Thực hiện linh hoạt, sáng tạo việc phát triển Đảng trong doanh nghiệp

14/06/2022 19:44

Kinhte&Xahoi Sáng 14/6, Ban Chỉ đạo TP thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU đã tổ chức Hội nghị khảo sát, đánh giá tình hình hoạt động của 5 Đảng ủy khối DN trực thuộc các quận, huyện gồm: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Hoài Đức và Quốc Oai.

Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong – Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo.

Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị.

Bám sát mục tiêu, chỉ tiêu trong thực hiện

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/2/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các DN ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2020-2025”, các quận, huyện đã nghiêm túc tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện tới cán bộ, đảng viên. Công tác xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện đã bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và đặc điểm tình hình của địa phương. Các tổ chức Đảng trong DN ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn quận, huyện nhìn chung đều hoạt động ổn định, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tổ chức Đảng trong DN. Công tác xây dựng tổ chức Đảng, công tác đảng viên, lãnh đạo các đoàn thể được quan tâm. Công tác củng cố, kiện toàn, thành lập mới các tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN ngoài Nhà nước cũng được quan tâm.

Điển hình, tại quận Bắc Từ Liêm, trong 6 tháng đầu năm 2022, quận đã khảo sát 5 DN và trường học tư thục trên địa bàn. Sau rà soát, có 3 DN đủ điều kiện thành lập tổ chức Đảng. Quận đã hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ đề nghị thành lập tổ chức Đảng trong DN ngoài khu vực Nhà nước đối với 2 DN (đạt 66,7% chỉ tiêu giao). Quận phát triển được 15 đảng viên mới trong các DN ngoài khu vực Nhà nước (đạt tỷ lệ 60%). Dự kiến, trong quý II/2022, sẽ thành lập mới thêm 1 tổ chức Đảng đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu Thành uỷ giao.

Tại huyện Hoài Đức, hiện có 51 tổ chức Đảng trong DN ngoài khu vực Nhà nước với 443 đảng viên. Số lượng DN ngoài khu vực Nhà nước không ngừng tăng về số lượng. Từ năm 2018 đến nay, Đảng ủy khối DN của huyện đã thành lập được 6 tổ chức Đảng và cử 96 quần chúng ưu tú tham gia lớp đối tượng nhận thức về đảng, xét đề nghị kết nạp đảng viên mới đối với 39 quần chúng ưu tú.

Còn tại quận Tây Hồ, trong 7 năm qua, đã vận động thành lập được 22 tổ chức Đảng. Trong đó, có 10 chi bộ Công ty CP, 3 chi bộ Công ty TNHH, 2 chi bộ Hợp tác xã, 2 chi bộ trường học, 2 chi bộ trung tâm, viện nghiên cứu, 1 chi bộ bệnh viện và 2 hiệp hội. Đồng thời, tiếp nhận 6 chi bộ do các Đảng uỷ khối DN, công nghiệp của TP bàn giao.

Đối với quận Nam Từ Liêm, từ khi thành lập Đảng bộ khối DN của quận vào năm 2015 đến nay đã thành lập được 22 tổ chức đảng ở DN ngoài khu vực Nhà nước và tiếp nhận 20 tổ chức về Đảng bộ đưa tổng số chi bộ trực thuộc Đảng bộ lên 54 chi bộ. Đồng thời, đã kết nạp được 171 đảng viên mới. Ngoài ra, từ năm 2017 đến nay, Đảng ủy đã ra quyết định giải thể 4 chi bộ do không đủ đảng viên và chuyển đổi địa điểm sản xuất, kinh doanh…

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo phát biểu tại hội nghị

Tạo mọi điều kiện thuận lợi trong thành lập tổ chức đảng

Chia sẻ với các quận, huyện về những khó khăn, thách thức trong công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể trong các DN ngoài khu vực Nhà nước khi các DN luôn biến động, Trưởng Ban Tổ chức thành ủy Vũ Đức Bảo đề nghị, các địa phương quan tâm củng cố các tổ chức cơ sở đảng yếu kém, chú trọng việc sinh hoạt chi bộ trong các DN để qua đó giúp nâng cao chất lượng đảng viên. Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các DN thực hiện tốt công tác phát triển đảng theo phương châm “thành lập tổ chức đảng phải duy trì hoạt động”. Trong đó, chú trọng duy trì các cuộc đối thoại hàng năm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể trong các DN ngoài khu vực Nhà nước là công việc rất khó nên đòi hỏi sự kiên trì, thường xuyên, liên tục của các địa phương.

Nhấn mạnh tỷ lệ đảng viên được kết nạp trong các DN ngoài khu vực Nhà nước vẫn còn thấp, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị các địa phương cần tiếp tục vượt qua khó khăn để triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU một cách hiệu quả. Phát huy các kinh nghiệm, thành công để triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU linh hoạt, sáng tạo. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho các DN ngoài khu vực Nhà nước có thành lập tổ chức đảng.

“Riêng đối với các DN ngoài khu vực Nhà nước cần được các địa phương hỗ trợ về mặt thông tin, tài liệu sinh hoạt Đảng phù hợp với mô hình hoạt động. Có thể hàng quý hoặc 6 tháng một lần cần có thêm các tài liệu chia sẻ kinh nghiệm thành công của các DN khác trong phát triển đảng để nhiều DN khác hiểu và thực hiện” – Phó Bí thư Thành ủy đề nghị.

Đối với các cơ quan báo chí của TP, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị cần có nhiều tin, bài thường xuyên, liên tục về công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể trong các DN ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội. Đồng thời, các địa phương có thể thiết kế “sổ tay Đảng viên”, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng và quản lý đảng viên. Các cấp ủy, chính quyền cần quan tâm hơn nữa đến việc phát triển các tổ chức đoàn và công đoàn trong các DN ngoài khu vực Nhà nước nhằm tạo nguồn cho công tác phát triển đảng.

“Công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể trong các DN ngoài khu vực Nhà nước là việc khó thì chúng ta phải bố chí cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng được yêu cầu công việc. Về phía TP sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ lực lượng cộng tác viên của các địa phương tham gia công tác này”- Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

 Trần Long - KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/thuc-hien-linh-hoat-sang-tao-viec-phat-trien-dang-trong-doanh-nghiep.html