Thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

19/09/2022 19:33

Kinhte&Xahoi Chủ đề hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay là các ngành, các cấp thành phố Hà Nội đổi mới, sáng tạo, triển khai hiệu quả, toàn diện các lĩnh vực công tác; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật.

Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 241/KH-UBND về tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022.

Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật

Kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật trên địa bàn Thành phố (ngày 9/11/2022), góp phần đưa việc học tập, tìm hiểu pháp luật, tuân thủ pháp luật trở thành công việc tự thân, thói quen hằng ngày của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVCLĐ) trên địa bàn Thành phố, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội về tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.

Hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2021 của Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sơn Tây.

Đồng thời, thu hút sự tham gia, thực hiện của các cơ quan, tổ chức, nhân dân trong các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật; đẩy mạnh việc thực hiện đồng bộ, toàn diện Ngày Pháp luật thường xuyên, liên tục, thiết thực, hiệu quả với các hoạt động, chủ đề phù hợp, bám sát nhiệm vụ trọng tâm và những vấn đề được dư luận quan tâm, trở thành nhiệm vụ thường xuyên. Qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của CBCCVCLĐ và nhân dân Thủ đô trong chủ động học tập, tìm hiểu, tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật.

Chủ đề hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay là các ngành, các cấp thành phố Hà Nội đổi mới, sáng tạo, triển khai hiệu quả, toàn diện các lĩnh vực công tác; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế; góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.

UBND Thành phố cũng lưu ý, căn cứ điều kiện thực tiễn và nhiệm vụ chính trị, các hoạt động hưởng ứng cần lựa chọn nội dung pháp luật để thông tin, phổ biến thiết thực, phù hợp.

Trong đó, tập trung vào giáo dục ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội; nâng cao ý thức trách nhiệm của CBCCVCLĐ và nhân dân trong chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật.

Tuyên truyền nội dung cơ bản của các luật, pháp lệnh, văn bản mới ban hành có hiệu lực năm 2021, năm 2022; các chính sách đề xuất xây dựng sửa đổi Luật Thủ đô; các dự thảo chính sách, quy định của pháp luật của Trung ương và Thành phố có nội dung liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; những vấn đề dư luận người dân, xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, vấn đề nóng trong xã hội.

Trọng tâm là các lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải cách hành chính; bảo vệ môi trường; đất đai; thí điểm mô hình chính quyền đô thị của Thành phố, chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến, trật tự văn minh đô thị, vệ sinh môi trường, trật tự xây dựng và đô thị, an toàn vệ sinh thực phẩm, lao động; đầu tư; khiếu nại, tố cáo; đất đai; phòng, chống cháy nổ, phòng, chống tác hại của rượu bia, thuốc lá; an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội, an sinh xã hội...

Lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp

UBND Thành phố giao các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương căn cứ tình hình, điều kiện thực tế, chủ động lựa chọn hình thức tổ chức Ngày Pháp luật phù hợp, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Trong đó, tập trung vào các hình thức như: PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng/Trang thông tin điện tử và hệ thống loa truyền thanh cơ sở, mạng viễn thông, mạng xã hội; thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tọa đàm giao lưu, đối thoại chính sách, pháp luật; lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hoặc hình thức khác phù hợp với địa phương.

Thông qua tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật, các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực xây dựng, phát hiện, nhân rộng mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ chính trị tại đơn vị, địa phương mình.

Trong đợt cao điểm tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật, các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương tổ chức hoạt động tọa đàm, giao lưu, đối thoại chính sách - pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí... cho CBCCVCLĐ, nhân dân và doanh nghiệp.

Tổ chức treo băng rôn, pa-no, áp phích tại những tuyến đường chính, các phố trung tâm, trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học, địa điểm công cộng để truyền thông, phổ biến rộng rãi về Ngày Pháp luật Việt Nam. Xây dựng banner hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trên Cổng/Trang Thông tin điện tử tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Bên cạnh tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật, Thành phố sẽ tổng kết, đánh giá, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, 10 năm thực hiện Luật PBGDPL; khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, tuyên truyền, PBGDPL, vận động nhân dân tuân thủ, chấp hành chính sách, pháp luật.

Kế hoạch nêu rõ, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam cần tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, đặc biệt cao điểm từ thời điểm ban hành Kế hoạch này đến hết tháng 11/2022, trọng tâm bắt đầu từ ngày 15/10/2022 đến ngày 15/11/2022.

 H.L- LĐTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://laodongthudo.vn/thu-hut-cac-to-chuc-ca-nhan-tham-gia-huong-ung-ngay-phap-luat-viet-nam-146216.html