Người lao động bị lừa, Trưởng phòng Cục QLLĐNN hỏi 'Đăng báo để làm gì?'

09/08/2019 09:05

Kinhte&Xahoi Trao đổi với Phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin Truyền thông, Cục quản lý người lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh & xã hội) cho biết chỉ tiếp những người có thẻ nhà báo, còn giấy giới thiệu của báo không nói lên điều gì.

Cục quản lý người lao động ngoài nước

“Đăng báo để làm gì?”

Vừa qua, báo Pháp luật Việt Nam có loạt bài viết phản ánh người lao động ‘tố” bị lãnh đạo Công ty Cổ phần đầu tư Vĩnh Cát lừa đảo xuất khẩu lao động sang Slovakia. Khi sang đến nơi, người lao động mới “vỡ mộng” khi nhận được mức lương quá thấp so với những gì được tư vấn tại Việt Nam.

Qua tìm hiểu, xác minh, báo Pháp luật Việt Nam có loạt 3 bài viết liên quan đến sự việc.Sau khi báo Pháp Luật Việt Nam phản ánh bài thứ 2, ngày 5/7/2019, cán bộ của Cục quản lý lao động ngoài nước (Cục QLLĐNN) đã liên lạc với phóng viên để trao đổi sự việc, đề nghị cung cấp thông tin phía người lao động gửi đơn. Bà Trần Thị Vân  Hà, Trưởng phòng Thông tin Truyền thông trao đổi, cơ quan quản lý nhà nước cần đủ thông tin mới xác minh vụ việc và phòng Thanh tra của Cục QLLĐNN đã liên lạc với số điện thoại mà người lao động ghi trong đơn.

“Chiều nay, phòng Thanh tra gọi không được. Bọn chị không ngồi đợi cả buổi chiều để gọi người ta được đâu. Không có căn cứ thì bọn chị lấy gì bằng chứng để làm”, bà Hà cho biết.

Trụ sở công ty Vĩnh Cát, nơi ông Hòa làm việc

Phóng viên giải thích rất cặn kẽ về việc đặt lịch làm việc với Cục QLLĐNN chỉ để xin cung cấp thông tin về việc công ty Vĩnh Cát có giấy phép xuất khẩu lao động hay không, được xuất khẩu đi thị trường nào và danh sách những lao động đã được xuất khẩu đi trong năm 2019.

Tuy nhiên, bà Hà nói: “Em làm việc gì với cơ quan chức năng thì em phải có bối cảnh hoặc lý do. Lý do phải xác đáng để giải quyết chứ không chỉ cung cấp thông tin một cách vô trách nhiệm. Về mặt quy trình làm việc, bọn chị không cung cấp cho báo chí danh sách người lao động đi xuất khẩu trong năm nay của doanh nghiệp được”.

Phiếu thu tiền mặt của Trung tâm Hàn Hà Nội

Sau khi tiếp nhận thông tin từ phóng viên về việc người lao động không cung cấp được hợp đồng đã ký với môi giới nhưng có một số bằng chứng xác đáng như thông báo triệu tập lao động có dấu đỏ của công ty Vĩnh Cát, phiếu thu tiền của Trung tâm Hàn Hà Nội (thôn Thượng Phúc, xã Bắc Hồng, Đông Anh, Hà Nội) ghi rõ lý do nộp tiền thi tuyển công ty Vĩnh Cát thì thái độ của bà Hà thật khó hiểu.

Bà Hà nói, “Em đăng báo để làm gì? Em đăng báo để cứu được người ta thì em cứ đăng. Còn em đã hỏi đến cơ quan quản lý nhà nước thì phải mang tính chất xây dựng và bọn chị đủ căn cứ để giải quyết. Chứ còn bây giờ em cứ đăng lên như thế để làm gì?”

Văn bản “mật”, không thể cung cấp?

Sau khi báo Pháp luật Việt Nam đăng tải vụ việc, ngày 8/7/2019, Phó cục trưởng Cục QLLĐNN Nguyễn Gia Liêm đã có văn bản số 97-/QLLĐNN- PCTTr yêu cầu Công ty Cổ phần đầu tư Vĩnh Cát giải quyết khiếu nại theo trình tự để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động.

Theo đó, Cục QLLĐNN đã nhận được đơn khiếu nại của 2 lao động là B.V.R và N.V.T quê ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Nội dung đơn thư phản ánh việc 2 anh này cùng 26 lao động đã nộp số tiền là 8000 USD/người vào địa chỉ của công ty Vĩnh Cát tại số 9 ngõ 39 Phạm Tuấn Tài, quận Cầu Giấy, Hà Nội để sang làm việc tại Slovakia. Sau khi xuất cảnh sang Slovakia làm việc tại công ty TATRAVAGO’NKA, tiền lương và các chế độ khác của người lao động không như cam kết, dẫn đến phải về nước.

Qua khiếu nại, 2 lao động trên xuất cảnh vào ngày 2/3/2019. Tuy nhiên, Phiếu trả lời đăng ký hợp đồng của Cục QLLĐNN cấp cho công ty và chủ sử dụng lao động TATRAVAGO’NKA vào ngày 17/5/2019. Như vậy công ty đã đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trước khi có sự chấp thuận của Cục QLLĐNN.

Thông báo triệu tập lao động của công ty Vĩnh Cát cho những lao động cùng đợt tư vấn, môi giới, thi chứng chỉ hàn với 28 lao động đã xuất cảnh

Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động, Cục QLLĐNN yêu cầu công ty báo cáo việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Slovakia, kiểm tra xác minh khiếu nại của người lao động; thực hiện giải quyết đơn khiếu nại theo trình tự, thủ tục quy định tại Khoản 1 Điều 17, Khoản 3 Điều 19 và các điều từ 20 đến 25 của Nghị định số 24/2018/NĐ-CP ngày 27/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động, Luật dạy nghề, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về khiếu nại, tố cáo.

Để sự việc được cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận và theo yêu cầu của Cục QLLĐNN, PV báo Pháp luật Việt Nam đã cung cấp các bằng chứng cho cán bộ phòng Thanh tra. Sau một thời gian liên lạc, cán bộ này cho biết: “Chị liên hệ với chị Hà để giải quyết vụ việc. Chứ cán bộ Thanh tra không giải quyết được”.

Tuy nhiên, khi liên hệ với phụ trách truyền thông của Cục QLLĐNN thì bà Hà khẳng định: “Bên chị không làm việc trên báo. Có bằng chứng thì phải gửi cho Cục, không phải báo gửi mà người lao động phải gửi. Bọn chị cứ làm theo quy trình. Chị chỉ trả lời em những gì có trong tay. Giấy giới thiệu không nói lên cái gì. Em phải có thẻ nhà báo nữa. Theo Luật báo chí, em phải có thẻ nhà báo thì bên chị mới tiếp”.

Ý kiến như trên của đại diện của Cục QLLĐNN có đúng pháp luật hay không thì tự cơ quan này có khả năng đánh giá được. Song, với cái cớ này, Cục QLLĐNN  đã đóng cửa với báo chí và những thông tin mà dư luận đặc biệt quan tâm đến giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của Công ty Vĩnh Cát đã được bưng bít mà người bị thiệt hại mãi mãi không thể biết mà khiếu nại.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: PLVN/ Pháp luật Plus