Nhà máy Thép Hòa Phát Hải Dương xả thải gây ô nhiễm môi trường, sao chưa xử lý?

27/12/2019 15:17

Kinhte&Xahoi Vừa qua, toà soạn nhận được đơn phản ánh của người dân về việc Nhà máy sản xuất Thép Hòa Phát Hải Dương thuộc Công ty CP Thép Hòa Phát tại xã Hiệp Sơn (Kinh Môn - Hải Dương) xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng vẫn chưa bị xử lý.

Trong đơn gửi toà soạn, nhiều cư dân sống xung quanh Khu liên hợp sản xuất thép thuộc Công ty CP Thép Hoà Phát cho biết: "Nhiều năm nay, cuộc sống của chúng tôi vô cùng khổ cực kể từ khi nhà máy này (Nhà máy Thép Hòa  Phát - PV) đi vào hoạt động. Nhà máy xả thải khiến người dân khó thở, mùi khí thải bay vào trong nhà không thể ngủ nổi. Dù đóng chặt các cửa, chúng tôi cũng chẳng mấy khi có được giấc ngủ ngon.

Ngoài khí thải, còn có mạt sắt, thứ kim loại nặng này bám cả vào đồ ăn, thức uống hàng ngày của người dân chúng tôi. Nhiều người trong xã mắc bệnh về đường hô hấp, nhất là trẻ em, người già. Nước thải từ nhà máy thì đổ thẳng ra sông Kinh Thầy khiến nguồn nước tưới tiêu phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân nơi đây bị ô nhiễm nghiêm trọng, hoa màu, cây trồng không thể phát triển, kinh tế của người dân vì thế cũng bị tác động tiêu cực. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng cho tới nay, nhà máy thép vẫn được đánh giá là an toàn về môi trường".

Những người dân ở đây còn cho hay, cách đây mấy năm, họ thu được hơn 70kg mạt sắt. Khi đó, Công an môi trường tỉnh Hải Dương đã kiểm tra và phạt hơn 200 triệu đồng. Người dân đã nhiều lần phản ánh tình trạng trên với chính quyền các cấp tại hội nghị tiếp xúc cử tri, thậm chí, có người địa phương chết do bệnh ung thư. Tuy nhiên, các ngành chức năng trong báo cáo của mình đều cho rằng: “Các chỉ số môi trường của nhà máy vẫn ở ngưỡng cho phép”.

Người dân xã Hiệp Sơn còn phản ánh việc nhà máy thép đặt quá gần khu dân cư, có nơi chỉ cách gần 100m, dẫn đến việc họ phải chịu khói bụi dày đặc, tiếng ồn quá lớn.

Vẫn theo phản ánh của người dân, về hệ thống sản xuất và phát thải thì quặng và phế liệu sắt qua hệ thống lò cao, lò chuyển để ra gang và thép, đồng thời tạo ra các chất thải như: Vỉ sắt; bụi lò cao (bụi lò cao là chất thải nguy hại có chứa chì, kẽm, lưu huỳnh, phốt pho; vỉ sắt là chất thải rắn công nghiệp) và bùn thải, nước thải có chứa thành phần nguy hại trên. Đúng quy định thì nhà máy cần có hệ thống xử lý khí thải để lấy, gom lại bụi lò sau đó chuyển giao bộ lò xo đơn vị xử lý chất thải nguy hại (CTNH).

Theo tính toán, 1 năm Hòa Phát sử dụng 3 triệu tấn quặng sắt, 300.000 tấn phế liệu, có khoảng gần 1% kim loại nguy hại như chì, kẽm, lưu huỳnh, phốt pho trong quặng và phế liệu, tương ứng với khoảng 30.000 tấn kim loại nguy hại. 30.000 tấn kim loại thường chiếm khoảng 10-15% trong hợp chất bụi lò, xỉ thải, bùn thải. Như vậy, 1 năm sẽ có khoảng 70.000-100.000 tấn bụi lò (CTNH) phát sinh tại hệ thống sản xuất của Hòa Phát, còn lại phát tán trong môi trường ở dạng xỉ, bùn thải.

