Đến tối 28-2, đã có 55 tỉnh, TP trên cả nước điều chỉnh lịch học sau thời gian dài nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19. Riêng TP.HCM chưa đưa ra quyết định.

Học sinh THPT đi học lại từ ngày 2-3

Tối 27-2, sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành cho học sinh (HS) mầm non, tiểu học, THCS nghỉ học thêm 1-2 tuần để phòng dịch COVID-19. Trong khi đó HS THPT, học viên giáo dục thường xuyên đi học trở lại từ ngày 2-3.

Trước công văn đề nghị của Bộ GD&ĐT, trong ngày 28-2, nhiều tỉnh, thành trên cả nước thông báo quyết định của UBND tỉnh cho HS đi học trở lại sau thời gian dài nghỉ tránh dịch COVID-19.

Công tác vệ sinh trường học được các trường đặc biệt chú trọng. Trong ảnh: Nhân viên Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP.HCM) phun thuốc sát khuẩn trường học. Ảnh: NTCC

Riêng hai tỉnh Ninh Thuận và Quảng Ninh phải ra văn bản hỏa tốc thay đổi quyết định so với ngày 27-2. Theo đó trẻ em mầm non, HS tiểu học, THCS hai tỉnh này được tiếp tục nghỉ học đến ngày 8-3.

Riêng HS THPT, học viên giáo dục thường xuyên đi học trở lại từ ngày 2-3.

Trước đó, ngày 26 và 27-2, Quảng Ninh và Ninh Thuận đã có văn bản cho HS các cấp đồng loạt đi học trở lại từ ngày 2-3.

Đa phần các tỉnh, thành đều cho HS mầm non, tiểu học, THCS tiếp tục nghỉ học 1-2 tuần. Một số tỉnh, thành như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Hà Nam... cho HS mầm non đến THCS nghỉ hết ngày 15-3.

Cá biệt có tỉnh Bắc Giang quyết định cho HS THCS, THPT đi học lại từ ngày  2-3.

Tỉnh Nghệ An, Hòa Bình quyết định HS mầm non đến tiểu học nghỉ hết ngày 15-3; HS THCS nghỉ hết ngày 8-3. Bến Tre quyết định HS lớp 9, THPT đi học trở lại từ ngày 2-3.

Hà Nội và Tiền Giang quyết định cho HS các cấp học nghỉ đến hết ngày 8-3.

Nhìn chung, căn cứ vào tình hình dịch bệnh cũng như khung chương trình mà Bộ GD&ĐT mới ban hành, phần lớn các tỉnh, thành đều cho HS THPT đi học lại từ ngày 2-3. Riêng TP Đà Nẵng cho HS lớp 10, 11 tiếp tục nghỉ thêm một tuần, chỉ lớp 12 đi học lại từ ngày 2-3.

Sẵn sàng đón học sinh trở lại

Lý giải về quyết định chỉ cho HS lớp 12 quay lại trường từ đầu tháng 3, lãnh đạo Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho hay là để đảm bảo chương trình học và chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT sắp tới của các em. Sở đã có khuyến cáo tới các trường có HS lớp 12 có thể bố trí phòng học theo phương án phòng cách phòng hoặc chia HS thành các lớp nhỏ để phòng, chống dịch. Ngoài ra, sở đã thông báo cho phụ huynh, HS tự đo thân nhiệt hằng ngày trước khi đến trường, đồng thời khuyến cáo HS có biểu hiện sốt hoặc ho và khó thở thì không đến trường.

Bà Phan Thị Dạ Thảo, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Long An, cho biết chiều 26-2 sở đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các đơn vị giáo dục tại 15 điểm cầu để thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, sở yêu cầu trường học có HS đi về từ các vùng dịch báo cáo với cơ quan y tế địa phương, cơ quan quản lý để xử lý kịp thời. Đến thời điểm này, các trường đã thực hiện tốt công tác diệt khuẩn, tẩy trùng, xây dựng thêm các khu vực rửa tay, trang bị thêm xà phòng, khẩu trang và máy đo thân nhiệt. Đặc biệt, các trường tổ chức sinh hoạt dưới cờ và các hoạt động giáo dục trong phạm vi lớp học.

Tại Nghệ An, công tác phòng, chống dịch bệnh cũng được các trường tiến hành khẩn trương. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tổng vệ sinh, sát khuẩn, có đầy đủ phương tiện để đảm bảo an toàn cho HS. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các trường lắp đặt vòi nước theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế. Tại địa phương, trường mầm non đã đáp ứng quy định này từ trước. Trường tiểu học, THCS, THPT sẽ lắp đặt thêm.
 
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu, chia sẻ các trường đã chuẩn bị rất bài bản để đón HS trở lại. Ngoài việc tổng vệ sinh, sát khuẩn, trang bị nước rửa tay thì các trường còn cho HS tự khai báo có đi qua vùng dịch, có bị bệnh gì không. Nếu em nào đã từng đi qua vùng dịch và có những biểu hiện sốt, ho sẽ tạm thời nghỉ ở nhà.

