Sự đớn đau của những chú rùa biển và lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

16/06/2019 08:48

Kinhte&Xahoi Thủ tướng đề nghị từng cơ quan, đơn vị có chương trình, kế hoạch thực hiện ngay các hoạt động cụ thể chống rác thải nhựa như hạn chế, tiến đến không dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong cơ quan, đơn vị; hạn chế sử dụng kinh phí Nhà nước mua sắm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần...Từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải đi đầu, gương mẫu trong việc nói không với sản phẩm nhựa, túi nylon sử dụng một lần…

Rác ngập tràn tại chợ Tuy Phong, Bình Định. (Ảnh Nguyễn Việt Hùng)

Cũng như tôi, bạn chắc hẳn cũng có giai đoạn hâm mộ những chiếc vòng tay nhựa đủ màu. Và theo trend (xu hướng), chiếc vòng tay đó cùng lắm cũng chỉ tồn tại trên tay bạn, tay tôi tầm chục ngày rồi đi theo túi rác khuất hẳn mắt chúng ta, không còn nhớ đến nữa. Thế nhưng, ở ngoài kia đang tồn tại một sự thật kinh hoàng với chiếc vòng tay nhựa ấy…

Sự đớn đau của những chú rùa

Nếu yêu và chịu khó tìm hiểu về thiên nhiên bạn sẽ biết cơ hội để sống sót của một chú rùa con kể từ khi là những quả trứng được mẹ rùa đẻ ra và vùi trong cái tổ cát ở bờ biển cho đến lúc nở rồi tìm đường về biển khơi và trưởng thành là 1/1000, thậm chí là 1/10000. Vì sao lại hiếm hoi như vậy, vì bên cạnh những mối nguy hiểm luôn rình rập rùa con từ khi còn trong trứng tới lúc trưởng thành, thì với tình trạng biển tràn ngập rác thải nhựa như hiện nay, khả năng cao là rùa biển trưởng thành sẽ không thể về bờ đẻ trứng trong một cơ thể hoàn toàn nguyên vẹn như của cha, mẹ chúng được.

Một con rùa biển từ khi còn nhỏ xíu, trong khi bơi lội đã bị chiếc vòng nhựa vốn được đeo trên cổ tay con người mắc ngang thân. Không thể thoát nổi, 19 năm đằng đẵng sau đó, khi rùa đã trưởng thành, mọi thứ đều đổi thay, từ kích cỡ, màu sắc, độ cứng cáp của con rùa biển, duy chỉ có chiếc vòng nhựa là vẫn thế, vẫn mắc ngang thân con rùa tội nghiệp. Chiếc vòng không lớn lên cùng con rùa, cũng không mất đi, nó siết chặt phần mai rùa, làm cả thân mình rùa biển bị biến dạng thành hình số 8 với chiêc vòng nhựa thắt chẹn ở giữa khi năm tháng dần trôi qua.

Đó không phải là con rùa duy nhất bị đau khổ vì con người, một con rùa xanh nặng 23kg đã được tìm thấy trên bờ biển Struisbaai (Cape Town, Nam Phi) trong tình trạng khó thở. Qua khám nghiệm, các bác sĩ lôi được mẩu ống hút nhựa màu đen ra khỏi khí quản con rùa. Rùa quằn quại đau đớn khi được lôi ống hút nhựa ra khỏi mũi. Một con rùa xanh khác đã nhầm mẩu nhựa màu xanh với miếng rong biển và miếng nhựa đó đương nhiên không những không tiêu mà còn làm tắc nghẽn thực quản của rùa. Một con rùa con mắc kẹt trong vòng nhựa 6 lỗ thường được sản xuất để giữ các lốc bia. May mà được giải cứu sớm, vì nếu để lâu, con rùa sẽ chịu chung số phận với rùa biển trong câu chuyện mở đầu.

Một hệ sinh thái mà mỗi phút trôi qua là tổng cộng 1 triệu chai nhựa được tiêu thụ với cùng một công thức: sản xuất trong vài giây, sử dụng trong vài phút, tồn đọng suốt 450-1000 năm. Chiếc vòng nhựa cũng vậy, chiếc vòng nhựa có thể được mua và sử dụng, vứt đi chỉ trong vòng 19 tiếng, 19 phút hay thậm chí là 19 giây. Thế nhưng, hậu quả mà nó để lại có thể sẽ là nỗi kinh hoàng với loài rùa biển suốt 19 năm đằng đẵng sau đó. Chiếc vòng nhựa rời cổ tay người thật dễ dàng, cớ sao lại kẹt ở thân chú rùa biển gần 2 thập kỉ? Đó là câu hỏi mà chúng ta phải trả lời trước mẹ thiên nhiên. 

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn nhựa được thải ra đại dương/năm

Nhận định này được ông Albert T. Lieberg - Trưởng đại diện Tổ chức Lương nông Liên Hợp quốc (FAO) tại Việt Nam đưa ra trong hội thảo “Rác thải nhựa - Khu vực công - tư cùng giải quyết thách thức” do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức ngày nhân Ngày Môi trường thế giới 5/6 và Ngày Đại dương thế giới 8/6 vừa qua. Theo đại diện FAO, ước tính có 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam/năm, trong khi lượng nhựa tiêu thụ ước tăng 16-18%/năm. 
 
