Thành lập 63 đoàn kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022

03/06/2022 06:53

Kinhte&Xahoi Bộ GD&ĐT sẽ thành lập 63 đoàn thực hiện kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức coi thi, chấm thi và một số đoàn kiểm tra công tác chỉ đạo tổ chức phúc khảo và thanh tra phúc khảo bài thi của một số Sở GD&ĐT.

Ảnh minh họa

 

Ảnh minh họa

Bộ GD&ĐT mới có văn bản hướng dẫn gửi các cơ sở giáo dục và đào tạo, Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng về công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Văn bản nêu rõ, các hoạt động thanh tra, kiểm tra phải thực hiện kịp thời nhằm nắm tình hình tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng; đảm bảo an toàn, nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh; đồng thời phòng ngừa, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý sai phạm (nếu có); kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện những nội dung chưa phù hợp trong cơ chế, chính sách liên quan.

Ban Chỉ đạo cấp quốc gia thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác chỉ đạo, chuẩn bị thi, tổ chức các khâu trong kỳ thi của ban chỉ đạo cấp tỉnh, sở giáo dục và đào tạo, hội đồng thi. Trưởng đoàn kiểm tra là thứ trưởng Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Ban Chỉ đạo cấp quốc gia.

Ban chỉ đạo cấp tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra công tác chỉ đạo, chuẩn bị, tổ chức coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi và xét tốt nghiệp THPT tại địa phương.

Công tác thanh tra, kiểm tra với các nội dung: Chuẩn bị tổ chức thi; coi thi; chấm bài thi tự luận, chấm bài thi trắc nghiệm; phúc khảo; xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Trong đó, đối với việc in sao đề thi, Bộ GD&ĐT tạo lưu ý, trước khi in sao, cần kiểm tra các điều kiện cơ sở vật chất, an ninh, an toàn khu vực in sao đề thi; thành phần cán bộ thực hiện nhiệm vụ in sao đề thi; việc Hội đồng thi bố trí 1 cán bộ giám sát tại vòng 2 khu vực in sao đề thi.

Khi hoạt động in sao đề thi đang diễn ra, cần kiểm tra biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn tại khu vực in sao đề thi và việc bố trí, thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng tại vòng 3 (vòng bảo vệ ngoài) khu vực in sao đề thi.

Bộ GD&ĐT lưu ý công tác coi thi, trưởng điểm thi cần bố trí địa điểm bảo đảm an toàn, cách biệt phòng thi tối thiểu 25 mét để bảo quản các vật dụng cá nhân, các tài liệu và vật dụng bị cấm mang vào phòng thi. Trưởng điểm thi quán triệt đến những người tham gia công tác coi thi; cán bộ coi thi phổ biến cho thí sinh trong phòng thi trước khi phát đề thi về mọi hành vi cung cấp, tiết lộ đề thi trong thời gian làm bài thi được coi là làm lộ bí mật nhà nước độ “Tối mật” và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Để công tác thanh tra, kiểm tra chính xác, công bằng, khách quan, đúng quy định, Bộ GD&ĐT cũng quy định cụ thể về tiêu chuẩn người tham gia thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022…

Bộ GD&ĐT cũng sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra ở tất cả khâu của kỳ thi, đồng thời kiểm tra đột xuất tại một số hội đồng thi, điểm thi khi có thông tin phản ánh tiêu cực, sai phạm; xây dựng các phương án dự phòng xử lý tình huống xảy ra thiên tai, dịch bệnh.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập 63 đoàn thực hiện kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức coi thi, chấm thi và một số đoàn kiểm tra công tác chỉ đạo tổ chức phúc khảo và thanh tra phúc khảo bài thi của một số Sở GD&ĐT.

Cũng theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, tại 63 tỉnh, thành sẽ thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, Trong đó, với công tác coi thi, thành lập đoàn thanh tra công tác tổ chức coi thi, gồm trưởng đoàn, thư ký và các tổ thanh tra.

Số lượng cán bộ tối thiểu 1 tổ thanh tra trực tiếp tại một điểm thi thực hiện theo nguyên tắc: Dưới 15 phòng thi bố trí 2 cán bộ; từ 15 - 24 phòng thi bố trí 3 cán bộ; từ 25 - 34 phòng thi bố trí 4 cán bộ; từ 35 - 44 phòng thi bố trí 5 cán bộ; từ 45 phòng thi trở lên bố trí 6 cán bộ.

 L. Ngọc - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/thanh-lap-63-doan-kiem-tra-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2022-d183101.html