Quyết liệt xử lý việc “có tiền mà không tiêu được” trong giải ngân vốn đầu tư công

28/05/2022 19:25

Kinhte&Xahoi Không phải không có tiền, mà có tiền nhưng không tiêu được, đó là thực trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều địa phương.

Tiêu tiền vẫn “kẹt” vì điểm nghẽn

Ngày 27/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác số 5 của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, về tình hình, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2022, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022.

Theo báo cáo tình hình giải ngân đầu tư công của 5 địa phương của Tổ công tác số 5, không chỉ chưa phân bổ hết vốn đầu tư, mà giải ngân vốn đầu tư công của cả 5 địa phương đều chậm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: MPI)

Cụ thể, tổng số vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao cho 5 địa phương là 27.962 tỷ đồng. Trong đó, vốn cân đối ngân sách địa phương là 22.400 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương là trên 5.561 tỷ đồng.

Đến nay, số vốn đã được địa phương phân bổ chi tiết là trên 30.448 tỷ đồng. Trong đó, 3/5 địa phương giao cao hơn số vốn Thủ tướng Chính phủ giao là Bắc Ninh (vượt 875 tỷ đồng), Đà Nẵng (vượt 1.367 tỷ đồng); Quảng Nam (vượt 288 tỷ đồng) do các địa phương giao tăng từ nguồn thu sử dụng đất và các khoản thu khác. Trong khi đó, số vốn còn lại chưa được phân bổ chi tiết 676 tỷ đồng.

Điều đáng lưu ý là tình hình giải ngân vốn của các địa phương này còn rất chậm.

Theo số liệu báo cáo của 5 địa phương, tổng số vốn giải ngân đến thời điểm báo cáo (04/5/2022) là 4.327 tỷ đồng, đạt 14,2 % kế hoạch địa phương giao lại và đạt 15,4% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn bình quân của cả nước là 16,36% (thấp hơn với cùng kỳ năm 2021 đạt 17,04% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Trong đó, 3/5 địa phương (Bắc Ninh, Hà Nam, Đà Nẵng) có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 15%. Có 4/5 địa phương chưa thực hiện giải ngân vốn ODA hoặc giải ngân với tỉ lệ rất thấp (tỉnh Quảng Nam đạt 1,9%).

“Như vậy, tỷ lệ giải ngân của 5 địa phương còn thấp hơn so với cùng kỳ và thấp hơn so với bình quân chung của cả nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị phải làm rõ nguyên nhân ở đâu, do chúng ta chưa quyết liệt, do giá nguyên vật liệu tăng cao, hay do giải phóng mặt bằng, các địa phương phải chỉ rõ, vướng ở đâu, chỗ nào, cấp nào.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, mặc dù Thủ tướng đã có chỉ đạo với nhiều văn bản, thành lập 6 tổ công tác ở các bộ ngành và địa phương để nắm bắt kịp thời tại sao chưa giải ngân được, tiến độ chậm, nhưng tình hình thực sự không được cải thiện nhiều, tiến độ giải ngân vẫn như mọi năm, không thấp hơn, không cao hơn.

“Việc giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân. Yêu cầu đặt ra là các cấp, các ngành phải có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, việc phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nên phải nhanh, hiệu quả và phải đảm bảo đúng pháp luật”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đặc biệt, năm 2022 theo Bộ trưởng, không chỉ cần giải ngân vốn đầu công theo kế hoạch năm, mà còn cả vốn của Chương trình phục hồi kinh tế, do vậy số vốn cần giải ngân rất lớn. “Nếu không đẩy nhanh, không hấp thụ được vốn thì sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu, kế hoạch của Chương trình phục hồi kinh tế”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công có những khó khăn do nguyên nhân khách quan trong những tháng đầu năm, do nguồn vật liệu xây dựng khan hiếm, thiếu hụt, giá nhiên, vật liệu xây dựng tăng đột biến, giá thép, đất, cát xây dựng đều tăng mạnh do với dự toán đã duyệt… dẫn đến nhà thầu thi công cầm chừng, chờ hướng dẫn điều chỉnh giá vật liệu xây dựng.

Đồng thời, nhiều dự án đang thực hiện phải điều chỉnh dự án, biện pháp thi công do tăng tổng mức đầu tư, các dự án mới đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư nên chưa khởi công, chưa tạm ứng và chưa có khối lượng để giải ngân.

