Động thái lần này nhằm mục đích hỗ trợ những người không có hoặc gặp trở ngại trong việc truy cập vào các dịch vụ tài chính thiết yếu.
Bộ Tài chính Thái Lan cũng đã ban hành các hướng dẫn cần thiết cho thủ tục cấp giấy phép, đồng thời nhấn mạnh các ứng viên phải chứng minh đủ kinh nghiệm và nguồn lực để hỗ trợ hoạt động kinh doanh ngân hàng thương mại. Mức vốn điều lệ tối thiểu là 5 tỷ baht (tương đương khoảng 140 triệu USD).
Theo kế hoạch, Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính Thái Lan sẽ xem xét các đơn cấp phép trong vòng 9 tháng kể từ khi thời gian nộp hồ sơ kết thúc. Các ngân hàng được chấp thuận mở ngân hàng ảo phải hoàn tất khâu chuẩn bị và đi vào hoạt động trong vòng 1 năm.
Chính phủ Thái Lan không có kế hoạch giới hạn số lượng giấy phép, nhưng sẽ kiểm soát chặt chẽ số lượng ngân hàng ảo để đảm bảo phù hợp với hệ thống các tổ chức tài chính của đất nước. Một số nguồn tin cho biết, Bangkok dự kiến cấp 3 giấy phép ngân hàng ảo trong giai đoạn đầu (từ nay tới năm 2025).
Bước đi mới của chính phủ Thái Lan diễn ra trong bối cảnh các dịch vụ ngân hàng ảo ngày càng được ưa chuộng trên toàn cầu. Theo hãng thanh toán quốc tế Visa, cùng với thực tế ảo tăng cường (AR), thanh toán thông minh, tiền điện tử…, ngân hàng ảo được xem là xu hướng giao dịch tài chính phổ biến đối với người tiêu dùng trong tương lai, đặc biệt là nhóm Gen X (nhóm người sinh từ năm 1965 đến năm 1980) và Gen Z (nhóm người sinh từ năm 1995 đến năm 2012).
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo làn sóng ngân hàng ảo bùng nổ có thể dẫn đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong lĩnh vực tài chính như gian lận hồ sơ giấy tờ, mở và sử dụng tài khoản mạo danh, tài khoản ảo cũng như chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng ảo...
Nguyễn Thúc Hoàng Linh - Hà Nội mới