Sức lực của nhiều doanh nghiệp bị bào mòn

11/11/2021 16:12

Kinhte&Xahoi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính khiến số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng nhanh so với cùng kỳ năm 2020.

Chiều 11/11, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời các vấn đề chất vấn mà đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn về giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới.

Trong báo cáo về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính khiến số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng nhanh so với cùng kỳ năm 2020.

Lý do thứ nhất, đó là sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài liên tiếp (đặc biệt là quý III/2021) khiến hoạt động - sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề.

“Lý do thứ hai, là sau nhiều tháng liền chống chọi với những khó khăn do dịch COVID-19, sức lực của nhiều doanh nghiệp đã bị bào mòn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Theo đó, nhiều nhà máy sản xuất, đặc biệt là ở khu vực phía Nam phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian phong tỏa; doanh nghiệp không tiếp cận được khách hàng, hoạt động vận tải hàng hóa và chuỗi cung ứng cho sản xuất bị gián đoạn, đứt gãy, doanh thu giảm mạnh hoặc thậm chí không có doanh thu, các nguồn lực dự trữ đang cạn dần, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.

Và nguyên nhân thứ ba, đó là trong giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp lựa chọn “đóng băng” trong ngắn hạn để xem xét tình hình, diễn biến của dịch bệnh, “trú ẩn” để bảo toàn nguồn vốn chờ qua giai đoạn dịch bệnh phức tạp và giãn cách nghiêm ngặt.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước thực tế này, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. 

Gần đây nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 105/NQ-CP, theo Bộ trưởng, đã được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao và kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ những vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.

Hiện nay, các giải pháp, nhiệm vụ đã và đang được các bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai thực hiện và cơ bản hoàn thành theo đúng tiến độ được giao.

Tháng 10/2021 cũng ghi nhận 45/63 địa phương có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng so với tháng 9/2021. Trong đó, đáng chú ý các địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh đều có sự phục hồi ấn tượng như: Đà Nẵng tăng 167,3%, Cần Thơ tăng 58,3%, TPHCM tăng 31,6%, Hà Nội tăng 17,8%, Bình Dương tăng 17%, Đồng Nai tăng 3,8%.

“Có thể thấy, những nỗ lực vừa qua của Chính phủ đã được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ghi nhận và giảm bớt phần nào những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu, giúp doanh nghiệp có thể duy trì, ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh và việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng củng cố niềm tin của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

 Chí Kiên - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/suc-luc-cua-nhieu-doanh-nghiep-bi-bao-mon-d170511.html