Sau sự cố “biển người” tại chùa Tam Chúc, Bộ Văn hóa yêu cầu phương án phòng dịch

15/03/2021 22:55

Kinhte&Xahoi Hàng vạn người chen chúc tại chùa Tam Chúc dịp cuối tuần qua, khiến Bộ VHTT&DL, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam và các chuyên gia y tế đã bày tỏ lo ngại về khả năng lây nhiễm dịch Covid-19, tìm biện pháp ngăn chặn hiện tượng này tái diễn ở các di tích khác.

 Ngày 14/3, ước tính có khoảng gần 5 vạn người đến chùa Tam Chúc để vãn cảnh, nên đã xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy.

Lo ngại biển người tái hiện ở Bái Đính, Yên Tử…

Trả lời báo chí, chiều ngày 15/3, ông Lê Đức Trung - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTT&DL cho biết, hình ảnh “biển người” chen chúc tại chùa Tam Chúc trong hai ngày cuối tuần qua khiến chúng ta không khỏi lo lắng, bởi ở thời điểm hiện nay, dịch bệnh Covid-19 tuy đã cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan, bùng phát.

Người phát ngôn Bộ VHTT&DL cho biết, từ trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, Bộ đã ban hành nhiều văn bản gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư để yêu cầu phối hợp triển khai các biện pháp cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19. Các cơ quan chức năng của Bộ cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và tổ chức các đoàn kiểm tra các địa phương trong việc thực hiện công tác phòng chống dịch trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Tuy nhiên, việc triển khai công tác phòng chống dịch song song với đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch của người dân là một thách thức không nhỏ đối với các địa phương nên đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp cũng như BQL từng di tích, danh thắng.

Từ hiện tượng quá tải tại Tam Chúc, người phát ngôn của Bộ VHTT&DL cho rằng, các địa phương, các nơi có di tích, danh thắng trọng điểm khác cần rút kinh nghiệm và triển khai xây dựng ngay biện pháp, kế hoạch cho mình. “Thực tế hiện nay cho thấy, tình trạng này có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong những dịp cuối tuần kế tiếp, tại Tam Chúc, Bái Đính, chùa Hương, Yên Tử hoặc nhiều nơi khác nữa. Nếu không sớm dự báo tình hình, dự kiến các cấp độ xử lý thì sẽ rất khó có thể kiểm soát. Do đó, công tác tuyên truyền về ý thức phòng chống dịch bệnh, thực hiện nếp sống văn minh tại các địa điểm di tích, danh thắng cũng cần tiếp tục được đẩy mạnh” - ông Lê Đức Trung nhận định.

Hình ảnh biển người trước nhà khách Thủy Đình của khu du lịch chùa Tam Chúc đã nhanh chóng lan truyền trên các trang mạng xã hội. 

Quy định vai trò của trụ trì

Ngay trong chiều 15/3, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy đã ra văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, triển khai quy trình phòng, chống dịch trong hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ VHTT&DL.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL yêu cầu Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án đảm bảo an ninh, an toàn phòng chống dịch cho khách du lịch; người tham gia hoạt động văn hóa, thể thao; khách tham quan bảo tàng, di tích, danh lam thắng cảnh; người tham gia lễ hội. Chỉ tổ chức đón khách khi đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh Covid-19; yêu cầu Nhân dân thực hiện “Thông điệp 5K: Khẩu trang- Khử khuẩn - Khoảng cách- Không tụ tập- Khai báo y tế” của Bộ Y tế tại các điểm du lịch; bảo tàng, di tích, danh lam thắng cảnh; nơi tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao; địa điểm tổ chức lễ hội.

Xây dựng, thực hiện kế hoạch phối hợp liên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; phát hiện kịp thời hành vi vi phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại địa phương.

