Nhớ về Đại tướng Văn Tiến Dũng - Người con ưu tú của Hà Nội

28/04/2022 20:39

Kinhte&Xahoi Sáng nay (28/4), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức trưng bày về “Đại tướng Văn Tiến Dũng - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh” nhằm ghi nhớ, tôn vinh những cống hiến to lớn của Đại tướng Văn Tiến Dũng trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc. Sự kiện nhằm thiết thực kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022); kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng (2/5/1917 - 2/5/2022).

Dự khai mạc sự kiện, về phía Bộ Quốc phòng có Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng tham mưu Phạm Xuân Tuấn. Về phía Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có Cục phó Cục Di sản Trần Đình Thành. Về phía thành phố Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh.

Sự kiện còn có sự tham dự của các nhà khoa học, đại diện gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

Ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, Đại tướng Văn Tiến Dũng là một nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Nhà nước, một vị tướng mưu lược, văn võ song toàn, tận trung với nước, tận hiếu với dân, có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần bổ sung, phát triển nền khoa học, nghệ thuật quân sự cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đặc biệt là nghệ thuật “nở hoa trong lòng địch”.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội giàu truyền thống văn hiến, đồng chí Văn Tiến Dũng đã sớm tham gia cách mạng và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 17 tuổi. Ba lần bị thực dân Pháp bắt giam, một lần bị kết án tử hình vắng mặt, bị giam cầm, tra tấn dã man trong lao tù đế quốc, nhưng đồng chí vẫn trung thành tuyệt đối lý tưởng cao cả của Đảng, tìm mọi cơ hội vượt ngục để tiếp tục hoạt động cách mạng.

Các đại biểu cắt băng khai mạc.

Về với cách mạng, đồng chí đã chọn vùng An toàn khu của Trung ương và Xứ ủy ven Hà Nội để gây dựng phong trào. Xã Trung Mầu (Gia Lâm), An Mỹ, Bột Xuyên (Mỹ Đức), Cổ Loa, Việt Hùng (Đông Anh), Hòa Xá (Ứng Hòa) là nơi tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng. Đối với lực lượng vũ trang Thủ đô, Đại tướng Văn Tiến Dũng đặc biệt quan tâm, không chỉ với cương vị lãnh đạo Bộ Quốc phòng mà còn sâu nặng tình nghĩa quê hương yêu dấu. Không phụ sự quan tâm của đồng chí, lực lượng vũ trang nhân dân Hà Nội đã lập nhiều thành tích trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng vũ trang Thủ đô đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Quốc phòng chiến đấu dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trong những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc và Thủ đô, đặc biệt là đánh thắng cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ vào Hà Nội cuối năm 1972.

Cuộc đời hoạt động và những đóng góp của Đại tướng Văn Tiến Dũng đối với phong trào cách mạng ở Hà Nội là một phần quan trọng trong quá trình hoạt động cách mạng vẻ vang, là dấu ấn không thể quên của đồng chí.

Sự kiện có sự tham gia của nhiều cán bộ, sĩ quan quân đội.

Hơn 65 năm theo Đảng và Bác Hồ tham gia hoạt động cách mạng, được Đảng và Nhà nước, quân đội giao cho nhiều trọng trách: Cục trưởng Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bí thư Đảng ủy quân sự Trung ương..., cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Văn Tiến Dũng gắn liền với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là với quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ thời kỳ tiền khởi nghĩa, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược; đặc biệt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trong thời kỳ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trên bất cứ cương vị nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được đồng chí, đồng đội tin yêu, quý trọng.

Với những cống hiến lớn lao đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Thành phố Hà Nội đã đặt tên con đường mang tên Văn Tiến Dũng tại quận Bắc Từ Liêm. Hình ảnh Đại tướng Văn Tiến Dũng sẽ luôn thân thương, gần gũi, là nguồn động lực cổ vũ to lớn đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm qua, hôm nay và mai sau.

Các đại biểu tham quan Trưng bày.

"Thiết thực kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022); kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng (2/5/1917 - 2/5/2022), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức trưng bày “Đại tướng Văn Tiến Dũng - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh” nhằm ghi nhớ, tôn vinh những cống hiến to lớn của Đại tướng Văn Tiến Dũng trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc; góp phần khắc họa lại chân dung một chiến sĩ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ mai sau, đặc biệt là thế hệ trẻ", Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho hay.

Phát biểu tại buổi khai mạc, Đại tá Trần Đức Báu - Thư ký riêng của Đại tướng Văn Tiến Dũng bồi hồi chia sẻ khi vinh dự được là người phục vụ Đại tướng Văn Tiến Dũng suốt gần 25 năm, từ cương vị người chiến sĩ bảo vệ và sau này là thư ký riêng. Trong những năm tháng đó, ông luôn trân trọng và biết ơn vị Đại tướng có tài thao lược xuất chúng nhưng vô cùng gần gũi và tình cảm với anh em đồng đội.

Trưng bày mở cửa phục vụ du khách tham quan từ ngày 28/4 tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội (19 đường Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội).

Tại sự kiện, bà Văn Minh Tâm - con gái của Đại tướng Văn Tiến Dũng đã kể những kỷ niệm về cha mình. Thuở nhỏ, Đại tướng Văn Tiến Dũng nhà nghèo, mẹ mất sớm. Sau khi cha đột ngột qua đời vào năm Đại tướng 15 tuổi, ông đành phải bỏ học, ở nhà trợ giúp cho anh làm nghề thợ may.

17 tuổi, ông lại ra Hà Nội làm công cho các xưởng dệt, cuộc sống công nhân rất vất vả. Nhận thấy, chủ xưởng dệt đối xử bất công, thẳng tay đàn áp công nhân, ông đã quyết tâm đòi lại công bằng. Mỗi tháng ông tiết kiệm tiền mua sách báo đọc. Qua những tin tức đọc được trong sách báo, ông đã kể lại cho tất cả anh chị em công nhân trong xưởng nghe. Ông tìm đến những người tiến bộ để hỏi xem vì sao lại xảy ra bất công như vậy thì gặp được các đồng chí của mình, từ đó ông đã lựa chọn con đường đi theo cách mạng và cống hiến đến cuối đời.

Trưng bày “Đại tướng Văn Tiến Dũng - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh” giới thiệu 150 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tại Di tích Cơ quan Tổng hành dinh Quân đội nhân dân Việt Nam D67, là nơi Đại tướng Văn Tiến Dũng đã làm việc gắn bó trong suốt thời gian phản ánh một cách tương đối toàn diện, có hệ thống về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cùng những cống hiến to lớn của Đại tướng Văn Tiến Dũng vì mục tiêu độc lập dân tộc, vì tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Nội dung trưng bày gồm 3 chủ đề: “Người con ưu tú của Hà Nội”; “Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh”; “Nhớ về Đại tướng”. Điểm nhấn của Trưng bày làm nổi bật dấu ấn, vai trò của Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng tại Tổng Hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam (Nhà và Hầm D67) từ năm 1968 - 1975.

Trưng bày mở cửa phục vụ du khách tham quan từ ngày 28/4/2022, tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội (19 đường Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội). Bên cạnh đó, trưng bày có phiên bản giới thiệu trực tuyến tại website: trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn.

 Phương Bùi - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://laodongthudo.vn/nho-ve-dai-tuong-van-tien-dung-nguoi-con-uu-tu-cua-ha-noi-139251.html