Những con số biết nói
Như Pháp luật Plus đã phản ánh, gói thầu XL-03 “Xây dựng hệ thống thoát nước chung cấp 2, cấp 3 thuộc lưu vực 6” do Ban Quản lý đầu tư Dự án vệ sinh môi trường TP HCM (nay là Ban 5 thuộc Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM) làm chủ đầu tư. Gói thầu này có giá phê duyệt là 8.119.855 USD (tương đương khoảng hơn 179 tỷ đồng ), thời gian bắt đầu thi công từ tháng 12/2017 và thời hạn thi công gói thầu là 720 ngày (khoảng 2 năm).
Một lô cốt phục vụ thi công dự án trên đường Nguyễn Duy Trinh của Công ty Lạc An.
Công ty Cổ phần Lạc An (Công ty Lạc An) là đơn vị trúng thầu với giá lên tới hơn 204,6 tỷ đồng và được cho là cao hơn so với giá phê duyệt hơn 20 tỷ đồng. Đáng chú ý, theo đại diện một đơn vị từng tham gia đấu thầu gói thầu này cho biết, tại thời điểm đấu thầu, đơn vị này chỉ bỏ thầu với giá 141 tỷ đồng nhưng vẫn trượt thầu.
Như vậy, không những Công ty Lạc An trúng thầu cao hơn giá phê duyệt hơn 20 tỷ đồng mà lại còn cao hơn giá công ty trượt thầu hơn 60 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay thời hạn thi công chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc dự án mà Công ty Lạc An vẫn “ì ạch” thi công và chỉ được khoảng 50% tiến độ của dự án.
Việc Công ty Lạc An trúng thầu với giá cao nhưng thi công “rùa bò”, chậm tiến độ của dự án đã làm ảnh hưởng cuộc sống và gây bức xúc cho người dân. Nhiều câu hỏi đặt ra, liệu Công ty Lạc An có đủ năng lực để thực hiện dự án, cũng như khi chấm thầu có sự “ưu ái” cho Công ty Lạc An hay không?
Trúng thầu hàng loạt, vì sao?
Ở một chiều hướng khác, theo tìm hiểu được biết, Công ty Lạc An được thành lập vào năm 2003, trụ sở tại quận 10, TP HCM. Công ty này được biết đến là đơn vị trúng hàng loạt gói thầu lớn tại TP HCM những năm qua.
Cụ thể, tháng 12/2017, Khu Quản lý giao thông đô thị số 04, đơn vị quản lý dự án Nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát (đoạn từ Trần Xuân Soạn đến cầu Phú Xuân) công bố kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Xây lắp 3 (phần đường, thoát nước từ Km3+920 cuối tuyến) có hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước đã lựa chọn Công ty Lạc An trúng thầu. Gói thầu này có giá hơn 114,7 tỷ đồng. Công ty Lạc An liên danh cùng với Công ty CP Xây dựng NASACO trúng với giá hơn 114,6 tỷ đồng.
Việc lô cốt phục vụ công trình án ngữ kéo dài ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của người dân.
Đầu năm 2018, Công ty Lạc An lại tiếp tục trúng gói thầu Xây lắp 1 - Xây lắp đoạn từ nút giao thông Bình Thuận đến cầu Rạch Tam với giá gói thầu hơn 28,9 tỷ đồng. Giá trúng thầu của Công ty Lạc An cũng là hơn 28,9 tỷ đồng. Đây cũng là dự án do Khu Quản lý giao thông đô thị số 04 quản lý.
Cũng theo tìm hiểu, Công ty Lạc An là đơn vị trúng gói thầu Xây dựng đường (từ Km0+0,00÷Km0+502,02) thuộc dự án Xây dựng đường D1 (kết nối Đại học Sài Gòn với đường Nguyễn Văn Linh và Khu dân cư Him Lam). Dự án này cũng do Khu Quản lý giao thông đô thị số 04 quản lý. Gói thầu này Công ty Lạc An liên danh cùng với Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải xây dựng giao thông T&T. Gói thầu có giá hơn 57,1 tỷ đồng, liên danh Lạc An và T&T trúng với giá hơn 56,9 tỷ đồng.
Sau đó, Công ty Lạc An còn tiếp tục trúng thêm nhiều dự án do Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 triển khai. Cụ thể, dự án Cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện mặt đường tuyến Vành đai phía Đông (đoạn từ nút giao thông Mỹ Thủy đến cầu Rạch Chiếc), quận 2, quận 9 và đã lựa chọn Công ty Lạc An trúng 1 gói thầu với giá trúng thầu hơn 37,4 tỷ đồng (giá gói thầu cũng hơn 37,4 tỷ đồng).
Tiếp đó, gói thầu Xây lắp công trình thuộc dự án Sửa chữa lớn Quốc lộ 13 (đoạn từ đường Kha Vạn Cân đến cầu Ông Dầu) do Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 quản lý cũng chọn Công ty Lạc An trúng thầu…
Ngoài ra, tại dự án Tăng cường khả năng khai thác trên tuyến Quốc Lộ 1 (đoạn từ cầu Bình Phước đến ngã tư An Sương), quận 12, gói Xây lắp 3 (phần đường và thoát nước đoạn từ rạch Cầu Kinh đến cầu vượt Ngã tư Ga – bên phải tuyến), Công ty Lạc An liên danh cùng với Công ty CP Công trình Cầu phà TP HCM đã được chấm trúng thầu với giá 43,5 tỷ đồng. Dự án này do Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 làm chủ đầu tư.
Để làm rõ những thông tin trên, phóng viên đã liên hệ với Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM nhưng hiện đơn vị này vẫn chưa có thông tin phản hồi.
Việc Công ty Lạc An trúng thầu hàng loạt công trình nhưng lại thi công một cách "ì ạch" khiến dư luận không khỏi băn khăn đặt câu hỏi, tại sao một đơn vị có năng lực được cho là yếu kém mà lại liên tục trúng thầu? Phải chăng ở đây đã có sự “ưu ái”?