Cùng ngày, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản số 50/HĐTS-VP1 về việc tiếp tục nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở tự viện. Trong văn bản, Giáo hội nêu: “Trước nhu cầu tâm linh và truyền thống văn hóa hành hương lễ Phật đầu Xuân, trong những ngày đầu tháng thứ 2 Xuân Tân Sửu đã có một số lượng lớn người dân tập trung đến du Xuân, lễ Phật tại một số ngôi chùa, danh lam, thắng cảnh”.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch, Giáo hội yêu cầu các trụ trì, Ban Quản trị tự viện phối hợp với địa phương các phương án cụ thể đảm bảo giãn cách, tránh ùn tắc, chen lấn đông người; đảm bảo khai báo y tế, thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các địa phương thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở tự viện tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ. Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự trong việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh.

 Bên cạnh công tác tổ chức chưa hợp lý, thì nhiều người dân còn tỏ ra lơ là trong công tác phòng dịch

Có hiện tượng chủ quan, lơ là

Liên quan đến vấn đề phòng dịch tại các di tích, PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam cho biết, tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam đang được kiểm soát song còn diễn biến khó lường do dịch trên thế giới diễn biến phức tạp, nguy cơ xâm nhập vào nước ta rất lớn. Trong nước có thể vẫn còn ca bệnh “lẩn khuất” trong cộng đồng. Do đó, người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan khi tham gia các hoạt động tập trung đông người, nhất là đi lễ hội, chùa chiền.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, đi lễ đầu năm cầu bình an, may mắn được xem là nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc. Nhưng mùa lễ hội năm nay không thể như thường lệ mà phải thực hiện theo tình hình mới do diễn biến dịch phức tạp. Hiện  nay, Việt Nam không cấm người dân đi lễ chùa. Nhiều tỉnh cho phép mở cửa đi lễ chùa hoặc tổ chức nhưng không làm khai mạc lễ hội và yêu cầu người dân thực hiện nghiêm quy định chống dịch của Bộ Y tế.

“Trường hợp người dân đổ xô đi chùa, nhiều người không đeo khẩu trang và giãn cách là rất nguy hiểm. Nếu trong đám đông có người mắc Covid-19, dẫn đến lây nhiễm với số ca trong cộng đồng rất lớn và khó truy vết nhanh, lúc đó, công tác phòng chống dịch sẽ khó khăn rất nhiều. Đặc biệt, trong trường hợp người dân mắc Covid-19 mà không biết, không có triệu chứng, ca bệnh ẩn nấp trong cộng đồng, ngành y tế không phát hiện ra, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh”- PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích.

Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam khuyến cáo, khi đi lễ trong tình hình dịch, người dân cần nâng nâng cao hơn ý thức, không lơ là, chủ quan, càng nơi đông người càng phải đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch. Người dân ra đường phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay sát khuẩn, hạn chế tập trung đông người,…

“Để phòng chống dịch, chính quyền địa phương, Ban quản lý chùa, lễ hội cần tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh nhắc nhở du khách thực hiện tốt phòng chống dịch. Đồng thời, Ban quản lý cũng cần cử người theo sát, nhắc nhở để người dân tuân thủ quy định khi đi lễ nơi đông người phải đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế và hạn chế tụ tập. Bên cạnh đó, Ban quản lý cần bố trí các điểm phát khẩu trang miễn phí, huy động thêm các tình nguyện viên hỗ trợ công tác đo thân nhiệt, khách khai báo y tế trực tiếp và khai báo qua QR-Code. Ban quản lý có thể đưa ra những phương án phân luồng du khách vào ra…”- PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

LAN NGỌC - QUANG TẤN - TRẦN THẢO - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bắc Giang: Công ty Quyết Tiến có dấu hiệu chuyển nhượng thầu sai luật

Thành lập tháng 5/2017 nhưng Công ty TNHH xây dựng và thương mại Quyết Tiến nổi lên như một “ngôi sao sáng” trong ngành xây dựng tại tỉnh Bắc Giang khi liên tiếp trúng các gói thầu xây dựng có trị giá dưới 50 tỷ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, hầu hết các công trình của Quyết Tiến đều do các nhà thầu phụ thi công 100% khối lượng công trình.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/sau-su-co-bien-nguoi-tai-chua-tam-chuc-bo-van-hoa-yeu-cau-phuong-an-phong-dich-412940.html