Thí sinh hồi hộp bước vào môn thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT

07/07/2022 08:20

Kinhte&Xahoi Sáng nay (7/7), cùng với hơn 1 triệu thí sinh cả nước, gần 98.000 thí sinh Hà Nội bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Hồi hộp, âu lo trước giờ "G"

 Môn thi đầu tiên của thí sinh là môn Ngữ văn. Đây là bài thi tự luận duy nhất trong Kỳ thi, thời gian làm bài là 120 phút, được tính từ 7h35 phút. Ngữ văn cũng là môn duy nhất thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài.

Đến điểm thi từ sớm, Nguyễn Linh Nhi (học sinh Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu) tâm sự: “Hai năm học trực tuyến kéo dài khiến lứa học sinh 2K4 như chúng em gặp không ít khó khăn, có những lúc mắt nhòe đi vì ngồi máy tính quá nhiều. Đây là thời điểm then chốt, có ý nghĩa quyết định 12 năm đèn sách và bao công lao của bố mẹ. Vì vậy, em sẽ nỗ lực hết sức mình để đạt kết quả tốt nhất có thể”.

Thí sinh bước vào môn thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 - môn Ngữ văn, thời gian làm bài 120 phút

Không chỉ xét công nhận tốt nghiệp THPT, kết quả thi còn để xét tuyển vào đại học, cao đẳng, vì vậy em Nguyễn Hoàng Phan (THPT Văn Hiến) không tránh khỏi lo lắng, căng thẳng trước giờ “G”.

Em Phan chia sẻ: “Em cảm thấy tự tin nhất với môn Toán và lo lắng nhất môn Tiếng Anh. Hy vọng đề thi không quá khó”.

Thú nhận bản thân cảm thấy vô cùng run khi chạm chân đến cổng trường thi, em Hoàng Tú Anh (học sinh trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu) cho biết: “Trước đây em không lo lắng như thế nhưng càng gần đến ngày thi, tâm trạng càng thêm căng thẳng. Đêm qua, em trằn trọc mãi không ngủ nổi. Bao kiến thức cũng đã tích lũy thời gian dài rồi, em nghĩ điều mình cần làm nhất lúc này là hít thở thật sâu, giữ tâm trạng bình tĩnh nhất để vượt qua hai ngày thi”.

Đây cũng là suy nghĩ của thí sinh Hoàng Ngọc Linh (trường THPT Cầu Giấy). Linh chia sẻ: “Giữ sức khỏe và tâm lý thật tốt là quan trọng nhất lúc này. Em cố gắng không suy nghĩ quá nhiều đến việc đề sẽ vào phần nào, câu nào mà chủ yếu nắm chắc phương pháp làm bài để áp dụng thật tốt dựa trên bộ đề tham khảo của Bộ”.

Trong buổi sáng ngày thi môn đầu tiên, nhiều phụ huynh cũng dành thời gian đưa con đến điểm thi, động viên tinh thần các sĩ tử. Chia sẻ cảm xúc hồi hộp lẫn âu lo, chị Hồng Nhung (quận Hai Bà Trưng) tâm sự: “hai năm dịch bệnh khiến các con bị hổng kiến thức khá nhiều. Tôi khá lo lắng nên bù đắp bằng đủ cách như cho con học thêm, ôn thi trong giai đoạn nước rút. Khá vất vả, chật vật nhưng không còn cách nào khác khi cả gia đình và cháu đều có nguyện vọng được xét tuyển vào Đại học Ngoại thương”.

Sẵn sàng hỗ trợ thí sinh trong mọi tình huống

 Không chỉ có phụ huynh, thí sinh lo lắng, những ngày này, tại các điểm thi, cả hệ thống chính trị đều vào cuộc với mục đích tổ chức được kỳ thi thành công, nghiêm túc, khách quan, công bằng và tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.

Từ rất sớm, tại 6 điểm thi trên địa bàn quận Ba Đình, lực lượng chức năng, thanh niên tình nguyện đã có mặt sẵn sàng phân luồng đảm bảo an toàn giao thông ở khu vực cổng trường thi, hướng dẫn thí sinh vào điểm thi.

Trong kỳ thi này, 6 điểm thi của quận Ba Đình có 147 phòng thi. Trong đó, có 22 phòng chờ (bổ sung 10 phòng chờ so với hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội để phục vụ thí sinh chờ vào phòng thi và chờ ra về).

