Thanh toán không dùng tiền mặt: Thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh

05/11/2021 20:32

Kinhte&Xahoi Thanh toán không dùng tiền mặt đã góp phần hạn chế được lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, rút ngắn thời gian trong quá trình mua bán hàng hóa.

Tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu, giao dịch

 Năm 2021, trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những giải pháp hữu hiệu để đạt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, vừa thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội trong trạng thái "bình thường mới”.

UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công thương Hà Nội phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hà Nội cùng các doanh nghiệp tổ chức sự kiện "Ngày không dùng tiền mặt năm 2021”.

Người dân thanh toán không dùng tiền mặt tại Trung tâm thương mại Aeon Mall

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, sự kiện “Ngày không dùng tiền mặt năm 2021” với chủ đề: “Một chạm thông minh - Kích cầu mua sắm” nhằm tuyên truyền về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thương mại điện tử, đặc biệt là đối tượng khách hàng tham gia thanh toán, mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các kênh thương mại điện tử, các lĩnh vực khác (thanh toán tiền điện, nước, viễn thông, y tế…) trên địa bàn thành phố.

Thông qua sự kiện, tạo điều kiện cho người tiêu dùng làm quen và sử dụng các thiết bị, công nghệ thanh toán điện tử trong các giao dịch mua bán, góp phần hình thành thói quen sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.

“Thanh toán không dùng tiền mặt đã góp phần hạn chế được lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, rút ngắn thời gian trong quá trình mua bán hàng hóa. Đồng thời, đem lại nhiều lợi ích thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại; Góp phần bình ổn giá cả, chống thất thu thuế, tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu, giao dịch”, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Hướng tới thay đổi thói quen của người tiêu dùng

 Đồng hành cùng với Sở Công thương, các doanh nghiệp đã chia sẻ những giải pháp, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang và dự định triển khai tại đơn vị cũng như xu hướng và tầm quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Ông Vũ Minh Đức, Giám đốc Vận hành Ví điện tử ShopeePay cho biết, thanh toán số là phương thức giao dịch đang được ưa chuộng trên các sàn thương mại điện tử. Việc ngày càng nhiều khách hàng tiếp cận với thương mại điện tử sẽ thúc đẩy xu hướng thanh toán không tiền mặt trong cuộc sống hằng ngày.

"Hưởng ứng sự kiện “Ngày không dùng tiền mặt năm 2021” và khuyến khích người dùng gia tăng sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt, chúng tôi sẽ tiếp tục mang đến cho khách hàng sử dụng ví điện tử ShopeePay các ưu đãi độc quyền lên đến 50% khi tham gia mua sắm, nạp điện thoại hay thanh toán hóa đơn, dịch vụ trên trang thương mại điện tử Shopee và khi thanh toán trực tiếp tại cửa hàng”, ông Vũ Minh Đức thông tin.

Các đại biểu kích hoạt ngày không dùng tiền mặt 2021 ngày 5/11

Ông Lưu Hồng Phước, Giám đốc Hoạch định Tài chính AEON Việt Nam chia sẻ: Việc tăng tốc chuyển đổi số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đã nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của AEON Việt Nam, đồng thời cũng phù hợp với xu hướng chung, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh hiện tại.

Cho tới thời điểm hiện nay, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại các Trung tâm của AEON Việt Nam đạt gần 50%, tăng dần đều qua các năm. AEON Việt Nam cũng đẩy mạnh triển khai các dịch vụ tiện ích số với 2 dự án “Máy chọn món tự động” và “Quầy thanh toán bán tự động” tại tất cả các siêu thị AEON, dự kiến mở rộng tại các cửa hàng chuyên doanh, địa điểm kinh doanh khác của doanh nghiệp.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định, để thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hà Nội khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa dịch vụ triển khai mạnh mẽ các loại hình thanh toán mới hiện đại.

Cùng với đó sẽ có các hình thức động viên, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, thành phố cũng đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị bán lẻ triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ bán lẻ; Phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến (qua website/ứng dụng thương mại điện tử; Sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba, Sendo, Shopee…) nhằm tìm kiếm, kết nối với khách hàng, duy trì kinh doanh trong điều kiện phòng, chống dịch.

Kích hoạt sự kiện “Ngày không dùng tiền mặt năm 2021”

Sáng nay, Sở Công thương Hà Nội phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) tổ chức Lễ kích hoạt sự kiện “Ngày không dùng tiền mặt năm 2021”.

Sự kiện gồm 2 hoạt động chính: Tuyên truyền, khuếch trương cho sự kiện thông qua các hình thức tuyên truyền (mạng xã hội, banner quảng cáo, tờ rơi tuyên truyền…) trong suốt tháng 11-2021 để người tiêu dùng biết, hưởng ứng và lễ kích hoạt sự kiện.

Lễ kích hoạt sự kiện diễn ra tại 2 khu vực chính: Khu vực Kích hoạt sự kiện “Ngày không dùng tiền mặt năm 2021” nhằm truyền tải mục đích ý nghĩa, thông điệp của sự kiện; Khu vực gian hàng giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt dành cho các doanh nghiệp đồng hành trong sự kiện như: Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Công ty cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY), Ví điện tử ShopeePay, Sàn thương mại điện tử Shopee, Nền tảng thương mại điện tử Lazada Việt Nam, Sàn thương mại điện tử Bizi, Công ty TNHH AEON Việt Nam, Công ty MM Mega Market Việt Nam, Công ty cổ phần Dịch vụ Giao hàng nhanh...

Tại đây, các đơn vị giới thiệu, quảng bá về các công nghệ, sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại (xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt); Thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code); Thanh toán an toàn, thuận tiện qua mã hóa thông tin thẻ...) và các ưu đãi cho khách hàng mua sắm hàng hóa, dịch vụ khi thanh toán không dùng tiền mặt. 

Thanh Hoài - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thoi-quen-hanh-vi-mua-sam-cua-nguoi-tieu-dung-theo-huong-van-minh-182178.html