Nói về việc trang bị máy đo thân nhiệt, ông Giang cho biết dù sở đã triển khai tới các trường nhưng khó có thể thực hiện vì số lượng HS quá đông, các trường không thể đáp ứng được trong khi nguồn cung hạn chế. Cho nên nhà trường thông báo nếu HS có biểu hiện trên tự nghỉ ở nhà.

Thầy Nguyễn Văn Đông, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt, tỉnh Bình Thuận, cũng cho biết trường sẽ tiếp tục tổng vệ sinh phòng ốc, bàn ghế, trang bị hệ thống nước rửa tay theo hướng hiện đại. Dịp này nhà trường đã lắp đặt thêm bảy bồn rửa tay cho HS. Trường còn trang bị thêm máy bắn nhiệt độ và khẩu trang y tế.

Tuy nhiên, hiện nay nhà trường gặp khó khăn trong việc mua vật dụng này nên chỉ cung cấp cho những trường hợp cần thiết. Do số lượng 1.700 HS quá đông trong khi máy đo nhiệt độ hạn chế nên trường chỉ tiến hành đo các trường hợp nghi vấn. Ngoài ra, trường còn dán áp phích quanh trường hướng dẫn các biện pháp phòng tránh dịch bệnh COVID-19 để HS tiện theo dõi.

Theo ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận, hiện nay các trường trên địa bàn đã sẵn sàng đón HS trở lại. Trong thời gian qua, sở đã tập huấn cho hiệu trưởng các trường về các biện pháp phòng tránh, có mời chuyên gia y tế về trò chuyện.

Cũng theo ông Thái, sở đã chỉ đạo trong hai ngày cuối tuần, các trường sẽ tiếp tục tổng vệ sinh, sát khuẩn toàn bộ khu vực trường học. Hiện nay, các bồn rửa tay đã được các trường lắp đặt thêm. Nhiều trường còn trang bị thêm máy đo thân nhiệt, khẩu trang.

Ngay ngày đầu tiên đi học, các trường sẽ không tổ chức lễ chào cờ tập trung. Thay vào đó, HS sẽ có một tiết sinh hoạt với giáo viên chủ nhiệm để phổ biến về các biện pháp phòng tránh dịch COVID-19. Trong thời gian đầu sẽ không học những bộ môn tập trung đông người như những hoạt động dã ngoại.

“Sở đã có hướng dẫn kỹ lưỡng các trường về việc trước khi HS đến trường nên làm gì. Thứ hai, tập huấn cho giáo viên cách tự bảo vệ. Thứ ba, lên kịch bản sẵn khi có trường hợp nhiễm bệnh xảy ra sẽ xử lý như thế nào” - ông Thái nhấn mạnh.

Nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn cả nước tiếp tục cho sinh viên nghỉ học thêm 1-2 tuần

Sáng 28-2, Đại học Quốc gia TP.HCM đã quyết định cho sinh viên, HS tất cả đơn vị tiếp tục nghỉ học thêm một tuần, tức đến hết ngày 8-3. Lịch học và các hoạt động học vụ khác sẽ có sự điều chỉnh theo tình hình mới.

Đại học này cũng lùi thời gian tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Hạn đăng ký dự thi đợt một là ngày 24-4, chậm hơn hai tháng so với kế hoạch ban đầu 28-2. Ở đợt hai, thời gian đăng ký dự thi từ ngày 1-6 đến 10-7, tổ chức thi vào ngày 9-8.

Nhiều trường đại học tại TP.HCM cho sinh viên nghỉ hết ngày 8-3 hoặc chuyển sang học trực tuyến để phòng, chống dịch như Công nghiệp, Công nghiệp thực phẩm, Ngân hàng, Kinh tế, Tôn Đức Thắng, Văn hóa, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính - Marketing, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng…

Một số trường đại học khác cho sinh viên nghỉ thêm hai tuần, đến hết ngày 15-3 như Công nghệ TP.HCM, Tài chính - Kinh tế, Văn Hiến.

Một số trường phân loại sinh viên, học viên để quyết định thời điểm đi học. Đại học Luật TP.HCM cho sinh viên chính quy năm cuối, sinh viên hệ vừa học vừa làm, học viên cao học đi học từ ngày 2-3; sinh viên các năm khác học từ ngày 16-3.

Đại học Nha Trang cho sinh viên khóa 58 trình độ đại học và khóa 59 cao đẳng học lại từ ngày 9-3, các khóa chính quy còn lại bắt đầu học từ ngày 30-3. Sinh viên hệ vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng hai chính quy và sau đại học đi học lại từ ngày 2-3. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Quận Ba Đình (Hà Nội): Nhiều uẩn khúc trong việc cấp sổ đỏ tại số 33, phố Tân Ấp

Đã về hưu, Xí nghiệp bị giải thể nhưng ông Nguyễn Việt Trung lại không bàn giao tài sản cho Công ty CP Vật liệu xây dựng & Xuất nhập khẩu Hồng Hà, thay vào đó có dấu hiệu không minh bạch trong việc cho thuê nhà, biến tài sản chung thành tài sản riêng. Tài sản được cấp sổ đỏ có nhiều uẩn khúc, khó hiểu.

Theo Pháp luật TP. HCM/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/nhieu-tinh-thanh-cho-hoc-sinh-thpt-di-hoc-lai-d118341.html