Sóc Sơn: Phấn đấu có 1/3 số xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

31/05/2022 19:38

Kinhte&Xahoi Sáng 31/5, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, nhiệm vụ thời gian tới, trọng tâm là công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện. Tham gia đoàn công tác có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến thăm, kiểm tra tại Hợp tác xã rau hữu cơ Phú Cường

Trước khi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cùng đoàn công tác Thành phố đã thăm, kiểm tra tại Nhà văn hoá đa năng xã Phú Cường và Hợp tác xã rau hữu cơ Phú Cường.
 
Báo cáo của Huyện ủy Sóc Sơn cho thấy, huyện xác định Chương trình xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt từ cấp huyện đến cơ sở. Theo đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất ngày càng được tập trung đầu tư. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt, với thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 53,7 triệu đồng/người/năm. Cuối năm 2021, huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016-2020.
 
Huyện được Thủ Tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn NTM năm 2020. Trên địa bàn huyện không có nợ đọng về xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM. Còn trong xây dựng NTM nâng cao, đến nay toàn huyện có 13/25 xã đạt và cơ bản đạt từ 10-14 tiêu chí NTM nâng cao; 12/25 xã đạt và cơ bản đạt từ 5-9 tiêu chí NTM nâng cao.
 
Về Phát triển kinh tế nông thôn, trên địa bàn huyện có 106 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp; 6 HTX tham gia liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 30 trang trại chăn nuôi (chiếm khoảng 25% tổng đàn trên toàn huyện).  Toàn huyện hiện có trên 1.800 doanh nghiệp với khoảng 26.000 lao động và 3.447 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Có 2 làng nghề truyền thống (tre trúc Thu Thủy, mây tre đan Xuân Dương); khoảng 20 làng có nghề xây dựng, gỗ, may mặc và 10 khu, cụm công nghiệp với diện tích 642ha, tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp là 716. Đến hết năm 2021, huyện Sóc Sơn có 76 sản phẩm OCOP. Năm 2022, huyện xây dựng kế hoạch có từ 10 sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 sao trở lên.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến thăm, kiểm tra tại Nhà văn hoá đa năng xã Phú Cường

Từ nay đến hết năm 2022, huyện Sóc Sơn phấn đấu hoàn thành NTM nâng cao tại 2 xã (Phù Lỗ, Đức Hòa) theo chỉ tiêu Thành phố giao và phấn đấu hoàn thành thêm 1 xã Phù Linh. Tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân từ 2,5-3%/năm trở lên. Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 56 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 98%....
 
Tại buổi làm việc, huyện Sóc Sơn đề nghị Thành phố sớm ban hành Hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về NTM các cấp (xã, huyện) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu); Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 để các địa phương có căn cứ tổ chức thực hiện. Cho phép huyện Sóc Sơn đầu tư các dự án đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu đất mở rộng khu dân cư hiện hữu, xây dựng trường học, nhà văn hóa, trạm y tế. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí để huyện triển khai hoàn thiện các tiêu chí. Thành phố có các chính sách hỗ trợ các mô hình sản xuất quy mô lớn; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cùng với việc kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp…
 
Phát biểu kết luận cuộc kiểm tra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến bày tỏ ấn tượng với một số mô hình hiệu quả mà huyện Sóc Sơn đang thực hiện như: Mỗi xã của huyện đều có một Nhà văn hoá đa năng; Mô hình xử lý rác tại nguồn bằng chất hữu cơ; Mô hình trồng rau sạch thuỷ canh tại xã Phú Cường…
 
Đối với công tác xây dựng NTM của huyện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đánh giá, trong nhiều năm qua, huyện Sóc Sơn đã triển khai nhiều giải pháp để tập trung thực hiện xây dưng NTM. Đến nay, 25/25 xã của huyện đều đã về đích NTM giai đoạn 2015 - 2020 và toàn huyện về đích NTM vào năm 2020. Hiện nay, đã có nhiều xã đang rà soát lại để thực hiện NTM nâng cao. Đồng thời, tỷ lệ lao động có việc làm và thu nhập bình quân đầu người đạt cao; huyện không còn hộ nghèo; công tác đảm bảo an ninh trật tự được bảo đảm; công tác phòng chống dịch đã được kiểm soát…
 


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận buổi làm việc
 
Nhấn mạnh công tác xây dựng NTM hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, trên cơ sở bộ tiêu chí mới mà Trung ương đã ban hành, huyện rà soát lại các tiêu chí, nhất các xã đăng ký xây dựng NTM nâng cao. Đồng thời yêu cầu UBND Thành phố sớm trình HĐND Thành phố ban hành bộ tiêu chí về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn thành phố Hà Nội.
 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu, huyện Sóc Sơn cần quan tâm, đầu tư để 3 xã đã đăng ký sớm đạt xã NTM nâng cao. Song song với đó, cần rà soát lại để đảm bảo về vấn đề hạ tầng kỹ thuật liên quan, như thuỷ lợi, giao thông và xã hội. Phấn đấu từ nay đến năm 2025 có ít nhất 1/3 số xã của huyện về đích NTM nâng cao, trong đó có nhiều xã đạt NTM kiểu mẫu.
 
Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch để phát triển các sản phẩm OCOP theo kế hoạch đã đăng ký với Thành phố. Tập trung tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao để tạo vành đai xanh cho sự phát triển của Thủ đô. Trước mắt, tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng của năm 2022.
 
Đối với các kiến nghị của huyện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan giúp đỡ sớm tháo gỡ khó khăn cho huyện.

 Trọng Toàn - HNP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/3/2852442/soc-son-phan-au-co-13-so-xa-cua-huyen-at-chuan-nong-thon-moi-nang-cao.html