Nuôi Kumathong để cầu may: Thái Lan cấm, nhiều người vẫn lợi dụng để lừa đảo

07/03/2019 10:02

Kinhte&Xahoi Nhan nhản trên nhiều trang web bán hàng online, khách có nhu cầu chỉ cần bỏ ra 1-2 triệu đồng dễ dàng đặt mua búp bê Kumathong, Lukthep (còn gọi búp bê thiên thần) để cầu may mắn.

 Nhiều người “nuôi” nhiều Kumathong để cầu may mắn, phát tài.

Chiều tối ngày 5/3, phóng viên báo Tiền Phong đã đến cửa hàng đồ chơi H.L (đường Phan Đình Phùng, TP Biên Hòa, Đồng Nai) để hỏi mua Kumathong. Đập vào mắt chúng tôi là hàng loạt búp bê bé trai, gái, sơ sinh chất đầy trên các ngăn kệ. Nữ nhân viên bán hàng giới thiệu búp bê này làm bằng chất liệu silicon mát lạnh được nhập về từ nước ngoài với giá bán từ trên 1-3 triệu đồng/con tùy loại. Nhìn qua, những búp bê như người thật với những bé cười, ngủ mang quần áo, dày dép hay những bé sơ sinh chỉ quấn khăn tã.

Đặt vấn đề muốn “nuôi” búp bê để cầu may, nhân viên cho hay cửa hàng chỉ bán xác búp bê, còn để nuôi thì phải trì chú, nhưng cửa hàng không làm việc này.

Trên trang Web bán hàng của mình, cửa hàng H.L đưa hàng loạt hình ảnh búp bê với lời giới thiệu: Mua xác búp bê thiên thần may mắn Kumathong, Lukthep ở đâu? Tiếp đó, nơi này còn giới thiệu ý nghĩa của các búp bê thiên thần may mắn Kumathong, Lukthep.

Theo quan niệm của một số người Kumathong chuyên độ trợ, cầu tài lộc, bảo vệ gia chủ, tránh tà ngải; báo điềm không may, hay đem tài lộc về cho chủ nhân. Theo những người này Kumathong chính là “cậu bé vàng” mà nhiều người Thái Lan thờ thỉnh. Web cửa hàng này cũng chỉ dẫn Kumathong, Lukthep thường được các sư thầy làm phép, trì chú vào các búp bê. Cuối cùng Web này giới thiệu cửa hàng H.L đang cung cấp các dòng búp bê làm phép Kumathong và Lukthep với đa dạng mẫu mã, hình thức sản phẩm.

 
Cửa hàng đồ chơi bán kèm cả búp bê Kumathong - Lukthep. Ảnh: Mạnh Thắng

Liên hệ với một chủ cơ sở chuyên cung cấp Kumathong ở TPHCM, người này cho biết búp bê “thần” là loại bán chạy nhất hiện nay của shop, giá dao động từ vài trăm ngàn đồng đến hơn 10 triệu đồng. “Muốn mua phải đặt trước 2 tuần, chọn và đặt cọc 1 triệu đồng, tôi sẽ nhờ người tại Thái Lan mang búp bê tới chùa để nhờ các thầy làm phép. Giá bùa phụ thuộc vào tuổi của các bé được độ vào. Giá đắt nhất shop hiện tại tầm 10 triệu đồng/búp bê, khoảng 5-6 tuổi” - chủ shop giới thiệu.

Mê tín dị đoan, trục lợi

Theo tìm hiểu trên mạng xã hội còn có nhiều hội nhóm được lập ra để chia sẻ cách nuôi búp bê, bán áo quần cho búp bê, kể lại công dụng sau quá trình nuôi công phu. Nhiều nơi bán còn dùng tên tuổi của thầy làm phép tại Thái Lan để quảng cáo, nhưng thực chất lợi dụng lòng tin của khách hàng để kinh doanh.

“Nuôi Kumathong, cần để riêng ở chỗ kín, trên cao. Nếu chăm sóc tốt, búp bê sẽ trợ giúp cho người nuôi phát tài phát lộc, tránh khỏi sự hãm hại, làm đâu trúng đó… Ngược lại, nếu bỏ bê sẽ gặp hậu quả đáng tiếc, thậm chí bại vong” - M, một người trong hội nhóm nuôi búp bê Kumathong nhấn mạnh.

Theo Ths Nguyễn Thị Kim Châu, trưởng bộ môn Thái Lan học - khoa Đông phương học Trường ĐHKHXH&NV TPHCM, trào lưu nuôi búp bê Lukthep (Kumathong) đã chấm dứt từ 2 năm trước tại Thái Lan: “Trào lưu này phổ biến vào thời điểm cách đây 5 năm tại Thái Lan, hoàn toàn là mê tín dị đoan”.

Ths Châu cho hay, chính phủ Thái đã cấm hoàn toàn hành vi buôn bán và tuyên truyền mê tín dị đoan về Kumathong hay Lukthep. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn lợi dụng để lừa đảo.

Tiêu đề do PhapluatPlus đặt lại.

 

Theo Tiền Phong/Phapluatplus.vn


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vụ Phó bí thư Thành ủy Kon Tum bị tố quan hệ bất chính: Xuất hiện “lời đề nghị” xóa nợ 250 triệu đồng để rút đơn tố cáo

Theo anh Trần Quang T. (SN 1984, trú tại TP. Pleiku) thì sau khi anh này có đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng về việc ông Phạm Minh Xem - Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Kon Tum có quan hệ bất chính với vợ mình thì ông Xem đã yêu cầu được gặp anh T. để thỏa thuận về việc rút đơn tố cáo.