Nguyễn Việt Hùng là một nhiếp ảnh gia được biết đến với câu chuyện đi gần 7.000km để chụp ảnh rác thải nhựa ở dọc bờ biển Việt Nam. Lý do để dẫn anh đến với câu chuyện này cũng hết sức đau lòng. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng cho biết: “Cách đây 5 năm, khi nhận tin mẹ tôi bị ung thư, bác sĩ nói căn nguyên của bệnh xuất phát từ ảnh hưởng độc hại của hạt vi nhựa, tôi đã lang thang trên mạng để tìm hiểu, đọc đi đọc lại nguyên nhân căn bệnh này và thật ngỡ ngàng khi biết Việt Nam đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng cảnh báo về rác thải nhựa của thế giới. Là một nhiếp ảnh gia và dạy nhiếp ảnh, tôi hiểu giá trị của từng bức ảnh qua sự chân thật, thông tin và cảm xúc chúng mang tới. Ảnh có thể thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành động của người xem. Chính vì vậy, tôi quyết định lên đường”.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng chia sẻ, để ghi lại hình ảnh về rác thải nhựa dọc bờ biển Việt Nam, anh đã có hành trình gần 7.000 km đi xe máy trong hơn một tháng. Hành trình từ Thủ đô Hà Nội tới Ninh Bình rồi bám theo bờ biển vào đất mũi Cà Mau. Sau đó, anh chạy xe dọc bờ biển tới Hà Tiên (Kiên Giang), giáp biên giới Campuchia, rồi quay về TP Hồ Chí Minh gửi xe đi máy bay trở ra Hà Nội. Tiếp đó, anh đi từ Hà Nội xuống Nam Định và dọc bờ biển 3 tỉnh, thành phố Thái Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh”.

Trên đường đi, tôi ngỡ ngàng khi đến khu chợ thuộc huyện Tuy Phong (Bình Thuận), bãi biển Ninh Chữ thuộc thôn Bình Sơn, thị trấn Khánh Hải, tỉnh Ninh Thuận  với hàng km rác thải, trong đó chủ yếu là rác thải nhựa, túi nilon. Thật buồn khi chứng kiến người dân phơi cá ngay trên đống rác tại Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh)... Một điều thấy rõ trong suốt hành trình là các chợ hải sản ven biển cũng chính là nguồn xả rác thải nhựa kinh hoàng nhất”, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.

Phấn đấu đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần

Ông Albert T. Lieberg đánh giá trong khi nhựa sử dụng một lần rất phổ biến, năng lực quản lý chất thải ở Việt Nam còn rất hạn chế càng khiến gánh nặng gia tăng từ chất thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng ngày một lớn. Tỉ lệ nghịch với tiêu thụ nhựa và xả thải rác nhựa tăng là chính sách quản lý chất thải, việc xây dựng cơ sở tái chế và các chính sách có liên quan lại không đáp ứng kịp cho nhu cầu nói trên. Đây là một thực trạng mà chúng ta cần phải chung tay giải quyết. Còn theo ông Nguyễn Thành Phương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Nam - Tổng cục Môi trường, để xử lý vấn đề rác thải nhựa một cách toàn diện đòi hỏi nỗ lực chung, cả từ Chính phủ, doanh nghiệp đến hộ gia đình. 

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa. Theo Thủ tướng, vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại về rác thải nhựa, từ nhận thức của một bộ phận doanh nghiệp, người dân đến thói quen phổ biến trong sinh hoạt, sử dụng túi nylon. Vì vậy, theo Thủ tướng, để các thế hệ tương lai, con cháu chúng ta được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững, chúng ta cần có quyết tâm chính trị cao, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, thực hiện phương châm: nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa.

Phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị từng cơ quan, đơn vị có chương trình, kế hoạch thực hiện ngay các hoạt động cụ thể chống rác thải nhựa như hạn chế, tiến đến không dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong cơ quan, đơn vị; hạn chế sử dụng kinh phí Nhà nước mua sắm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần...Từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải đi đầu, gương mẫu trong việc nói không với sản phẩm nhựa, túi nylon sử dụng một lần…

Diệu Hương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

AB Mauri Việt Nam: Phát hiện sự cố hệ thống xử lý nước thải nhờ …“tin đồn”

Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam (AB Mauri) đã đầu tư khoảng 10 triệu USD để xây dựng nhà máy xử lý nước thải với hệ thống công nghệ lọc RO (công nghệ thẩm thấu ngược theo tiêu chuẩn quốc tế) hiện đại. Mặc dù đầu tư lớn tiền, công nghệ hiện đại, nhưng cuối cùng vẫn phải nhờ đến… tin đồn mới biết bị hư.

Nguồn: Pháp luật Plus