“Ô nhiễm trắng” vì đồ uống take away

23/05/2019 10:58

Kinhte&Xahoi Giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường là xu thế chung của toàn thế giới.

Tuy nhiên, tại các cửa hàng kinh doanh đồ uống theo hình thức đồ uống take away (đồ uống mang đi), tình trạng lạm dụng cốc nhựa, đồ dùng bằng nhựa dùng một lần đang trở thành vấn nạn với môi trường.

Nhiều vật dụng bằng nhựa dùng một lần gây ô nhiễm môi trường.

Lạm dụng đồ nhựa dùng một lần

Từ khi ra đời, đồ uống take away được khách hàng tích cực hưởng ứng vì sự tiện lợi của nó. Dần dần, take away trở thành xu hướng chung của ngành dịch vụ đồ uống và cũng là trào lưu được giới trẻ ưa chuộng.

Minh chứng của sự phát triển này là sự ra đời của hàng chục thương hiệu trà sữa với hàng nghìn cửa hàng trên cả nước những năm gần đây. Sự phát triển của ngành dịch vụ này đang kéo theo không ít những hệ lụy cho môi trường.

Ước tính mỗi ngày có khoảng hàng chục nghìn cốc nhựa được thải ra môi trường từ các cửa hàng đồ uống take away. 

Giữa tháng 3 vừa qua, fanpage chính thức của một thương hiệu đồ uống đăng tải thông báo kể từ ngày 15/3/2019, đơn vị này sẽ áp dụng việc đựng đá riêng cho thức uống mang đi và phụ thu thêm 2.000 VNĐ trên mỗi sản phẩm (không áp dụng với thức uống đá xay).

Theo bài đăng này thì đây là quyết định được đưa ra với mục đích đảm bảo việc vận chuyển an toàn và vệ sinh thực phẩm; đồng thời giúp khách hàng được thưởng thức đồ uống đảm bảo chuẩn hương vị.

Thế nhưng sau thông báo này hàng nghìn khách hàng đã có những phản ứng gay gắt. Tài khoản facebook Trang Nguyen bình luận trên fanpage của nhãn hàng: “2.000 không là vấn đề đối với khách hàng nhưng việc bỏ thêm tiền chỉ để phát sinh thêm một chiếc cốc làm huỷ hoại môi trường là một việc rất vô lý. Uống một cốc trà sữa mà xả ra môi trường đến 2 chiếc cốc nhựa, một ống hút nhựa, một túi nilon”. 

Không chỉ với nhãn hàng trên, nhiều khách hàng của một thương hiệu cà phê khác cũng đang quay lưng với sản phẩm vì sử dụng quá nhiều đồ nhựa dùng một lần. Tính trung bình một ngày, một cửa hàng của thương hiệu cà phê này phục vụ cả trăm lượt khách với hàng trăm cốc nhựa, thìa nhựa, ống hút, túi nilon. Đáng nói hơn, với những khách hàng uống trực tiếp tại bàn, cửa hàng này vẫn phục vụ đồ uống đựng trong những chiếc cốc nhựa.

Có thể nhận thấy đa số các mô hình kinh doanh đồ uống take away hiện nay đều sử dụng đồ nhựa một lần cho cả khách uống tại quán. Qua tìm hiểu, có rất nhiều khách hàng phản hồi về việc họ không hài lòng với cách phục vụ đó.

Chị Hoàng Minh Thu (Tây Hồ, Hà Nội) cho hay: “Lần nào đi uống trà sữa với bạn cũng được nhân viên phục vụ bằng cốc nhựa, nhìn rất phản cảm. Có lần tôi đã đề nghị được dùng cốc thủy tinh nhưng họ từ chối phục vụ vì lý do đây là quy định của hãng." 

“Ngược dòng” với thế giới

Thực tế ở nhiều nước trên thế giới đã có nhiều thay đổi tích cực góp phần hạn chế rác thải nhựa. Từ giữa năm 2018, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm sử dụng túi nylon và đồ nhựa trong kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực ăn uống. Người vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 366 đô la Mỹ và có thể đi tù nếu tái phạm.

Tại trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ, hàng loạt cửa hàng đồ ăn nhanh có thương hiệu nổi tiếng như Burger King, McDonald’s, Starbucks đã bị phạt vì vi phạm lệnh cấm sử dụng đồ nhựa. Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi cũng cam kết đến năm 2022 không còn bóng dáng của các loại đồ nhựa dùng một lần.

Bên cạnh đó, các “ông lớn” trong làng đồ ăn nhanh thế giới cũng đã có một số cải tiến để dần dần chấm dứt việc sử dụng ống hút làm từ nhựa. Còn tại châu Âu, Chính phủ Anh tuyên bố cấm bán các vật dụng làm bằng nhựa sử dụng một lần.

Thế nhưng tại Việt Nam, các sản phẩm đồ nhựa dùng một lần vẫn được các nhà kinh doanh lạm dụng. Trên các trang fanpage của các cửa hàng đồ uống thường xuyên xuất hiện những bình luận của khán giả về  mong muốn cửa hàng hạn chế phục vụ bằng đồ nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, các ý kiến này vẫn chưa được phía nhà kinh doanh tiếp thu, thay đổi bằng những động thái thiết thực.

Thiết nghĩ, thay đổi hình thức phục vụ khách hàng bằng những đồ dùng thân thiện với môi trường có lẽ là giải pháp mà các ông lớn của ngành kinh doanh đồ uống take away cần nghĩ tới. Bởi nếu muốn phát triển lâu dài, môi trường cần được bảo vệ trước nạn “ô nhiễm trắng”.

Theo Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Biệt thự, nhà tầng không phép đua nhau “mọc” trên đất nông nghiệp ở TP Thái Bình

Cả dự án đất cấy lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang mục đích nuôi, trồng thủy sản bị biến tướng thành đất ở. Các cá nhân đua nhau xây dựng nhà tầng kiên cố, thậm chí cả biệt thự mái thái hoành tráng như chốn vô pháp, vô cương. Đó là thực tế đã và đang xảy ra tại thôn Vũ Trường, xã Vũ Chính, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Thanh Sơn - Phú Thọ: Xe quặng tặc hoành hành phá vỡ các con đường huyết mạch

Thanh Sơn là một huyện miền núi, trung du thuộc tỉnh Phú Thọ. Địa hình của huyện thể hiện những nét đặc trưng của một vùng bán sơn địa, song ở vùng này lại có nhiều tiềm năng để phát triển khai thác khoáng sản. Đằng sau những khu khai thác để phát triển kinh tế huyện lại là những mặt tối ít ai ngờ đến.