Thí sinh đặc cách tốt nghiệp xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng sư phạm ra sao?

30/07/2021 18:46

Kinhte&Xahoi Bộ GD&ĐT đã có văn bản tổ chức kỳ thi xét tuyển đại học cho thí sinh thuộc diện đặc cách xét tốt nghiệp THPT.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 sẽ diễn ra trong các ngày 6 - 7/8. Theo số liệu thống kê, có khoảng hơn 26.000 thí sinh chưa dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1 nhưng có địa phương không thể tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2.

Ảnh minh họa. Nguồn: Độc Lập

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (ĐH), Bộ GĐ&ĐT Phạm Như Nghệ, nhằm tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho thí sinh đặc cách có thể được xét tuyển vào ĐH, cao đẳng sư phạm, Bộ đã có văn bản và trao đổi trực tiếp, đề nghị hai ĐH Quốc gia tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho các đối tượng này.

Các cơ sở có thể căn cứ vào kết quả thi đánh giá năng lực, học bạ hoặc phương thức khác để xét tuyển, đảm bảo công bằng, khách quan. Phương thức xét tuyển hoàn toàn do các cơ sở  giáo dục ĐH quyết định và chịu trách nhiệm giải trình.

Về chỉ tiêu tuyển sinh, cơ sở giáo dục ĐH phải xác định các vùng tuyển chủ yếu của mình, từ đó, để dành lại số chỉ tiêu đã xác định trong năm 2021, cho từng ngành, từng chương trình đào tạo.

Số chỉ tiêu để lại dự kiến tối thiểu phải tương đương với tỷ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, Cao đẳng sư phạm, phù hợp với đặc điểm ngành đào tạo và yêu cầu của cơ sở đào tạo.

Sau đợt 2 thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT sẽ công khai những thông tin về số thí sinh ở các địa phương, các vùng, làm căn cứ cho các trường tính toán, để lại chỉ tiêu phù hợp. Đối với những ngành có nhu cầu lớn, điểm chuẩn cao, Vụ Giáo dục ĐH tham mưu lãnh đạo Bộ cho phép các trường có thể tuyển đủ chỉ tiêu đã xác định.

Sau khi đã tuyển đủ, các trường được bổ sung chỉ tiêu cho những ngành này, tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ thí sinh đặc cách trên tổng số sinh viên có nguyện vọng xét tuyển ĐH, Cao đẳng sư phạm thuộc khu vực xét tuyển chủ yếu của trường đã xác định.

Ông Nghệ cho rằng, đề xuất này nhằm đảm bảo công bằng, không làm mất đi cơ hội của thí sinh đã dự thi tốt nghiệp THPT và tham gia xét tuyển. Đồng thời, tạo điều kiện cho thí sinh đặc cách tham gia xét tuyển.

Riêng đối với các cơ sở thuộc khối an ninh, quốc phòng, theo Nghị định 99, việc xác định chỉ tiêu vừa đáp ứng quy định của Bộ GD&ĐT vừa tuân thủ quy định riêng của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Dự kiến, hai Bộ này sẽ trực tiếp xác định chỉ tiêu và thông báo cho các trường trong khối an ninh, quốc phòng.

Về chỉ tiêu sư phạm, theo quy định của Luật, Bộ GD&ĐT đã xác định và thông báo chỉ tiêu đào tạo chính quy cho các trường. Phương án dự kiến là các trường được phép tuyển đủ chỉ tiêu theo quy định ngay trong đợt xét tuyển chung tới đây. Sau đó, nếu có thí sinh diện đặc cách đăng ký dự tuyển vào các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, căn cứ báo cáo, Bộ GD&ĐT sẽ bổ sung chỉ tiêu, đáp ứng nhu cầu của các trường.

Để thí sinh đặc cách có cơ hội ngang bằng với thí sinh khác trong xét tuyển ĐH, Cao đẳng sư phạm, Vụ Giáo dục ĐH đề nghị các cơ sở giáo dục ĐH tổ chức xét tuyển riêng cho đối tượng này.

 Như Trường - Pháp luật PLus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/thi-sinh-dac-cach-tot-nghiep-xet-tuyen-vao-dai-hoc-cao-dang-su-pham-ra-sao-d162067.html