Sản xuất công nghiệp phục hồi song vẫn còn lo ngại

05/11/2021 16:39

Kinhte&Xahoi Hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 10 đã dần hồi phục nhưng nhiều địa phương còn chậm hướng dẫn Nghị quyết số 128/NQ-CP gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Hoạt động sản xuất tháng 10 đã có những dấu hiệu phục hồi nhẹ (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Công thương, trong tháng 10/2021, tình hình dịch Covid-19 tại nhiều địa phương nhất là TP HCM và các tỉnh phía Nam đã có những chuyển biến tích cực.

Nhiều địa phương đã nới lỏng các hoạt động so với thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ và ban hành các quy định nhằm điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới theo Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Do vậy, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10 đã có những dấu hiệu phục hồi nhẹ khi chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2021 ước tính tăng 6,9% so với tháng trước nhưng vẫn giảm nhẹ (giảm 1,6%) so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng năm 2021, IIP của toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 2,7% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,5% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,2%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,1% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,2%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,4% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,1%); riêng ngành khai khoáng giảm 7% (cùng kỳ năm 2020 giảm 8,1%).

Theo đánh giá của Bộ Công thương, hhoạt động sản xuất công nghiệp tháng 10 đã dần hồi phục nhưng tính chung 10 tháng năm 2021 vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Thậm chí, hiện vẫn còn một số địa phương tổ chức các biện pháp phòng chống dịch cao hơn quy định Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế; một số tỉnh như Tiền Giang, Cà Mau... chậm ban hành các hướng dẫn đã gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc dần hồi phục các hoạt động sản xuất, đặc biệt là các khó khăn về lao động.

Mặt khác, việc xử lý, tháo gỡ, khôi phục sản xuất tại một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức, hoạt động của doanh nghiệp đình trệ tác động đến phát triển sản xuất nói riêng và tăng trưởng nền kinh tế nói chung.

Theo Bộ Công thương, từ tháng 11/2021, nếu đà kiểm soát dịch bệnh theo chiều hướng khả quan, các biện pháp hỗ trợ, khôi phục nền kinh tế được triển khai đồng bộ, khả năng sản xuất công nghiệp trong hai tháng cuối năm sẽ có sự tăng trưởng cao hơn.

Mặc dù vậy, để sản xuất công nghiệp sớm hồi phục trở lại, Bộ Công thương cho rằng, cần sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong việc triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP, bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu, tạo điều kiện cho người lao động trở lại làm việc, tránh tình trạng “cát cứ”, không thống nhất... gây khó khăn cho việc phục hồi chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và lao động cho hoạt động sản xuất.

Đồng thời, Bộ Công thương cho rằng phải đảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội; Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; Hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó là việc thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong và ngoài nước (từ các cơ hội thị trường xuất khẩu do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại), thương mại điện tử, kết nối giữa nhà sản xuất và các nhà phân phối, tiêu thụ.

Trong dài hạn, Bộ Công thương cho rằng cần thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ô tô, dệt may, da giày, điện, điện tử, chế biến thực phẩm...

Tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, khoa học và côn nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường; Cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó là việc xây dựng chính sách thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài các dự án công nghiệp quy mô lớn, có gắn với chuyển giao và làm chủ công nghệ, tận dụng đối đa dòng vốn dịch chuyển trong thời gian tới.

Ngoài ra cần tăng cường hợp tác quốc tế, xúc tiến thị trường ngoài nước tận dụng tối đa cơ hội từ các quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu các ngành hàng chủ lực, liên kết doanh nghiệp trong nước và các chuỗi sản xuất toàn cầu.

 Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/san-xuat-cong-nghiep-phuc-hoi-song-van-con-lo-ngai-182146.html