Tái khởi động Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố - Phố đi bộ Trịnh Công Sơn

08/05/2022 08:58

Kinhte&Xahoi Trong không khí vui mừng, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2022); 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022) và chào mừng Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 được tổ chức tại Việt Nam; Được sự nhất trí của Thường trực Thành ủy, UBND Thành phố, Quận Tây Hồ long trọng tổ chức sự kiện: Tái khởi động Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố Quận Tây Hồ - Phố đi bộ Trịnh Công Sơn và Chương trình nghệ thuật “Có những con đường”.

Đến dự buổi lễ, về phía Thành phố Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Lan Hương - Phó Chủ tịch Trung ương Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội; Bùi Huyền Mai - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; Phạm Quý Tiên - Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội; Nguyễn Mạnh Quyền, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.

Các đại biểu dự chương trình

Về phía Quận Tây Hồ có các đồng chí: Lê Thị Thu Hằng - Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận; Nguyễn Anh Tuấn - Phó Bí thư thường trục Quận ủy; Nguyễn Đình Khuyến - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận; Trần Quang Đạo - Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Chủ tịch UBMTTQVN quận Tây Hồ.

Về phía các tổ chức quốc tế, ngoại giao, tổ chức văn hoá trong và ngoài nước có Đại sứ Nguyễn Phú Bình và Phu nhân; Bà Nguyễn Thị Thu Phương- Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia; Đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam. Về phía gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có Nghệ sĩ, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn 2; Trịnh Hoàng Diệu - em gái cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn; Ông Nguyễn Trung Trực chồng bà Trịnh Vĩnh Trinh. Cùng dự chương trình có các nghệ sỹ Nhân dân, nghệ sỹ ưu tú, các nghệ sỹ, diễn viên và Ekip Đoàn phim "Em và Trịnh".

Không gian vui chơi lý tưởng cho người dân

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Đình Khuyến - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết:

“Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ” - Phố đi bộ Trịnh Công Sơn là tuyến phố đi bộ thứ hai của Thành phố, đã được Quận Tây Hồ triển khai thực hiện từ năm 2018. Nơi đây đã bước đầu hình thành các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật, du lịch, ẩm thực đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa và vui chơi giải trí của người dân Tây Hồ, du khách trong và ngoài nước. Sau một thời gian tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19, Quận Tây Hồ đã khẩn trương triển khai công tác đầu tư chỉnh trang cơ sở hạ tầng khu vực, mở rộng thêm không gian đi bộ, trang trí tạo cảnh quan đẹp phục vụ tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật và ẩm thực đường phố.

Đồng chí Nguyễn Đình Khuyến - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ phát biểu tại buổi lễ

Cụ thể là: Điều chỉnh mở rộng không gian bao gồm tuyến phố Trịnh Công Sơn, đường Vũ Tuấn Chiêu, đường đôi mới nối đường Vũ Tuấn Chiêu đến đường dạo xung quanh Hồ Tây; Kết nối với khu vực Công viên Vầng trăng, Công viên nước Hồ Tây, Thung lũng Hoa nhằm mở rộng không gian và các hoạt động vui chơi, giải trí, ẩm thực hướng ra Hồ Tây.

Đầu tư chỉnh trang cơ sở vật chất, trang trí làm đẹp cảnh quan, tạo các điểm nhấn để thu hút người dân đến tham quan như: Con đường nghệ thuật nằm giữa hai hồ nước trên phố Trịnh Công Sơn với bức tranh 3D - những đường sóng uốn lượn mềm mại được thể hiện bằng những gam màu chủ đạo của mùa thu; Cổng chào hình trái tim và các bức tường được gắn hoa tươi với tranh chân dung nhạc sỹ Trịnh Công Sơn; Con đường nghệ thuật với hàng nghìn chiếc ô lụa rực rỡ sắc màu...

