Nhân viên gen Z gánh việc cho đồng nghiệp bất ngờ nghỉ ngang

14/10/2022 08:28

Kinhte&Xahoi Bước chân vào thị trường lao động trong bối cảnh sự thay đổi không ngừng nghỉ của xã hội, nhiều nhân sự trẻ không khỏi bất ngờ khi mới làm việc chưa lâu lại phải gồng gánh công việc cho đồng nghiệp bất ngờ nghỉ ngang…

Áp lực gánh việc

 Bốn tháng kể từ khi bắt đầu làm việc cho công ty mới, Hoàng Long (24 tuổi) 2 lần phải cùng cả phòng gánh thêm việc vì đồng nghiệp nghỉ không báo trước. Lý do được đưa ra là chuyện gia đình, quá stress, cần đi du lịch để phục hồi.

“Bạn ấy nghỉ ngay sau khi nhận lương và chỉ để lại kế hoạch làm việc với chục dự án bỏ dở giữa chừng. Lý do bạn đưa ra là quá stress nên cần đi du lịch và thay đổi môi trường làm việc để phục hồi”, Long nói.

Hoàng Long cảm thấy rất áp lực khi đồng nghiệp bất ngờ nghỉ ngang mà không bàn giao công việc

Ngay sau khi nghỉ việc, người đồng nghiệp này hủy kết bạn với Long và tất cả đồng nghiệp khác trên mạng xã hội, đồng thời rời khỏi các nhóm làm việc. Lượng thông tin cũng như các hạng mục công việc chưa được bàn giao khiến cả phòng quay cuồng suốt nửa ngày để xử lý, ảnh hưởng tới cả khách hàng lẫn công ty.

“Với các công ty trong lĩnh vực của bọn mình, những tháng cuối năm là thời điểm chạy doanh số rất căng. Các thành viên phòng mình đều trong trạng thái làm việc hết công suất nên khi phải nhận thêm phần việc đột xuất sẽ không thể tránh khỏi áp lực dồn thêm.

Mình hiểu là các bạn ấy stress, cần phục hồi và không cấm nghỉ việc, thậm chí ủng hộ khi mọi người có công việc tốt hơn. Tuy nhiên, tại sao không thể thông báo trước ít nhất 2 tuần để bàn giao công việc và phía công ty có thể chuẩn bị thật tốt để thay thế?”, Long chia sẻ.

Trần Khánh Linh (22 tuổi, trợ lý tổng hợp) cũng cảm thấy quá tải vì bị nhân đôi công việc khi đồng nghiệp nghỉ không báo trước. “Cảm giác nhận công việc còn sót lại mà không được bàn giao và sắp xếp hệt như phải thu dọn một bãi chiến trường”, cô chia sẻ.

Khánh Linh cho rằng đôi khi nhân viên không thể lấy 2 chữ “áp lực” để che lấp sự lười biếng và vô trách nhiệm của bản thân. Nếu đồng nghiệp tìm được công việc đáp ứng được nhu cầu thuận tiện cũng như lương bổng tốt hơn, vấn đề nghỉ việc có ý nghĩa không chỉ với họ, mà Khánh Linh và các thành viên khác cũng vui lây.

Nhiều người lao động trẻ cảm thấy stress và căng thẳng khi đột nhiên phải gánh thêm nhiều việc

Trong công ty và phòng của Khánh Linh, mọi người trạc tuổi nhau nên gần như luôn chia sẻ về mọi vấn đề trong công việc và cuộc sống, không phân biệt quản lý hay nhân viên. Vì vậy, nếu nghỉ việc, cô sẽ trao đổi với cấp trên để có thể nắm tình hình và cân nhắc phân chia dự án mới, đồng thời bản thân kịp bàn giao dự án đang thực hiện.

“Mình nghĩ khi quyết định nghỉ việc, bản thân phải là người chắc chắn và hiểu rõ điều đang làm nhất. Do đó, mình sẽ thẳng thắn chia sẻ cũng như có kế hoạch cụ thể sắp xếp công việc để không làm ảnh hưởng đến tiến độ của công ty cũng như năng suất làm việc của mọi người”, Khánh Linh chia sẻ.

Cần sự thấu hiểu và quan tâm nhiều hơn

 Ngọc Huyền, một freelancer cho rằng việc nghỉ ngang, thậm chí là nghỉ việc một cách "chóng vánh” không còn hiếm ở thời điểm hiện tại, nhưng cũng có những công ty ép nhân viên phải bỏ việc. Bản thân cô gái 25 tuôti từng có giai đoạn mệt mỏi khi vừa phải lo hoàn thành nhiệm vụ chính, vừa cáng đáng nhiều công việc không tên khác.

