Quan hệ Nga - Mỹ có tan băng sau báo cáo của ông Mueller?

29/03/2019 08:52

Kinhte&Xahoi Một trong những cáo buộc làm cho chiến thắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng bị hoài nghi, đồng thời cũng gây tác động mạnh khiến quan hệ Nga-Mỹ rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc là việc Moscow có can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 hay không?

Một cuộc điều tra được tiến hành cách đây 2 năm bởi Công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Văn phòng Công tố viên Mueller đã thuê tới 19 luật sư, huy động sự trợ giúp của khoảng 40 đặc vụ FBI, chuyên gia phân tích tình báo, cố vấn pháp lý và các nhân viên khác. Họ đã phỏng vấn tới 500 nhân chứng và đề nghị 13 chính phủ cung cấp bằng chứng.

Tính tổng cộng, văn phòng Công tố viên đặc biệt đã ra trên 2.800 trát hầu tòa, gần 500 lệnh tìm kiếm người và có được trên 230 lệnh cho phép truy cập các bản ghi âm liên lạc để phục vụ điều tra. Trong đó, nhiều phụ tá và cựu phụ tá của ông Trump đã bị “sờ gáy”. Cuối cùng, có tới 6 cựu phụ tá bị truy tố hoặc kết tội các tội danh về tài chính hoặc khai man với các nhà điều tra; 25 chuyên gia Nga bị cáo buộc thao túng mạng xã hội…
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller nộp báo cáo sau gần 2 năm điều tra - Ảnh: Reuters

Ngày 24/3, bản báo cáo được công bố cho hay không phát hiện bằng chứng Tổng thống Trump hay nhóm tranh cử của ông có sự thông đồng với Nga để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống 2016. Nhóm điều tra của Công tố viên Mueller cũng không đưa ra được kết luận về việc Tổng thống Trump có cản trở thực thi pháp luật hay không, do đó Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã đưa ra quyết định của riêng mình. Theo đó, Bộ trưởng Barr và Thứ trưởng Rod Rosenstein đã quyết định rằng các nhà điều tra của Công tố viên Mueller không có đủ bằng chứng để xác định rằng Tổng thống Trump đã cản trở công lý.

Ngay khi các nội dung chính của kết quả điều tra được công bố, phát biểu với phóng viên trước khi lên chuyên cơ từ Flordia trở lại Washignton D.C ngày 24/3, ông Trump cho rằng: “Sau một cuộc xem xét kéo dài, sau một cuộc điều tra kéo dài, sau khi có quá nhiều người bị tổn thương nặng nề, sau khi không nhìn nhận về phía bên kia, nơi nhiều điều tệ hại đã xảy ra, rất nhiều điều kinh khủng đã xảy ra, nhiều điều tệ hại xảy ra với đất nước chúng ta, họ đã công bố rằng không có sự thông đồng với Nga, điều lố bịch nhất mà tôi từng nghe”. Nhà lãnh đạo Mỹ kết luận rằng “đây là một âm mưu hạ bệ trái phép bất thành”.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng lên tiếng thừa nhận “không xứng đáng” để tìm cách luận tội Tổng thống, nhưng bà cho rằng mình có thể thay đổi ý định nếu như lưỡng đảng đạt sự thống nhất lớn về vấn đề này.

Tuy nhiên, có một câu hỏi lớn được đặt ra sau sự kiện này là chính quyền của Tổng thống Trump có cài đặt lại mối quan hệ song phương đã bị suy giảm nặng nề.

Về phía Nga, ngày 25/3, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev viết trên trang Facebook của mình: "Tất nhiên, nếu có thiện chí thì có thể điều chỉnh. Tôi không loại trừ có thể có các sáng kiến nào đó từ phía Nga trong thời gian tới, bởi kết quả báo cáo của Mueller tạo ưu thế cho ê kíp của ông Trump. Dù thế nào đi nữa, có cơ hội khởi động lại nhiều khía cạnh trong quan hệ giữa hai nước, vấn đề là ông Trump có dám mạo hiểm không. Chúng tôi tất nhiên luôn sẵn sàng. Và tôi đề nghị bắt đầu từ vấn đề gai góc nhất là các thỏa thuận về vũ khí hạt nhân tầm trung INF và vũ khí tiến công chiến lược START".

Tuy nhiên, theo ông Kosachev, cho dù Tổng thống Mỹ có nhiều không gian hơn để hành động, nhưng tất cả các quyết định chống Nga đã được Quốc hội Mỹ thông qua dưới dạng luật. Ông Kosachev cho rằng những người cáo buộc ông Trump cấu kết với Nga trước cuộc bầu cử đều biết rất rõ rằng đó là điều dối trá, nhưng họ đã tranh thủ thời gian để thông qua tất cả những đạo luật chống Nga nhằm "trói tay" Nhà Trắng.

Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga sẵn sàng cải thiện quan hệ với Mỹ song Washington phải là bên có bước đi đầu tiên. Ông Peskov cho biết mặc dù ông chưa nhìn thấy bản báo cáo của Mỹ song nhấn mạnh "lập trường dựa trên nguyên tắc của Nga liên quan vấn đề này luôn rõ ràng: Đất nước chúng tôi không can thiệp công việc nội bộ của các nước khác, trong đó có Mỹ".

Điều đó cho thấy, việc có cài đặt lại mối quan hệ Nga - Mỹ hay không hiện đang nằm trong tay chủ nhân Nhà Trắng, nhưng để vượt qua những thách thức là công việc vô cùng khó khăn, khi mà những cáo buộc Nga can thiệp bầu cử đã bị Quốc hội Mỹ luật hóa hàng loạt các vấn đề.

Dư luận đang chờ xem những diễn biến nào sẽ xuất hiện sau bản báo cáo của Công tố viên Mueller đang xua tan ‘đám mây đen’ treo lơ lửng 2 năm qua trên đầu Tổng thống Trump?!

Theo Báo chính phủ/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM