Tết Nguyên đán 2019: Lo ngại thực phẩm bẩn vẫn đến bàn ăn

24/01/2019 09:25

Kinhte&Xahoi Trong thời gian vừa qua, các ngành chức năng của TPHCM đã phát hiện một số lượng lớn thịt heo không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, hàng hóa từ khắp nơi tấp nập đổ về các chợ đầu mối ở TPHCM cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm từ gốc chưa được đảm bảo đang tạo tâm lý lo lắng cho người tiêu dùng ở TPHCM.

Cơ quan chức năng Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức (TPHCM) kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ heo tại các cửa ngõ trước khi vào thành phố.

 

Hiện, Ban Quản lý An toàn thực phẩm cùng các ngành chức năng của thành phố đang tập trung công tác kiểm tra việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm tại các cửa ngõ, chợ đầu mối nhằm quyết tâm không để thực phẩm“bẩn”đến với người dân.

Tại chợ đầu mối Hóc Môn trong thời điểm giáp Tết, bao trùm là không khí khẩn trương, vội vã của người mua, kẻ bán, pha lẫn trong đó là hàng loạt âm thanh từ tiếng xe cộ, tiếng người hò hét… Bên cạnh các mặt hàng rau, quả thì thịt heo là thực phẩm buôn bán chủ yếu tại chợ đầu mối Hóc Môn.

Trong những ngày này, trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 con heo được làm sạch vận chuyển từ các trang trại, lò mổ về chợ tiêu thụ. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, hơn 110 sạp kinh doanh thịt heo tại chợ đều đăng ký cam kết bán hàng có nguồn gốc.

Cơ quan chức năng TPHCM kiểm tra chặt chẽ tình trạng vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc.

 

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua các ngành chức năng của TPHCM đã phát hiện một số lượng lớn những loại thịt heo không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm xâm nhập vào thị trường thành phố.

Vì vậy việc kiểm soát từ nguồn gốc đến quá trình giết mổ thịt heo đang được Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố và Ban Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn đặc biệt chú ý, tập trung kiểm soát chặt chẽ hơn, nhất là lượng thịt heo tăng đang đột biến so với ngày thường.

Ông Lê Văn Tiễn, Phó Trưởng Ban Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn, TPHCM cho biết: "Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với ngành hàng thịt heo, ở đây chúng tôi rất là an tâm bởi vì thịt heo này thực hiện theo đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo. Cho nên tất cả heo đi vào chợ đều phải có đeo vòng nhận diện. Chính từ vòng này mà người ta có thể truy xuất heo xuất phát từ lò giết mổ nào, từ trang trại nào."

Đoàn Kiểm tra Ban Quản lý ATTP TPHCM kiểm tra truy xuất nguồn gốc thịt heo tại chợ đầu mối Hóc Môn.

 

Theo báo cáo của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, trong năm 2018, thành phố đã tiến hành xử phạt hơn 7.300 cơ sở, với tổng số tiền trên 51 tỷ đồng, thu hồi, tiêu hủy hơn 90.000 kg sản phẩm thực phẩm và hơn 28.400 con gia súc, gia cầm.

Thời điểm cận Tết Nguyên đán, do số lượng hàng hóa được tiêu thụ lớn nên các đối tượng sẽ tiếp tục lợi dụng để trà trộn thực phẩm, sản phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc vào thị trường, gây nguy hại lớn đến sức khỏe người dân.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM nhận định: "Chúng tôi nhận thấy trong thời gian vừa qua diễn biến hết sức là phức tạp và lác đác vẫn bắt quả tang rất nhiều vụ heo có biểu hiện nghi của lở mồm long móng và heo có biểu hiện nghi kém chất lượng bị ôi thiu…nhưng vẫn trà trộn vào để buôn bán trong dịp Tết thì chúng tôi đã kịp thời ngăn chặn. Kể cả mức độ 1 con, 2 con cũng không cho lọt vào. Để cho thấy là khi chúng ta đã phát hiện được thì nguy cơ là có."

Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM đã thành lập 12 đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành từ thành phố đến cấp xã phường để kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm...

Trong đó, đặc biệt chú trọng việc kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm với quy mô lớn, các cơ sở nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối. Đồng thời bố trí lực lượng kiểm tra liên ngành 24/24 giờ tại các cửa ngõ của thành phố để ngăn chặn kịp thời tình trạng vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xâm nhập vào thành phố.

Lực lượng chức năng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ thịt heo khi vào chợ đầu mối Hóc Môn..

 

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCHM cho biết: "Hiện nay, chúng tôi tập trung chính là các tuyến cửa ngõ và trong thời gian Tết này thì chúng tôi cũng tăng cường lực lượng phối hợp với lực lượng thanh tra của Chi cục để hỗ trợ các đoàn liên ngành của thành phố để kiểm tra lưu động, để tránh những trường hợp các đối tượng lẩn tránh các trạm kiểm dịch để đi vào các tuyến đường tránh. Đối với các trạm này thì có sự của lực lượng cảnh sát giao thông để dừng các phương tiện có nghi ngờ vận chuyển gia súc, gia cầm, động vật và sản phẩm động vật trái phép để chúng tôi kiểm tra".

Trên thực tế, tình hình buôn bán gia súc, gia cầm trái phép tại TPHCM vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Hiện, công tác giám sát và ngăn chặn tình trạng giết mổ trái phép, vận chuyển gia súc gia cầm không rõ nguồn gốc của ngành Thú y còn gặp phải một số khó khăn vì thẩm quyền của cơ quan này hạn chế. Các trạm kiểm dịch không có quyền dừng xe vận chuyển động vật khi lưu thông trên đường. Tình trạng cán bộ thú y bị đe dọa, hành hung vẫn xảy ra và chưa được xử lý kiên quyết.

Trung bình mỗi ngày có 10.000 con heo được đưa về chợ đầu mối Hóc Môn để tiêu thụ trong những ngày giáp Tết Nguyên Đán..

 

Hiện nay, song song với công tác kiểm tra liên ngành, các cơ quan chức năng thành phố cũng tổ chức vận động người dân sử dụng thực phẩm có nguồn gốc. Đồng thời tuyên truyền các chủ cơ sở giết mổ, người buôn bán vận chuyển gia súc, gia cầm từ các tỉnh lân cận vào địa bàn thành phố phải đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Anh Trần Văn Tuấn, một lái xe chở heo từ Đồng Nai vào TPHCM tiêu thụ nói: "Các trạm có đưa thông tư, thông báo để cho tài xế biết nắm rõ là trong quá trình vận chuyển mình không được vận chuyển heo có chất cấm, bơm nước hoặc chích thuốc an thần gì đó… Tôi cũng được thông báo, được tuyên truyền. Việc này rất là đúng thôi vì  để đảm bảo sức khỏe cho người dân, người tiêu thụ thịt heo ở thành phố thì mình phải chấp hành nghiêm."

Để ngăn chặn thực phẩm bẩn xâm nhập đến bàn ăn của người dân, nhất là trong những ngày Tết Nguyên đán cổ truyền, bên cạnh việc các ngành chức năng của TPHCM tổ chức kiểm tra, thanh tra đột xuất cũng rất cần sự tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, chủ cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tuân thủ các quy định đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn người dân nhận biết những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm đã được kiểm soát và chứng nhận an toàn thực phẩm.

 

Theo VOV/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Trưởng thôn bị dân tố trộm cành cây sưa trăm tỷ ở Chương Mỹ

Hai cây sưa đỏ ở thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, HN) từng được định giá đến 100 tỷ đồng. Từ cuối năm 2018 UBND TP Hà Nội đã có văn bản cho phép người dân bán 2 cây sưa này để lấy tiền công ích. Trong khi chờ được bán cây, bất ngờ Trưởng thôn bị người dân tố cắt trộm cành đem bán.