Những người đổ ra đường đêm Trung thu cần tự theo dõi sức khoẻ

22/09/2021 15:23

Kinhte&Xahoi Sau khi đọc tin tức và chứng kiến cảnh người dân chen chúc, dòng người và xe đông nghịt trên các tuyến phố khu vực hồ Gươm vào đêm Trung thu, nhiều người dân bày tỏ sự phẫn nộ, tức giận trên mạng xã hội. Chuyên gia y tế cảnh báo, sau khoảng 3-4 ngày từ đêm Trung thu, nếu ai có triệu chứng ho sốt thì cần liên hệ ngay với cơ sở y tế.

“Chắc Covid-19 chừa mình ra?”

 Tối 21/9, hàng nghìn phương tiện đã đổ về các tuyến phố trung tâm Hà Nội để đi chơi nhân dịp Tết Trung thu khiến hàng loạt tuyến phố trung tâm Hà Nội trở nên đông nghẹt. Đặc biệt là các tuyến phố giao với phố Hàng Mã như Hàng Lược, Hàng Gà, Hồ Tây và khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm.

Năm nay do ảnh hưởng của dịch nên các địa điểm vui chơi Trung thu như Hàng Mã chưa được mở lại để phòng chống dịch. Dù vậy, nhiều người dân vẫn dừng xe tại khu vực Hàng Mã để xe ngoài lòng đường mua đồ chơi cho trẻ nhỏ làm tình trạng ùn ứ tại con đường này trở nên nghiêm trọng.

Tại các tuyến phố Hàng Đường, Hàng Bông, Lương Văn Can nườm nượp phương tiện đổ về khiến giao thông ùn tắc, các phương tiện di chuyển chậm.

Nhiều tuyến phố tắc nghẽn do dòng người đông đúc đi chơi Tết Trung thu

Đáng nói, nhiều gia đình còn đưa theo trẻ con lên phố đón Trung thu bất chấp nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Chị Lê Hoàng Ngọc (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lo ngại: “Người lớn tiêm vắc xin rồi còn đỡ lo, chứ trẻ con chưa được tiêm mà cứ chủ quan đưa chúng đi đến chỗ đông người chen chúc như thế. Quả thật rất đáng ngại”.

Trên mạng xã hội, rất nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ, tức giận vì sự chủ quan, thiếu ý thức của một bộ phận người dân.

Một người có nick facebook “Yến Nhi” đăng tải dòng trạng thái: “Ai cũng nghĩ "chắc không ai ra đường đâu" rồi cả trăm ngàn người cùng lúc nghĩ như vậy. Thành phố vừa được nới lỏng xong, tôi không dám nghĩ đến hậu quả nếu chẳng may có vài người trong đám đông đó bị dính Covid thì sẽ như thế nào. Họ đánh cược mạng sống của mình quá. Đề nghị những người hôm qua đi chơi Trung thu phải khai báo y tế nghiêm túc”.

Đồng quan điểm, nick facebook Hoài An chia sẻ: “Không đi chơi một mùa Trung Thu có chết không? Đương nhiên không. Chắc chắn sẽ kém vui hơn mùa Trung thu những năm trước nhưng giữa vui và an toàn, chúng ta phải cân nhắc, để giữ an toàn sức khỏe cho chính mình, gia đình và cộng đồng. Làm ơn hãy nâng cao cảnh giác, đừng tặc lưỡi chủ quan trong lúc này”.

Nhìn nhận về tình trạng “biển người” Hà Nội đổ ra đường đón Trung thu tối 21/9, PGS – TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), lo ngại về ý thức chủ quan của cộng đồng. Dù nhiều người đã tiêm vắc xin, song trẻ em chưa được tiêm vắc xin vẫn được cho ra đường chơi là rất nguy hiểm, dễ lây nhiễm.

Cũng theo ông Nga, việc đi lại trên đường nếu đeo khẩu trang, giữ khoảng cách sẽ không có nguy cơ lớn. Song các đám đông tụ tập, đông đúc trên đường như trong đêm Trung thu, không đúng khuyến cáo về giữ khoảng cách, không thực hiện 5K, có nguy cơ lây lan dịch cao.

Tâm lý "xả hơi" gây nguy hiểm cho xã hội

 Hiện Hà Nội đã ''nới lỏng" một số quy định nhưng vẫn yêu cầu người dân không ra đường khi không có việc cần thiết bởi nguy cơ dịch bệnh bùng phát còn cao.

