Người trẻ và dự định làm việc xuyên Tết

19/12/2021 19:58

Kinhte&Xahoi Dịch bệnh COVID-19 khiến cho cuộc sống thường ngày và đặc biệt là vấn đề tài chính của nhiều người bị ảnh hưởng không nhỏ. Người lao động, đặc biệt là lao động trẻ không còn mặn mà với việc về quê nghỉ ngơi mà thay vào đó, họ muốn tận dụng đợt nghỉ lễ Tết Nguyên đán năm nay để làm việc, kiếm thêm thu nhập bù lại khoảng thời gian ngừng trệ vì dịch bệnh.

Kiên trì bám trụ với công việc trong ngành du lịch sau gần 2 năm dịch bệnh hoành hành, thời điểm hiện tại, Nguyễn Thúy Quỳnh (27 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) đang hơn lúc nào hết cảm nhận rõ rệt những áp lực về tài chính dịp cuối năm.

Tết Nguyên đán cận kề, nhiều bạn trẻ dự định sẽ không về quê ăn Tết vì gặp nhiều áp lực (Ảnh tư liệu)

Nếu như những năm trước, cứ dịp này, công ty của Quỳnh hoạt động rất tốt vì là thời điểm đi du lịch của rất nhiều người. Thậm chí là vào thời điểm này năm ngoái, Quỳnh vẫn có thu nhập ổn so với nhiều người khác. Năm nay, đối mặt với khoảng thời gian khó khăn dài hơn, cô gái trẻ chưa cảm thấy sẵn sàng để đón Tết Nguyên đán trong một tâm thế thoải mái nhất.

Thúy Quỳnh hiểu được tình cảnh khó khăn của công ty trong suốt thời gian qua khi phải đóng cửa nhiều tháng vì giãn cách, giai đoạn còn lại cũng hoạt động cầm chừng, không bán được nhiều sản phẩm nên cô quyết định tìm hướng đi khác tạm thời để có thu nhập và dành thời gian nghiên cứu, chờ đợi du lịch sẽ trở lại.

Cố gắng cầm cự để bám trụ với ngành du lịch, Thúy Quỳnh phải làm thêm công việc khác xuyên Tết để có thu nhập trang trải cho bản thân

“Không được thưởng Tết, không có tiệc tất niên như mọi năm, mình cũng buồn lắm chứ. Nhưng đã dành tình cảm và quyết định gắn bó với công ty, mình sẽ theo đuổi đến cùng.

Trước mắt, mình có nhận thêm công việc liên quan đến xuất nhập khẩu. Mình cũng đăng ký đi làm và trực Tết thay vì về quê để có thêm thu nhập, vừa nuôi sống bản thân, vừa tiết kiệm cho những dự định sắp tới”, Quỳnh chia sẻ.

Cũng giống như Thúy Quỳnh, những ngày cuối năm của Văn Quyền (24 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) trôi qua không mấy suôn sẻ vì thu nhập giảm sút. Chàng trai trẻ bắt đầu cảm thấy lo lắng về lương thưởng khi nhìn lại số tiền tiết kiệm trong tài khoản. Vì làm công việc freelance, Quyền sẽ không có nhiều lương thưởng trong dịp Tết giống như những công việc khác.

Vào năm ngoái, tuy thưởng Tết không nhiều, nhưng cả năm đi làm, chàng trai trẻ cũng tiết kiệm được cho mình kha khá. Năm nay, tình hình dịch bệnh kéo dài và căng thẳng hơn, Quyền cảm thấy rằng sẽ không có đủ tài chính để phụ giúp gia đình hay sắm sửa đồ đạc.

Lo sợ các khoản chị dịp lễ tết và chán nản với những câu hỏi "vô duyên" khi về nhà, Văn Quyền quyết định ở lại thành phố làm việc xuyên Tết

“Năm ngoái, dù cũng chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng mình không có mấy thời gian rảnh, công việc cũng đều đều cả năm, đến Tết mình nhận được khá nhiều quà từ đối tác vì hoàn thành tốt công việc trong hợp đồng với họ. Vậy nhưng năm nay, tình hình không khả quan cho lắm, nếu không muốn nói là khá tệ”, Quyền nói.

Chàng trai 24 tuổi cho biết, cuối năm có nhiều khoản cần chi, không có tiền tiết kiệm khiến Quyền ngại về nhà, ngại đối mặt với gia đình, họ hàng cùng những câu hỏi “lương bao nhiêu”, “thưởng Tết thế nào”, “bao giờ mua nhà” … Vì vậy, Văn Quyền quyết định sẽ gửi tiền về cho bố mẹ, còn bản thân sẽ nhận thêm công việc làm trong Tết để có tiền cho những chi phí sinh hoạt vào năm sau.

Quyết định chuyển ra ở riêng và tự chủ về kinh tế, không phụ thuộc vào gia đình khi có một công việc ổn định, Trần Ngọc Huyền (26 tuổi, chuyên viên marketing) đã từng nghĩ sẽ sống thoải mái hơn khi thu nhập của cô là mơ ước với nhiều người. Vậy nhưng với tình hình hiện tại, nếu không chắt bóp chi tiêu trong mùa Tết sắp tới, cô gái trẻ nhiều khả năng sẽ rơi vào cảnh nợ nần.

Ngọc Huyền cho biết, cô dự định không về quê mà sẽ ở lại Hà Nội làm thêm trong đợt Tết Nguyên đán để bù lại khoản tiền tiết kiệm đã tiêu trong thời gian nghỉ dịch. Nếu như về quê, sẽ có nhiều khoản Huyền cần phải chi hơn vì đã là “người lớn”.

Không có một kế hoạch tiết kiệm và chi tiêu đúng đắn, Ngọc Huyền "ngại" trở về quê đón Tết cùng gia đình

“Mình đã không có một kế hoạch chi tiêu đúng đắn và không tính toán dự trù cẩn thận. Từ lúc giãn cách xã hội cho đến các đợt sale, giảm giá cuối năm, mình khá mạnh tay trong việc chi tiêu nên hiện tại, chiếc ví của mình đã “kiệt sức” rồi. Vì lẽ đó, mình quyết định ở lại Hà Nội làm việc thay vì về quê đón Tết. Mình sẽ gọi về gia đình thường xuyên và cũng xin bố mẹ để nhận thêm trợ cấp lương thực, thực phẩm”, Huyền buồn bã nói.

Giống như Thúy Quỳnh, Phạm Quyền và Ngọc Huyền, nhiều bạn trẻ khác với nỗi lo về tài chính, “áp lực đồng trang lứa”… đang phải chấp nhận sự thật rằng việc chi tiêu quá tay, không có kế hoạch tài chính cụ thể khiến họ không tự tin và sẵn sàng về quê ăn Tết. Họ sợ các khoản chi tiêu, sợ trở thành tâm điểm của các “câu hỏi” và sự chú ý nên sẵn sàng ở lại thành phố đón Tết, tìm kiếm thêm thu nhập để chuẩn bị cho những mục tiêu của mình trong năm mới.

 Thành Trung - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nguoi-tre-va-du-dinh-lam-viec-xuyen-tet-185926.html