Sẽ tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách về dự án luật Luật Đất đai sửa đổi

11/08/2022 20:21

Kinhte&Xahoi Sau 2,5 ngày làm việc, cuối giờ chiều 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc phiên họp thứ 14.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Phiên họp thứ 14 đã hoàn thành toàn bộ nội dung theo dự kiến.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp

Đối với từng nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và biểu quyết thông qua, đã có kết luận cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ban hành Thông báo kết luận để làm căn cứ thực hiện.

Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan sớm hoàn thiện, trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành 4 nghị quyết, gồm: Nghị quyết chấn vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết về thành lập thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; Nghị quyết thành lập thị xã Chơn Thành và thành lập các phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước; Nghị quyết về tiếp tục chi trả, hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật, dự kiến từ ngày 15 - 18/8 tới. Đây là nội dung hết sức quan trọng để chuẩn bị cho các hội nghị của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, tiến tới Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, trong đó có các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Phòng thủ dân sự. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội theo nhiệm vụ được giao khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện các dự án luật. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phần lớn các dự án luật, nghị quyết tới đây là của Chính phủ và đề nghị các cơ quan trình gửi tài liệu sớm cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước đó, chiều cùng ngày, tiếp tục Phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề xuất của Chính phủ liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 (Nghị quyết 03) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, đây là Nghị quyết có tính khả thi cao và đi rất nhanh vào cuộc sống, không chỉ tác động trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động mà còn hỗ trợ cho nền kinh tế. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan; đánh giá cao sự chủ động, tinh thần trách nhiệm, sự chuẩn bị từ sớm, từ xa của Ủy ban Xã hội giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội có căn cứ để quyết định.

Với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động theo Nghị quyết số 03; sử dụng khoảng 1.155 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2021 để tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động thuộc đối tượng hưởng theo Nghị quyết số 03 đã nộp hồ sơ đúng thời hạn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan có liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, các thủ tục trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 03 vào Phiên họp tháng 9 tới và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, cùng báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội khóa XV...

Cũng trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu về dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021".

Diệu Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/se-to-chuc-hoi-nghi-dai-bieu-quoc-hoi-chuyen-trach-ve-du-an-luat-luat-dat-dai-sua-doi-203297.html