“Mình không chắc nhiều quản lý có hiểu cho nhân viên không hay chỉ nói những câu như “Mấy việc này nhanh mà em”, “Cái này làm một chút là xong”. Những nhân viên luôn cần lời động viên và sự chia sẻ thật sự thay vì những áp lực thêm như vậy”, Huyền nói.

Theo cô gái trẻ, nếu có nhiều nhân sự cùng nghỉ ngang, người quản lý cũng cần xem lại văn hóa và môi trường làm việc có đang ổn không.

Ngọc Huyền cho rằng môi trường làm việc là một yếu tố quan trọng thúc đẩy năng suất lao động và sự gắn bó của nhân viên với công ty

“Mình cũng từng nghỉ việc, nhưng đảm bảo sẽ bàn giao lại ổn định, xong xuôi mọi việc. Một phần là trách nhiệm, một phần cũng luyến tiếc đồng nghiệp. Mọi người rất tốt, chỉ là tại thời điểm đó, công việc không còn phù hợp nên rời đi. Nếu môi trường kém, bị đâm sau lưng, không ai giúp đỡ dẫn đến áp lực quá mức thì nghỉ ngang là điều hiển nhiên”, Ngọc Huyền bày tỏ.

Bắt đầu vị trí quản lý nhân sự cho một công ty quảng cáo mới thành lập từ giữa năm ngoái, vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, Nhật Lệ (24 tuổi, sống tại quận Đống Đa, Hà Nội) phải đảm nhận quá nhiều đầu việc đồng thời nhận bàn giao công việc từ đồng nghiệp sắp nghỉ khiến cô luôn quay cuồng tới tận đêm mới xong việc.

Thời gian đó, đêm nào Nhật Lệ cũng căng thẳng và stress đến mức quyết định nghỉ việc. Tuy nhiên, khi được đồng nghiệp hỏi han và hứa sẽ hỗ trợ cũng như nhận được những lời động viên và đãi ngộ từ sếp, cô gái trẻ cảm thấy mọi căng thẳng đều tan biến, thậm chí còn xông xáo hơn và nhận thêm vài việc nhỏ khác. Nhật Lệ nhận ra công sức mình bỏ ra là xứng đáng khi có vị trí tốt hơn, mức lương cao hơn và được mọi người ghi nhận.

“Nếu không có cấp trên và đồng nghiệp hỏi han, động viên và hỗ trợ, có lẽ mình đã là một nhân viên nghỉ ngang với một hồ sơ không như ý”, Nhật Lệ chia sẻ.

Cô gái 24 tuổi cho biết, công ty cô không yêu cầu nhân viên xin nghỉ trước bao nhiêu ngày. Tuy nhiên, tất cả đều thông báo từ sớm, thậm chí trước 2 tháng, để nhân sự tuyển người mới và bàn giao công việc.

Gần đây, một đồng nghiệp của Nhật Lệ xin nghỉ nhưng vì chưa tìm được người thay thế, đồng nghiệp đó đề nghị tiếp tục hỗ trợ công ty với điều kiện được làm việc tại nhà và nhận nửa lương đến khi có nhân sự mới.

Nhật Lệ mong muốn đồng nghiệp khi quyết định nghỉ ngang hay sắp xếp và bàn giao công việc một cách hợp lý

Theo cô gái trẻ, đồng nghiệp của cô xin nghỉ không phải do công việc quá tải hay xích mích với cấp trên nên đều rời đi trong sự vui vẻ, thoải mái. Còn ngoài kia, cô biết nhiều trường hợp nhân viên nghỉ ngang và nói xấu công ty cũ vì không thoải mái trong quá trình làm việc.

“Cá nhân mình không thích điều đó. Mình nghĩ nếu khó khăn trong công việc, nhân viên nên chia sẻ để được giải quyết. Còn nếu đã quyết định rời đi, mọi người nên bàn giao xong xuôi và giữ liên lạc vì đôi khi công ty vẫn cần một số thông tin”, Nhật Lệ nói.

Về phía nhà quản lý và nhân sự, Nhật Lệ mong họ hiểu rằng những người trẻ như cô mới ra trường, không phải ai cũng từng đi làm thêm từ thời sinh viên và lập tức có thể làm việc hiệu quả, quản lý thời gian, sắp xếp công việc tốt.

“Chúng mình đều cần thời gian để tiến bộ và hiệu quả hơn. Nên trong thời gian đó, mình mong các anh, chị hãy quan tâm nhân viên nhiều hơn. Vì đôi khi, những lời hỏi han, quan tâm đó tác động đến chúng mình rất nhiều”, Nhật Lệ bày tỏ.

 Phạm Thành - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nhan-vien-gen-z-ganh-viec-cho-dong-nghiep-bat-ngo-nghi-ngang-207936.html