Nếu đúng quy định, Hòa Phát phải thuê đơn vị xử lý chất thải nguy hại xử lý 70.000 tấn bụi trên giá khoảng 1 triệu đồng/tấn. Nếu làm đúng quy định, Hòa Phát sẽ mất khoảng 70 tỷ đồng tiền xử lý chất thải nguy hại 1 năm. Để không mất số tiền trên, Hòa Phát báo cáo trong dự án sử dụng công nghệ tuần hoàn thu lại sắt, chì, kẽm... nhưng điều trên là vô lý vì công nghệ của Hòa Phát không thể thu hồi kẽm, chì mà chỉ thu hồi được sắt.

Ví dụ: Bụi lò = 40% Sắt + 8% Kẽm + 2% Chì + 5% Lưu Huỳnh +...; nếu thu hồi sắt 40% sẽ lỗ; nếu thu hồi được sắt thì kẽm, chì sẽ tăng lên và phải thu hồi được sản phẩm kẽm oxit 50% chì; riêng lưu huỳnh phải thành axit . Do vậy, chắc chắn kiểm tra sổ sách của Hòa Phát sẽ không có những sản phẩm như: Kẽm oxit; Kẽm kim loại; Chì kim loại; Axit. Tổng tương ứng = 30.000 tấn kim loại 1 năm.

Vậy số kim loại nguy hại khoảng 30.000 tấn trong tổng bụi lò khoảng 70.000 – 100.000 tấn 1 năm đang ở đâu? Có thể trả lời rằng, số kim loại nguy hại đó đã theo khí thải phát tán ra môi trường.

Để làm rõ các vấn đề trên thì cơ quan chức năng cần kiểm tra hệ thống sổ sách nguyên liệu đầu vào quặng, phế liệu để biết tỉ lệ sắt, chì, kẽm, cadimi (cd), lưu huỳnh, phốt pho; kiểm tra công nghệ của dự án để biết tỉ lệ thu hồi kim loại, xử lý chất thải (hồ sơ báo cáo đầu tư ĐTM, CPM dự án; các giấy phép con); kiểm tra trực tiếp khí thải tại lò cao, lò chuyển... nước thải tại các điểm xả thải. Chắc chắn 100% đều vượt ngưỡng cho phép theo quy định.

Để xác minh những thông tin do bạn đọc phản ánh, PV đã liên hệ để làm việc với Công ty cổ phần Thép Hòa Phát tại 66 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội và được ông Trần Nguyễn Nghi là Phó Ban Quan hệ công chúng của công ty cho biết, tất cả khí thải của nhà máy được thu hồi để xử lý và tái sử dụng cho các khâu sản xuất. Bụi cũng được thu hồi qua 3 hệ thống lọc bụi và tái sử dụng, nước sản xuất được tuần hoàn 100%, xỉ lò cao cũng vậy, Hòa Phát tận dụng chế biến thành xỉ hạt lò cao S95 làm phụ gia xi măng...

Trong nhiều năm qua và hiện nay, vấn đề môi trường luôn được quan tâm và không chỉ ở trong nước mà còn trên toàn thế giới. Môi trường sống nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chúng ta. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề này, trong nhiều văn kiện cũng như trong chỉ đạo hàng ngày của Thủ tướng Chính phủ là “Kiên quyết không đánh đổi phát triển kinh tế với môi trường”, tức là không vì tăng trưởng kinh tế mà làm hủy hoại môi trường.

Môi trường bị hủy hoại thì không gì có thể đánh đổi được. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp, cơ sở, nhà máy sản xuất vì lợi nhuận mà không chịu đầu tư công nghệ máy móc và hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn, đã bất chấp tất cả, sẵn sàng xả thải gây ô nhiễm môi trường, làm tổn hại đến sức khỏe của người dân.

Để bảo vệ sức khỏe của hàng triệu người dân, đáp ứng tâm tư nguyện vọng của người dân địa phương và cũng là để pháp luật được thực thi nghiêm túc, tránh tình trạng có “lợi ích nhóm”, đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc làm rõ thực trạng về môi trường và xem xét lại qui trình, công nghệ xử lý không khí, chất thải, nước thải của Nhà máy Thép Hòa Phát đã đạt tiêu chuẩn cho phép chưa? Có việc xả thải gây ô nhiễm môi trường như người dân phản ánh không? Để xử lý theo qui định của pháp luật và thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng cho mọi người dân đều biết, tạo sự minh bạch và lấy lại niềm tin trong nhân dân.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong các số báo tiếp theo.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: KD&PL