Thưởng Tết Nhâm Dần ngang bằng hoặc thấp hơn năm trước

17/01/2022 07:26

Kinhte&Xahoi Bộ LĐTB&XH chưa công bố chính thức tiền lương, thưởng Tết năm nay trên cả nước, dù hạn cuối cùng để các tỉnh báo cáo về là 29/12/2021. Các công bố gần đây cho thấy năm qua, doanh nghiệp dân doanh và FDI vẫn là hai khu vực dẫn đầu về mức thưởng cao nhất dịp Tết Âm lịch, ghi nhận tiền tỷ ở TP HCM và Đà Nẵng.

Ảnh minh họa.

Lần đầu tiên, Đà Nẵng ghi nhận mức thưởng Tết cao nhất hơn 1,4 tỷ đồng thuộc về lao động trong Công ty công nghệ thông tin.

So với năm trước, mức thưởng Tết của người lao động ở Hà Nội giảm nhẹ, một số đơn vị khó khăn chưa có dự kiến thưởng. Thưởng cao nhất trong các khối doanh nghiệp (DN) nhà nước và Công ty góp vốn chi phối của Nhà nước lần lượt đạt 23 và 28,5 triệu, giảm so với mức thưởng năm ngoái là 30 triệu đồng.

Tại TP HCM, nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của đợt dịch kéo dài, lao động nhận thưởng bình quân 8,8 triệu đồng, tương đương Tết Tân Sửu. Mức thưởng cao nhất xấp xỉ 1,3 tỷ đồng thuộc về cá nhân làm việc trong khối FDI.

Hơn 500 DN (chiếm 50%) trong tổng số đơn vị báo cáo thưởng Tết gặp khó khăn chi thưởng cuối năm cho lao động do sản xuất ngưng trệ, đơn hàng giảm. Tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm... vẫn là nhóm ngành có thưởng Tết hấp dẫn. Các DN quy mô nhỏ, sử dụng lao động giản đơn có mức thưởng thấp hơn.

Nhiều DN bù đắp cho người lao động bằng các phần quà như gạo, mứt, bánh kẹo Tết, phiếu mua hàng, tổ chức xe đưa đón công nhân về quê. Một số DN lên kế hoạch tất niên, thăm hỏi người lao động nghèo khó, tổ chức đón Tết cho lao động xa quê không về nhà. Có DN kết hợp giải quyết nghỉ phép trong năm để lao động có thêm thời gian về nhà đón Tết.

Tại Đồng Nai, địa phương có 1,2 triệu công nhân đang làm việc, khoảng 1.000 DN (chiếm 50% số đơn vị có báo cáo) thưởng Tết bằng hoặc thấp hơn năm ngoái, chủ yếu là một tháng lương. Mức thưởng Tết cao nhất xấp xỉ 800 triệu thuộc về giám đốc DN FDI; mức thấp nhất là 1,75 triệu đồng.

Khu vực phía Bắc ít chịu tác động hơn của dịch bệnh và các đợt cách ly xã hội kéo dài, song cũng ghi nhận thưởng Tết tại Hà Nội giảm nhẹ so với năm trước, một số đơn vị khó khăn chưa có kế hoạch. Mức thưởng cao nhất tương đương năm ngoái với 400 triệu đồng trong DN dân doanh. Người lao động nhận thưởng từ 3,2 - 4,2 triệu đồng.

Tại Bắc Giang, gần 280 DN báo cáo có kế hoạch thưởng Tết Âm lịch, cao nhất gần 228 triệu đồng trong khối FDI; thấp nhất 100 ngàn đồng.

Theo lãnh đạo Sở LĐTB&XH Bắc Giang, DN phải gánh chi phí chống dịch, xét nghiệm định kỳ, song vẫn duy trì mức tiền lương và một số khoản hỗ trợ như tiền ăn, tiền nhà ở, trợ cấp đi lại, thuê xe đưa đón công nhân... như trước khi xảy ra dịch. Người lao động trên địa bàn nhận thưởng bình quân 5,2 triệu đồng, không biến động nhiều so với năm ngoái.

Tiền thưởng Tết không phải là khoản “cứng” quy định trong Bộ luật Lao động, song được người lao động mong chờ, lại trở thành áp lực chung với DN năm nay trong bối cảnh các đợt dịch nối tiếp nhau và kéo dài, sản xuất gián đoạn.

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh nhận định thưởng Tết Nhâm Dần khó đột biến, sẽ ngang bằng thậm chí thấp hơn năm trước. Sau hai năm chịu tác động của dịch, các nguồn dự phòng của nhiều DN đã cạn kiệt. Nhiều đơn vị kinh doanh thua lỗ hoặc lãi không đáng kể, phải xoay sở trả lương đầy đủ cho lao động, nên khoản thưởng Tết lại càng áp lực hơn.

Theo ông Thanh, ngoài thưởng Tết thì DN cần linh hoạt trong chính sách để giữ chân lao động, như hỗ trợ thêm tiền vé tàu xe, máy bay, lì xì, thậm chí đưa đón công nhân về nhà, để sau Tết họ sớm trở lại nhà máy. Phía Bộ sẽ thúc đẩy chương trình phục hồi thị trường lao động, như hỗ trợ chi phí sinh hoạt tối thiểu, đi lại, y tế, hỗ trợ tiền mặt trực tiếp hoặc sắp xếp nơi ở tạm thời... thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc.

Tết Nguyên đán 2021, hơn 30.000 DN cả nước có báo cáo thưởng Tết, ghi nhận mức bình quân của người lao động khoảng 6,36 triệu đồng, bằng 95% so với năm trước đó, do lần đầu chịu ảnh hưởng của dịch.

 Văn Sơn - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

TAB & Tomochain đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc cách mạng chuyển đổi số Quốc Gia

Ngày 15/06/2021 Thủ tướng chính phủ ký quyết định 942/QĐ-TTg, trong đó mục i - phát triển ứng dụng, dịch vụ số nằm trong Nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành, Địa phương và mục đích (Nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain)) - Nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ lõi nằm trong phần Giải pháp đều cho rằng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một trong những công nghệ lõi quan trọng mà nhà nước và doanh nghiệp phải kịp thời cập nhật, nắm bắt và làm chủ.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thuong-tet-nham-dan-ngang-bang-hoac-thap-hon-nam-truoc-d174956.html