Sắp được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, người lao động vui mừng

31/03/2022 09:15

Kinhte&Xahoi Nhiều người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người quay trở lại thị trường lao động vui mừng khi biết tin sẽ được hỗ trợ tiền thuê nhà lần lượt các mức từ 500 - 1 triệu đồng/người/tháng.

Công nhân vơi bớt nỗi lo

 Hơn hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề tới đời sống, công việc của hàng triệu người lao động tại khắp các vùng miền trên cả nước. Nhiều người bị rơi vào cảnh mất việc làm, giảm thu nhập... khiến cho cuộc sống hết sức khó khăn. Tuy nhiên, khi biết tin Chính phủ đã có quyết sách hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng này, nhiều người lao động tỏ ra vui mừng, phấn khởi vì đã phần nào giảm nhẹ được nỗi lo cơm áo.

Chị Phan Thị Điệp (quê ở Nam Đàn, Nghệ An) hiện đang sinh sống và làm việc tại một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ: "Cuộc sống công nhân ở nơi đất khách quê người đã rất khó khăn nay lại thêm dịch COVID-19 khiến cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn hoàn toàn. Đồng lương ít ỏi mỗi tháng của công nhân lắp ráp không được là bao, sau khi trừ chi phí ăn ở, sinh hoạt, học hành của con cái, hầu như vợ chồng tôi không dư được đồng nào.

Vừa qua, tôi có nghe mọi người truyền tai nhau, Chính phủ đã quyết định hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động. Mặc dù số tiền hỗ trợ từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng/tháng không lớn nhưng đây sẽ là khoản tiền quan trọng giúp cho cả gia đình lúc này. Khoản hỗ trợ sẽ bù đắp phần nào cho việc trang trải cuộc sống của hai vợ chồng và các con trong những tháng tới”, chị Điệp tâm sự.

Khu nhà trọ của các công nhân, lao động

Cũng giống như chị Điệp, dù làm việc đã nhiều năm tại Hà Nội nhưng lương công nhân lắp ráp điện tử của cả hai vợ chồng anh Giáp Văn Tính và chị Bùi Thị Hường quê ở Bắc Giang chỉ khoảng 15 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng phải thường xuyên tăng ca để có thể trả đủ loại chi phí tiền thuê trọ, tiền ăn, tiền học hành và khám chữa bệnh của các con mỗi khi đau ốm.

Anh Tính nhẩm tính tiền nhà trọ, điện, nước sinh hoạt... mỗi tháng của gia đình từ 2,2 - 2,5 triệu đồng, tiền ăn khoảng 4 triệu đồng/tháng. Từ đầu năm đến nay cái gì cũng tăng giá, mớ rau ngoài chợ cũng tăng nên khoản chi cho các bữa ăn thường bị hao hụt. “Hai vợ chồng được hỗ trợ một khoản tiền thuê nhà trọ sẽ giúp gia đình tôi vượt qua những khó khăn trước mắt và sớm ổn định cuộc sống”, anh Tính nói.

Đón nhận thông tin quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, chị Nguyễn Thu Hương (quê ở Hương Khê, Hà Tĩnh), công nhân đang làm việc tại một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội), cho biết: "Tôi thuộc nhóm được đề xuất hỗ trợ 500.000 đồng/tháng. Hằng tháng gia đình tôi (hai vợ chồng và 2 con nhỏ) phải thuê phòng trọ diện tích hơn 10m2 ở gần công ty với giá 1 triệu đồng. Nếu được hỗ trợ 3 tháng (1,5 triệu đồng) thì cũng bớt được một phần chi phí sinh hoạt của gia đình.

Thực ra số tiền hỗ trợ không đáng bao nhiêu nhưng trong lúc khó khăn này, mọi thứ đều tăng giá, có thêm được đồng nào hay đồng đó. Chỉ mong các thủ tục đỡ rườm rà để chúng tôi sớm nhận được tiền hỗ trợ”.

Người lao động vui mừng khi biết tin sắp được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ (Ảnh minh họa)

Nhanh chóng hoàn tất mọi thủ tục

 Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Theo đó, hai đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động, với mức 500.000 và 1.000.000 đồng/người/tháng.

Trong đó, mức hỗ trợ đối với người lao động đang làm việc là 500.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng). Mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1.000.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng).

Với mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng, người lao động cần đáp ứng 3 điều kiện. Cụ thể, người lao động đang ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/2 đến 30/6/2022; Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trước ngày 1/4/2022.

Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm. Trường hợp không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì phải có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp tại tháng liền kề trước thời điểm lập danh sách hỗ trợ.

Người lao động thuê trọ sẽ được hỗ trợ tiền để yên tâm ổn định cuộc sống (Ảnh minh họa)

Với mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng, người lao động cần đáp ứng 3 điều kiện. Cụ thể, người lao động đang ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến 30/6/2022; Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến ngày 30/6/2022, trừ trường hợp giao kết tiếp nối hợp đồng đã giao kết và thực hiện trước đó.

Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.

Trên cơ sở đề nghị của người lao động và danh sách lao động đề nghị hỗ trợ do doanh nghiệp lập, thực hiện nguyên tắc hỗ trợ, chi trả hằng tháng. Việc tổ chức chi trả thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Căn cứ quy định tại quyết định này, các quy định pháp luật có liên quan và số thực chi của các địa phương (có xác nhận của Kho bạc Nhà nước), Bộ Tài chính có trách nhiệm xem xét, hỗ trợ kịp thời từ ngân sách trung ương cho từng địa phương.

Trường hợp dịch bệnh xảy ra trên phạm vi lớn, ngân sách địa phương không đủ nguồn lực, UBND cấp tỉnh cần đề nghị Bộ Tài chính bổ sung tối đa bằng 70% mức dự kiến đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ.

Liên quan đến gói hỗ trợ này, ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: Thời điểm hỗ trợ tiền nhà trọ cho công nhân, người lao động lúc này là phù hợp nhưng quy trình, thủ tục phải làm sao để hỗ trợ được sớm vì lúc này họ cần nhất.

Cũng theo ông Phan Văn Anh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang nắm rất chắc hệ thống Công đoàn cơ sở, thường xuyên nắm bắt tình hình nhà trọ của công nhân. Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp Công đoàn, đặc biệt là Công đoàn cơ sở nắm bắt tình hình thuê nhà, thuê trọ của người lao động ở đâu, địa chỉ chỗ nào và phối hợp cùng với chủ sử dụng lao động để có những đề xuất, kiến nghị lập danh sách hỗ trợ sớm nhất.

"Bản thân người lao động phải thực hiện nhanh xác nhận của chủ cho thuê trọ, của địa phương. Trên cơ sở xác nhận này thì Công đoàn cơ sở sẽ phối hợp với chủ doanh nghiệp để sớm lập hồ sơ, danh sách người lao động được hưởng hỗ trợ. Sau đó chuyển tới UBND cấp huyện, cấp tỉnh để quyết định hỗ trợ", ông Phan Văn Anh nói thêm.

Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/sap-duoc-ho-tro-tien-thue-nha-tro-nguoi-lao-dong-vui-mung-192941.html