100% các điểm thi đều lắp đặt camera giám sát, bố trí khu vực để vật dụng cá nhân các tài liệu và vật dụng bị cấm mang vào phòng thi tại các thùng carton có dãn nhãn phòng thi đảm bảo đúng quy định cách phòng thi tối thiểu 25m.

Thí sinh đến dự thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình)

Còn tại quận Cầu Giấy, tại điểm thi Trường THPT Cầu Giấy, Phó Trưởng điểm thi phụ trách cơ sở vật chất Phạm Thị Xuyến cho biết, điểm thi Trường THPT Cầu Giấy có 26 phòng thi chính thức, 2 phòng thi dự phòng, 2 phòng chờ với 624 thí sinh dự thi. Khu vực để tư trang của thí sinh được bố trí tại phòng thể chất, đảm bảo khoảng cách 25m theo quy định mới của Bộ GD&ĐT.

Trước giờ vào thi, cán bộ giám sát sẽ mang túi đến từng phòng thi để thu tư trang của thí sinh, sau đó mang xuống phòng thể chất bảo quản. Hết giờ thi, sẽ có lực lượng phụ trách bàn giao tư trang lại cho thí sinh, đảm bảo không nhầm lẫn.

Ngoài ra, để ứng phó với tình hình thời tiết có thể có diễn biết bất thường như mưa lớn, ngập lụt gây ùn tắc giao thông tại khu vực cổng điểm thi, trước đó, Ban Giám hiệu trường THPT Cầu Giấy đã làm việc với các lực lượng của chính quyền địa phương như công an, thanh niên tình nguyện…

Các lực lượng này có nhiệm vụ phân luồng giao thông, ứng trực tại hai đầu đường đi vào cổng trường, phụ huynh đưa thí sinh tới đó và các em sẽ đi bộ vào. Nếu xảy ra mưa to, đơn vị đã bố trí hệ thống ô cùng lực lượng thanh niên tình nguyện để che cho thí sinh vào đến phòng thi.

 Một điều đáng chú ý là điểm thi Trường THPT Cầu Giấy có 3 mặt tiếp giáp với nhà dân. Chính vì thế, để đảm bảo an ninh, an toàn, nhà trường đã phối hợp với Ủy ban nhân dân phường Quan Hoa bố trí lực lượng ứng trực tại các địa điểm tiếp giáp. Cửa kính của các phòng thi tại khu vực này cũng đều được dán giấy kín, đảm bảo phía bên ngoài không thể quay, chụp được đề thi.

Ngoài ra, nhằm tăng cường đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, chiều 6/7, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi các Trưởng điểm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cùng Trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã; Hiệu trưởng trường THPT, hiệp quản, phổ thông dân tộc nội trú; Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên yêu cầu bảo đảm công tác tổ chức thi tại các điểm thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, không để xảy ra vi phạm quy chế thi; Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức kỳ thi tại điểm thi; Bảo đảm các quy định phòng, chống dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự, xây dựng phương án tổ chức thi cho các thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Cùng đó, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu Trưởng điểm thi; Trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã; Hiệu trưởng trường THPT, hiệp quản, phổ thông dân tộc nội trú; Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, duy trì liên hệ, thông báo ứng cứu kịp thời khi cần thiết.

Lực lượng chức năng có mặt từ sớm để phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự xung quanh khu vực thi

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo thi các cấp; Phối hợp với Ban Chỉ đạo thi tại địa phương rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn; Chủ động di dời máy móc, thiết bị tổ chức kỳ thi, bài thi, đề thi, hồ sơ coi thi đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để đảm bảo an toàn tuyệt đối; Xây dựng phương án và tạo điều kiện tránh trú an toàn tại chỗ cho thí sinh, cán bộ làm công tác coi thi và người nhà của thí sinh trong điều kiện cho phép.

Các điểm thi không để học sinh phải bỏ thi vì mưa lũ; xây dựng phương án bảo đảm an toàn, chủ động phương án dự phòng tại địa điểm tổ chức kỳ thi; Hướng dẫn thí sinh phương án đảm bảo an toàn đề thi, bài thi trong quá trình làm bài, tránh để nước mưa làm ảnh hưởng đến chất lượng đề thi, bài thi của thí sinh…

Ngọc Minh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thi-sinh-hoi-hop-buoc-vao-mon-thi-dau-tien-ky-thi-tot-nghiep-thpt-200429.html