Phú Quốc (Kiên Giang): Đại úy công an bị tố lạm quyền bắt nhốt người đi mua đất

18/03/2019 15:19

Kinhte&Xahoi Theo Trung tá Lê Minh Chánh, Trưởng Công an thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc, Kiên Giang), một cán bộ công an thị trấn là Đại úy Phạm Quốc Hưng (người từng có vi phạm khi bêu tên người bán dâm trên phố năm 2018) đang bị Chi bộ đưa vào diện kiểm tra do có dấu hiệu tham gia môi giới mua bán đất, vi phạm nội dung cấm của Huyện ủy. Đáng nói, hiện nay, ông Hưng còn đang bị một người dân tố cáo về hành vi lừa đảo, đánh đập và giữ người trái phép… xuất phát từ chuyện mua bán đất tại địa phương…

Đi đòi lại tiền đặt cọc, bị đánh đập hai ngày 

Vụ việc xảy ra vào chiều tối 30/10/2018, khi ông Phạm Quý Hùng (SN 1975, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng hai người khác đến nhà bà Nguyễn Thị Hòa (tại khu phố 10, Dương Đông) để đòi lại tiền đặt cọc mua đất. Sau khi hai bên có lời qua tiếng lại thì Đại úy Hưng cùng một số cảnh sát cơ động đã có mặt, còng tay và áp giải ông Hùng cùng hai người bạn về trụ sở.

Trong đơn tố cáo, ông Hùng cho biết, tại trụ sở công an Dương Đông, ông đã bị ông Hưng và một số cán bộ chiến sĩ công an thay nhau đánh đập. Khi thấy ông Hùng gục xuống, cán bộ công an mới đưa ông này vào Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Phú Quốc. Sau khi được các bác sĩ  tiêm thuốc giảm đau, ông Hùng bị đưa trở lại trụ sở và vẫn tiếp tục bị đánh đập. Chỉ đến trưa 31/10, sau khi bị ép, ký vào biên bản vi phạm hành chính và chấp nhận nộp phạt 200.000 đồng, ông Hùng mới được Công an Dương Đông thả ra ngoài.

 Trụ sở Công an TT Dương Đông - nơi anh Hùng tố cáo mình bị đánh

Trở về nhà, ông Hùng thấy bị thương tích trầm trọng và buồn nôn, nêu chiều cùng ngày, ông Hùng đã vào BVĐK Phú Quốc để cấp cứu, điều trị và có đơn tố cáo vụ việc đến nhiều cơ quan.

Giấy chứng nhận thương tích của BVĐK Phú Quốc thể hiện, ông Hùng vào viện lúc 15h10 phút ngày 31/10/2018 trong tình trạng đa chấn thương do bị đánh, với các thương tích như: trầy xước thái dương (T) và cổ bên (P); Sưng nề kèm trầy xước bụng bên (T) và mạn sườn (T); sưng nề ngực. Điều trị đến ngày 5/11/2018, ông Hùng mới tạm ổn và được ra viện.

Trao đổi với PV, đại diện Công an huyện Phú Quốc cho biết, ngay chiều 31/10, sau khi nhận được đơn tố cáo của ông Hùng, lãnh đạo công an huyện đã giao Trưởng Công an Dương Đông giải quyết đơn theo thẩm quyền. Theo báo cáo của Công an Dương Đông thì khi đến nhà bà Hòa, ông Hùng đã có hành vi chửi bới bà Hòa, gây ồn ào, làm mất an ninh trật tự tại khu dân cư.

Nhận được tin báo, Công an TT Dương Đông đã cử 5 cán bộ chiến sỹ và 3 cảnh sát cơ động đến hiện trường giải quyết vụ việc. Khi đến hiện trường, lực lượng công an mời các đối tượng về trụ sở để làm rõ nhưng các đối tượng không chấp hành nên công an đã khống chế, đưa về trụ sở làm việc.

Mượn nhiệm vụ để xử việc riêng?

Phản bác nội dung trên, ông Hùng cho biết, “không hề có chuyện lực lượng công an “mời” tôi về trụ sở. Thực tế, khi tôi đang dùng điện thoại quay lại cảnh làm việc của Công an thì bị anh Hưng (không đeo bảng tên theo quy định) chỉ tay vào mặt, không cho quay. Ngay sau đó, anh Hưng xông vào khống chế, còng tay và áp giải tôi về trụ sở”.  