Theo báo cáo tại kỳ họp thứ hai HĐND TP Hà Nội khóa XVI sáng 22/9 của Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, mặc dù số ca mắc trung bình tại đợt giãn cách thứ 4 đã giảm mạnh, số ca nhiễm trong cộng đồng giảm, số ca nặng phải chuyển tầng điều trị giảm, tỷ lệ chữa khỏi tăng. Tuy nhiên, người dân không được chủ quan lơ là vì tình hình dịch vẫn còn phức tạp, khó lường, trên địa bàn thành phố còn có thể xuất hiện những ca bệnh rải rác trong cộng đồng.

Rất nhiều gia đình đưa con nhỏ đi chơi Trung thu, bất chấp nguy cơ dịch bệnh

Các chuyên gia y tế cũng đã cảnh báo, dù được tiêm vắc xin nhưng vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Theo TS, BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vắc xin không đem lại sự bảo vệ tức thì. Sau tiêm mũi 1 phải ít nhất 14 ngày sau mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt ở mức bảo vệ rất thấp. Sau tiêm mũi thứ 2 từ 1 tháng trở ra thì vắc xin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60%-90% tùy theo loại vắc xin.

Chuyên gia này nhấn mạnh, vắc xin Covid -19 không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ cơ thể không mang mầm bệnh. Điều này có nghĩa là khi đã tiêm vắc xin, chúng ta có thể không mắc Covid-19 nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác.

Đã có quá nhiều bài học nhãn tiền về tình trạng dịch Covid-19 bùng phát chỉ vì một bộ phận người dân xuống đường “vui trong chốc lát”. TP HCM, các tỉnh phía Nam và ngay cả Hà Nội cũng đã hứng chịu đợt bùng phát dịch với nhiều diễn biến phức tạp sau kì nghỉ lễ 30/4.

Cộng đồng mạng cũng đã từng lên tiếng phản ứng mạnh mẽ khi đọc tin tức hàng vạn người dân Ấn Độ đã tham gia lễ hội tắm sông Kumbh Mela dù dịch bệnh đang bùng phát. Vậy nhưng, chính chúng ta lại đang làm điều đó.

Trong khi bao lực lượng tuyến đầu vẫn đang ngày đêm vất vả căng mình chống dịch thì chúng ta tuyệt đối không để sự chủ quan, thiếu ý thức của một số người mà làm công sức của bao con người uổng phí. Rất nhiều người đang vui mừng vì tình hình dịch đang dần kiểm soát tốt và họ có thể sắp được trở về nhà. Vì vậy, hơn lúc nào hết, cả cộng đồng cần nâng cao ý thức chủ động, tự giác trong phòng chống dịch, tuyệt đối không để sự chủ quan của một số cá nhân khiến cho cả cộng đồng, xã hội phải trả giá.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, mặc dù thành phố nới lỏng các hoạt động, dịch vụ nhưng việc thực hiện 5K là rất quan trọng. Nếu để lây nhiễm trong những hoạt động vui chơi, tập trung đông người là điều cực kỳ tai hại. Khi để lây nhiễm, dịch bệnh bùng phát lại thì thành phố buộc phải giãn cách, siết chặt lại. Đây chắc hẳn là điều không ai mong muốn xảy ra.

Do đó ông Nga đề nghị người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời chính quyền cần giám sát chặt những địa điểm, tụ điểm đông người. Cần tiếp tục có những cảnh báo để người dân biết việc nguy hiểm ra sao nếu tập trung đông người.

Theo ông Nga, thành phố cần có những dự báo trước tình hình, nâng mức cảnh báo, có sự chuẩn bị từ xa, từ sớm. Mỗi người đều thấy giật mình với cảnh "biển người" chen chân đi chơi Trung thu khi Hà Nội vừa nới lỏng giãn cách xảy ra ngày hôm qua. Trong đó người dân có sự chủ quan khi được tiêm vaccine phòng Covid-19 nên đã "xả hơi" ra đường.

Trước mắt, ông Nga cho rằng, sau khoảng 3-4 ngày từ đêm Trung thu, nếu ai có triệu chứng ho sốt thì cần liên hệ ngay với các cơ sở y tế. Người dân cần đi khám, xét nghiệm sớm khi nghi ngờ về tình trạng sức khoẻ. Còn nếu sợ tập trung đông người thì có thể mua kit test nhanh về làm tại nhà. Đồng thời, thành phố cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bao phủ vaccine toàn dân để phòng chống dịch.

 Ánh Dương - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nhung-nguoi-do-ra-duong-dem-trung-thu-can-tu-theo-doi-suc-khoe-178218.html