn là nick ảo. Nếu từ đầu, mọi người chịu khó kiểm tra thông tin thì có khả năng cao đã không bị mất tiền oan. Vì đối với dân làm du lịch, dân bán vé thì trang cá nhân của họ sẽ có lượt tương tác cao và cập nhật liên tục trong ngày. Việc này thì tôi chắc ai cũng có thể làm được, không hề khó một chút nào", ông Phúc Anh phân tích.

Theo Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an thành phố Hà Nội, để thuận tiện cho việc tránh bị lừa đảo hoặc có chứng cứ khi bị lừa đảo, người mua cần lưu lại toàn bộ các thông tin liên quan trong quá trình mua combo như thanh toán, mail, tin nhắn... Khi giao dịch, người mua phải yêu cầu bên cung cấp combo làm hợp đồng với các điều khoản chi tiết về chuyến bay, khách sạn, giá vé, các chi phí phát sinh khác (nếu có), trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng và các chế tài xử lý.

Nếu có dấu hiệu bất thường, người mua cần sớm trình báo với cơ quan công an để được hỗ trợ bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, thông qua công tác nắm tình hình cũng cần kiểm tra, xác minh tổ chức, cá nhân cung cấp combo du lịch giá rẻ bất thường để phát hiện, kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo.

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nguoi-dan-can-trong-truoc-nhung-quang-cao-ban-tour-du-lich-gia-re-tren-mang-198763.html