Trao đổi với PV, một số người dân xung quanh hiện trường cũng cho hay, do bà Hòa không mở cổng nên ông Hùng phải đứng ngoài để nói với vọng vào. Vì vậy, việc ông Hùng có nói to cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, do đã đặt cọc nhưng không mua được đất, cũng không lấy lại được tiền nên nếu ông Hùng có bức xúc thì cũng là điều có thể thông cảm được.  

Vậy lý do gì mà ông Hưng lại không muốn bị ghi lại hình ảnh và tỏ ra khá “sốt sắng” khi trấn áp ông Hùng trong vụ việc này? Theo trình bày của ông Hùng thì chính Đại úy Hưng đã cùng với bà Hòa rao bán đất (thửa số 42, tờ bản đồ 14 xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc) cho ông vào tháng 3/2018. Sau khi đặt cọc 2 tỷ cho bà Hòa, do thấy thửa đất không đúng diện tích như bà Hòa, ông Hưng cam kết và không “chính chủ” nên ông Hùng yêu cầu được nhận lại  tiền cọc. Sau đó, ông Hùng còn phát hiện ông Hưng nhận ủy quyền của chủ thửa đất (ông Lê Anh Tuấn) và rao bán đất nên đã có đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Hưng, bà Hòa.

Tố cáo của ông Hùng hiện đang chờ cơ quan chức năng xác minh, làm rõ. Tuy nhiên, có thể thấy, ông Hùng với Đại úy Hưng và bà Hòa đang có mâu thuẫn và tranh cãi về tiền bạc. Vậy, tại sao Công an Dương Đông vẫn để Đại úy Hưng tham gia giải quyết vụ việc, dẫn đến nghi vấn rằng, có việc lợi dụng công vụ để giải quyết việc riêng?

Trả lời câu hỏi này, Trung tá Lê Minh Chánh cho hay, chiều tối 30/10/2018, sau khi nhận tin báo của quần chúng, trực ban đơn vị có báo cho Phó trưởng Công an thị trấn (trực chỉ huy). Sau đó, Phó trưởng Công an thị trấn giao trực ban điện cho Tổ công tác (trong đó có ông Hưng) xuống hiện trường giải quyết. “Lúc này, chúng tôi chưa hề nhận được thông tin về việc đồng chí Hưng liên quan đến việc mua bán đất của anh Hùng. Mới đây, đồng chí Hưng mới có giải trình về vụ việc và cho biết hai người đã biết nhau từ trước”, ông Chánh cho biết...

Theo lời Trung tá Chánh như trên thì việc tiếp nhận tin báo và xử lý vụ việc xem ra khá khách quan, đúng quy trình. Tuy nhiên, theo Sổ trực ban mà Công an Dương Đông cung cấp cho phóng viên thì có một điểm khá bất thường là: Nội dung trình báo của bà Hòa đã được ghi vào phần cuối cùng, sau phần có chữ ký của người “giao ban (tên Hồ) và người “nhận ban” (tên Tuân).

Không hiểu vì sao khi hai Công an đã giao ban hết ngày làm việc thì nội dung trình báo của bà Hòa mới được ghi vào sổ như trên? Vậy, thực tế có hay không việc bà Hòa gọi điện trình báo vụ việc cho Công an Dương Đông? Có hay không việc ông Hưng nhận lệnh từ trực ban để xuống hiện trường giải quyết vụ việc? 

Theo nhiều luật sư thì để làm rõ nội dung trên là không khó vì chỉ cần xác minh về danh sách cuộc gọi đến, đi của trực ban công an. Có như vậy thì mới kết luận được về nghi vấn của ông Hùng rằng ông Hưng đã lợi dụng nhiệm vụ “trực ban” của mình, dẫn đầu tổ công tác xuống hiện trường để trấn áp người đang có mâu thuẫn với mình. 

Theo Phapluatplus.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lào Cai: Chính quyền cưỡng chế doanh nghiệp trên mặt đập thủy điện gây mất an toàn hồ chứa

Theo nguồn tin của Báo Pháp luật Việt Nam, ngày 15/3/2019, chính quyền tỉnh Lào Cai huy động lực lượng, cho máy móc thiết bị thi công cưỡng chế hoạt động của doanh nghiệp ngay trên đập và cửa nhận nước (hầm) thủy điện Tà Thàng gây mất an toàn đập. Đồng thời, việc phê duyệt và cho thi công tuyến đường Bản Dền – Thanh Phú của UBND tỉnh Lào Cai có thể gây thất thoát nhiều tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