Sinh viên tất bật tìm kiếm việc làm thêm sau khi trở lại thành phố

25/02/2022 10:37

Kinhte&Xahoi Sau nhiều tháng tạm dừng việc học trực tiếp để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhiều sinh viên đã trở lại Hà Nội và đang hối hả tìm kiếm các công việc làm thêm, trang trải cuộc sống và phụ giúp gia đình.

Trang trải cuộc sống

 Giống như nhiều sinh viên khác, Phạm Minh Hạnh (sinh viên năm hai trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cũng muốn tìm kiếm một công việc làm thêm để kiếm thêm thu nhập trang trải cho việc sinh hoạt hàng ngày trước khi quay trở lại học trực tiếp tại trường.

"Đây là lần đầu tiên mình trải nghiệm công việc làm thêm. Từ nhỏ đến lớn, dù gia đình không khá giả nhưng bố mẹ đều lo lắng chu toàn cho mình. Lần này quay trở lại Hà Nội sau nhiều tháng giãn cách, mình quyết định chọn công việc làm cộng tác viên viết bài.

Đó cũng là công việc mà mình đã dự định thử sức từ lâu vì phù hợp với ngành học của mình", Minh Hạnh chia sẻ.

Minh Hạnh có lần đầu tiên thực sự "rời khởi vòng tay" bố mẹ khi quyết định tự tìm việc làm thêm

Nữ sinh 20 tuổi cho biết, mỗi bài viết hoàn thành cô sẽ được trả 50.000 - 100.000 đồng (tùy theo yêu cầu về độ dài). Đối với một người trẻ lần đầu đi làm thêm thì đây là mức lương phù hợp và là một trải nghiệm đáng nhớ đối với Minh Hạnh trong cuộc đời.

“Việc viết các nội dung là công việc online và khá tự do về mặt thời gian nên sẽ không ảnh hưởng đến việc học tập cũng như sinh hoạt. Viết nội dung là một công việc thú vị, giúp cho mình tăng khả năng tư duy và kỹ năng viết lách.

Trong lúc chờ đợi đi học trực tiếp trở lại và để an toàn trong đại dịch, đây có lẽ là công việc phù hợp nhất với mình lúc này”, Minh Hạnh chia sẻ thêm.

Trải nghiệm với công việc làm thêm

 Bắt đầu đi làm thêm từ năm thứ nhất đại học, đến nay, Trần Ngọc Hương (21 tuổi, sinh viên năm ba trường Đại học Ngoại thương) đã có thể tự trang trải các chi phí sinh hoạt hàng ngày mà không cần sự hỗ trợ từ gia đình. Bố mẹ chỉ cần hỗ trợ Hương tiền học phí, còn mọi vấn đề khác trong cuộc sống, Hương đều có thể tự lo liệu.

Quay trở lại Thủ đô sau nhiều tháng về quê tránh dịch, khi vừa đặt chân tới Hà Nội, việc đầu tiên mà cô gái 21 tuổi là tìm công việc làm thêm ngay lập tức.

Đi làm thêm sẽ giúp Ngọc Hương đỡ đần bố mẹ các chi phí phải lo sau nhiều tháng dịch bệnh

Theo Ngọc Hương, lúc còn đi học là thời điểm tốt để các bạn sinh viên trải nghiệm với công việc làm thêm. Ngoài việc tập trung học tập trên giảng đường, mọi người có thể trau dồi và tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn công việc làm thêm.

“Công việc hiện tại của mình là hỗ trợ trang điểm và chụp ảnh cho khách. Chiếc máy ảnh mà mình đang sử dụng chính là thành quả mà mình tiết kiệm được trong suốt 2 năm qua. Vì vậy, mình không muốn mua nó về để chơi mà sẽ sử dụng để “tác nghiệp” với những công việc sắp tới.

Dù nghiêm túc khi làm việc nhưng mình không chắc đây sẽ là công việc mình theo đuổi lâu dài. Mình vẫn sẽ tập trung toàn thời gian cho việc học tập, thi cử. Công việc làm thêm này mang đến thu nhập ổn định cũng như thoải mái về thời gian, giúp mình yên tâm hơn để thực hiện điều đó”, Ngọc Hương bày tỏ.

Công việc làm thêm vừa đem lại cho Quang Hải thu nhập, vừa giúp chàng trai trẻ có cơ hội gặp nhiều người nổi tiếng mà mình yêu thích

Mang lại cho mình nhiều kinh nghiệm

 Cũng quyết định sẽ tìm việc làm thêm ngay khi đặt chân tới Hà Nội như Minh Hạnh và Ngọc Hương, Nguyễn Quang Hải (sinh viên năm hai trường Đại học Phương Đông) cho biết vừa nhận việc trợ lý diễn viên bán thời gian. Với mức lương 5 - 7 triệu mỗi tháng, công việc chủ yếu của Hải sẽ là đi theo hỗ trợ diễn viên mỗi khi họ đi quay, chuẩn bị các công việc theo yêu cầu được giao như ghi chép lịch trình, kiểm tra quần áo, trang điểm...

Theo Quang Hải, việc trở thành một trợ lý diễn viên bán thời gian đem đến cho chàng trai trẻ thu nhập dù không cao nhưng ổn định và có cơ hội gặp nhiều người nổi tiếng. Tiền lương mỗi tháng nhận được, Hải sẽ sử dụng để đóng tiền trọ và phụ vào chi phí sinh hoạt, đi chơi với bạn bè hoặc dùng để phòng ngừa các chi phí phát sinh khác.

"Việc làm thêm không mang lại cho mình thu nhập quá lớn nhưng đối với những sinh viên như mình thì mức lương này khá ổn, giúp mình thoải mái hơn trong chi tiêu và giảm gánh nặng cho gia đình. Ngoài ra, công việc làm thêm cũng phù hợp với ngành học cũng như những ước mơ mình đang theo đuổi. Nó mang lại cho mình nhiều kinh nghiệm để phát triển hướng đi sau này", Quang Hải chia sẻ.

 Phạm Thành - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngang nhiên xây tường rào bít mặt tiền, cổng nhà hàng xóm?

Bức tường cao 2m, dài 7m chình ình ngay trước mặt tiền ngôi nhà của người dân tại ngách 52/28 Tô Ngọc Vân, P.Quảng An, Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội khiến chính quyền địa phương lúng túng trong việc xử lý. Vụ việc kéo dài khiến người dân chật vật đi lại không thể dọn đến nơi ở mới, gây bất bình dư luận.

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/sinh-vien-tat-bat-tim-kiem-viec-lam-them-sau-khi-tro-lai-thanh-pho-190586.html