Vào mỗi buổi tối cuối tuần, trên sân khấu chính và các địa điểm biểu diễn xung quanh tuyến phố đi bộ sẽ diễn ra nhiều nội dung, chương trình phong phú, hấp dẫn từ các loại hình nghệ thuật dân gian đến đương đại như: ca trù, chầu văn, hát văn, hòa tấu nhạc trẻ, nhạc dân tộc, nhạc Trịnh. Bên cạnh đó là các gian hàng văn hóa - ẩm thực gồm đồ lưu niệm thủ công, hoa quả tươi, ẩm thực truyền thống... sẽ được duy trì, là nơi giới thiệu các sản phẩm thủ công, làng nghề và văn hoá ẩm thực với những món ngon đặc trưng của Tây Hồ như xôi Phú Thượng, bánh tôm Hồ Tây, bún ốc Hồ Tây, trà Sen Quảng An...

Các vị đại biểu bấm bút khởi động Phố đi bộ Trịnh Công Sơn

Tái khởi động Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố - Phố đi bộ Trịnh Công Sơn

 Kết nối với không gian ẩm thực đường phố đa dạng, phong phú, hấp dẫn tại phố Trịnh Công Sơn và các quán cafe, khu ẩm thực của Nhà hàng Sen Tây Hồ, Công viên nước Hồ Tây, Thung lũng hoa Hồ Tây sẽ mang tới cho du khách nhiều sự lựa chọn phong phú, hấp dẫn, chất lượng và phù hợp với nhu cầu.

Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố Quận Tây Hồ đã khoác lên mình một tấm áo mới rực rỡ, lung linh sắc màu sẵn sàng chào đón du khách tới thăm quan, trải nghiệm và tham gia vào các hoạt động nghệ thuật đường phố phong phú, hấp dẫn. Đặc biệt trong không gian này, cất lên những giai điệu sâu lắng của Nhạc Trịnh, để nơi đây sẽ là điểm đến của những người yêu nhạc Trịnh, cùng lan toả những giá trị tốt đẹp về tình yêu và cuộc sống đến với mọi người.

Thời gian hoạt động từ 17h00 đến 23h00 ngày thứ bảy; Từ 8h00 đến 23h00 ngày chủ nhật hàng tuần. Các hoạt động trên tuyến phố đi bộ phải tuân thủ phương châm: Tôn trọng, gìn giữ cảnh quan chung, không gây ảnh hưởng tới kết cấu các công trình kiến trúc, cây xanh và các hoạt động khác của người dân. Sử dụng bao bì sản phẩm, trang thiết bị bằng chất liệu thân thiện với môi trường. Gìn giữ nét đẹp văn hóa thủ đô Hà Nội trong không gian Phố đi bộ Trịnh Công Sơn.

Hướng tới là sản phẩm văn hóa, nghệ thuật và du lịch độc đáo của Thủ đô

 Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Để phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của quận Tây Hồ, đưa phố đi bộ Trịnh Công Sơn và Không gian biểu diễn nghệ thuật ẩm thực đường phố quận Tây Hồ trở thành một sản phẩm văn hóa, nghệ thuật và du lịch độc đáo của Thủ đô, tôi đề nghị các đơn vị tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Đối với quận Tây Hồ: Tiếp tục nhất quán chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận, đưa các sản phẩm làng nghề và sản phẩm quà tặng du lịch mang đậm màu sắc dân gian để giới thiệu cho bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ

Chủ động phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, thường xuyên khảo sát, lắng nghe và tiếp thu mọi ý kiến đóng góp của người dân và du khách để tổ chức thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác công tư; Đầu tư phát triển, làm mới các sản phẩm du lịch, khai thác có hiệu quả lợi thế sẵn có của Tây Hồ.

Tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn phòng, chống cháy nổ, duy trì an ninh, trật tự tạo cho người dân và du khách cảm giác yên tâm khi đến tham quan, vui chơi.

Chủ động tổ chức nghiên cứu tổng thể và đề xuất phương án khai thác phố đi bộ Trịnh Công Sơn và các khu vực lân cận nhằm phát huy tối đa hiệu quả của giá trị quần thể Hồ Tây.

Đối với các Sở, ban, ngành Thành phố: Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ quận xây dựng, triển khai các sản phẩm du lịch độc đáo, có tính chất đặc thù, hấp dẫn; Tăng cường truyền thông, mở rộng phạm vi xúc tiến, quảng bá để giới thiệu về du lịch Tây Hồ.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và tổ chức hợp lý không gian du lịch trên địa bàn quận, đảm bảo sự liên kết giữa các điểm đến nhằm thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với Tây Hồ nói riêng và Thủ đô nói chung.

 Hương Thu - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?