Cùng với đó là vướng mắc về giải phóng mặt bằng do chính sách về giá đất có sự chênh lệch giữa giá thực tế ngoài thị trường và giá của địa phương ban hành. Một số dự án ODA đang thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời hạn thực hiện nhưng chưa được gia hạn và dự án vướng mắc trong quá trình lựa chọn nhà thầu.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chủ quan vẫn là nguyên nhân chính, do tinh thần, trách nhiệm của chủ đầu tư, của các cấp chưa thật quan tâm, chưa quyết liệt, chưa sâu sát, bởi vì trong cùng một điều kiện, một thể chế như nhau nhưng nhiều địa phương giải ngân cao; có nhiều mô hình hay, cách làm tốt. Do vậy, vấn đề ở đây là có những địa phương còn chưa quan tâm, chỉ đạo chưa tốt, tổ chức thực hiện nhiều hạn chế, công tác lập, chuẩn bị dự án, lập kế hoạch vốn còn chưa sát.

Đề xuất 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn”

 Trong bối cảnh đó, để đạt được mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các địa phương tập trung thực hiện một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Quang cảnh cuộc họp (Ảnh: MPI)

Thứ nhất, phải có giải pháp, quyết liệt, hiệu quả hơn để thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, nhất là Nghị quyết 01/NQ-CP, các nghị quyết của Phiên họp thường kỳ Chính phủ, các công điện của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, các chỉ đạo điều hành tháo gỡ khó khăn cho từng dự án của người đứng đầu đơn vị sử dụng vốn đầu tư công, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra giám sát, đôn đốc, thúc đẩy đảm bảo giải ngân hết 100% vốn kế hoạch đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao.

Thứ hai, phải xây dựng một kế hoạch cụ thể cho công tác giải ngân vốn đầu tư công đến từng dự án, tổ chức đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch này để đảm bảo tiến độ thời gian; Đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo kiểm soát chất lượng các công trình; Thực hiện đúng các quy định, điều chuyển vốn ở những dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đồng tình và đánh giá cao các giải pháp của thành phố Đà Nẵng, không chỉ điều chuyển vốn mà còn điều chuyển cả cán bộ ở các cơ quan liên quan, kể cả chủ đầu tư khi không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm kỷ luật làm chậm tiến độ thực hiện dự án.

Thứ ba, thành lập các tổ công tác liên ngành ở cấp tỉnh do lãnh đạo UBND cấp tỉnh làm tổ trưởng để thúc đẩy, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý, giải quyết các điểm nghẽn dự án trong công tác giải ngân, nhất là các dự án trọng điểm mang tính động lực; Tổ chức họp giao ban định kỳ với chủ đầu tư về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư.

Thứ tư, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, tổ chức đấu thầu công khai minh bạch để có thể lựa chọn được các nhà thầu có đủ năng lực; Thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán ngay khi có khối lượng nghiệm thu theo đúng quy định; Tăng cường hậu kiểm, tăng cường nâng cao của đội ngũ cán bộ thực hiện dự án.

Thứ năm, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là công tác lập dự án, kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án theo đúng mục tiêu, quy định của pháp luật, gắn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, hạn chế điều chỉnh dự án.

Thứ sáu, các cơ quan có liên quan phải kịp thời cập nhật, điều chỉnh, công bố bảng điều chỉnh chỉ số giá xây dựng phù hợp với mặt bằng, giá vật liệu xây dựng trên địa bàn để kịp thời chỉ dẫn cho các nhà đầu tư, đơn vị tư vấn.

Thứ bảy, các địa phương chưa giao hết kế hoạch vốn năm 2022 thì khẩn trương giao hết số vốn theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

Thứ tám, các bộ ngành, tiếp tục giải quyết các vấn đề liên quan đến bộ, ngành mình một cách sớm nhất, nhanh nhất, đúng quy định nhất để giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân như là đấu nối, thiết kế, hướng dẫn điều chỉnh giá vật liệu xây dựng, hướng dẫn định giá đất, tư vấn, tách giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất lúa… và những vấn đề lớn, vượt thẩm quyền thì kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giải quyết.

Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/quyet-liet-xu-ly-viec-co-tien-ma-khong-tieu-duoc-trong-giai-ngan-von-dau-tu-cong-197564.html