Tiền của khách hàng bốc hơi ngay tại OCB: Xuất hiện thêm nhiều nạn nhân

29/05/2020 10:08

Kinhte&Xahoi Như nội dung đã phản ánh trong bài viết “Tiền của khách hàng bốc hơi ngay tại Hội sở, Ngân hàng OCB phủi trách nhiệm! ” đăng ngày 29/04/2020, Toà soạn TTV24 đã liên tục nhận được đơn thư kêu cứu của rất nhiều khách hàng gửi về tương tự như trường hợp của bà Huỳnh Tuyết Hằng.

Bổn cũ soạn lại…

Điển hình như trường hợp của bà M.P.Đ.A, ngụ huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh; bà rất hoang mang bởi không ngờ cũng có người rơi vào cùng cảnh ngộ như mình.

Trong đơn bà M.P.Đ.A trình bày rõ toàn bộ nội dung sự việc, khi TTV24 đối chiếu thì thấy các diễn biến các vụ việc giống hệt nhau. Các nạn nhân đều tin tưởng Vũ Phạm Phương Thảo bởi biết chắc đây là nhân viên của ngân hàng và giữ chức Trưởng bộ phận Trung tâm xử lý giao dịch tín dụng, hơn nữa mọi thủ tục đều được tiến hành ở Ngân hàng; các chữ ký, mộc dấu đều thể hiện rõ là của OCB. Sau khi vụ việc bị phát hiện Ngân hàng OCB đều làm động tác hướng khách hàng đi tố cáo cá nhân, nhằm dẫn dắt vụ việc theo kiểu “OCB hoàn toàn không liên quan gì” !

Mặc dù thông báo của Bộ phận pháp chế Ngân hàng thông báo toàn bộ giấy tờ trên là giả, nhưng trên sao kê do bà M.P.Đ.A cung cấp thì thể hiện chi tiết thu tiền phí xác nhận số dư trích từ tài khoản vào ngày 7/03/2017 và thu phí báo mất sổ tiết kiệm vào ngày 17/04/2017.

Cụ thể, năm 2013 đồng nghiệp nơi bà M.P.Đ.A làm việc có giới thiệu cho biết Ngân hàng OCB đang huy động tiền gửi tiết kiệm có lãi suất ưu đãi. Sau đó, nhờ giới thiệu, bà M.P.Đ.A biết đến Vũ Phương Thảo.

Sau đó Thảo liên lạc và hẹn bà tới Ngân hàng OCB tại địa chỉ 2-4-6 Đoàn Nhữ Hài, Phường 12, Quận 4, Tp. Hồ Chí Minh. Hôm đó là vào tháng 02/2013, bà M.P.Đ.A gặp Thảo tại địa chỉ trên và làm một số giấy tờ. Thảo kêu bà M.P.Đ.A đến quầy giao dịch để nộp 500 triệu đồng vào ngân hàng và nói “chị về đi có gì em sẽ mang hợp đồng giao cho chị tại cơ quan.”

Ngay sau hôm đó, Vũ Phương Thảo đến cơ quan và giao cho bà M.P.Đ.A hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn số 0111100001249006. Mỗi lần đáo hạn thì Ngân hàng tất toán lãi và gốc vào tài khoản của bà M.P.Đ.A tại Ngân hàng Vietcombank. Sau đó bà tiếp tục gửi kỳ hạn 3 đến 6 tháng, vì nghe mọi người giới thiệu Thảo là Trưởng bộ phận trung tâm xử lý tín dụng của Ngân hàng OCB nên lại càng an tâm về sự nhiệt tình và uy tín của ngân hàng nên gia đình bà lại gửi tiết kiệm tại Ngân hàng OCB nhiều hơn. Mỗi lần đáo hạn như thế thì Thảo chạy đến nơi bà M.P.Đ.A làm việc, trao hợp đồng tiền gửi 02 bản chính, bà M.P.Đ.A giữ 1 bản và giao giao lại cho Thảo 1 bản để cầm về lưu lại ngân hàng. Việc này kéo dài cũng rất lâu.

Vào ngày 07/09/2016, bà M.P.Đ.A có ghé vào Ngân hàng OCB Chi nhánh Quận 7 và kiểm tra thông tin, thì được nhân viên tư vấn thông báo số điện thoại đăng ký trên thông tin của bà là 0904XXX777. Bà M.P.Đ.A thấy số lạ quá nên đề nghị đổi lại số điện thọai của mình là 0909xxx458.

Đến tháng 05/2017 bà M.P.Đ.A nhận được mật khẩu OTP và Thảo có kêu cung cấp để cắt tiền làm hợp đồng tiết kiệm. Vì tin tưởng nên bà đã gửi OTP cho Thảo và sau đó bị trừ số tiền tương ứng với số tiền trên hợp đồng gửi Ngân hàng. Các giao dịch đều đặn sau 3 đến 6 tháng đáo hạn.

Tuy nhiên, cuối tháng 7/2018 đến hạn nhận gốc và lãi tiền gửi, Thảo cứ trì hoãn việc thanh toán.  Ngày 6/08/2018 nhờ người quen cho số điện thoại của ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng pháp chế Ngân hàng OCB, bà đã nói  chuyện, trình bày sự việc và được thông báo Thảo đã nghỉ việc, đề nghị bà đem hồ sơ lên Hội sở OCB 41 – Lê Duẩn để báo cáo sự việc.

OCB lại đẩy trách nhiệm của tổ chức thành “trách nhiệm cá nhân”

Ngày 07/08/2018 bà M.P.Đ.A mang theo giấy tờ lên Hội sở Ngân hàng OCB 41- Lê Duẩn gặp ông Hải và được thông báo tất cả giấy tờ trên đều là giả và hướng dẫn bà đi tố cáo Thảo.

Với tâm lý hoang mang khi mất tiền, ngày 08/08/2016 bà M.P.Đ.A theo hướng dẫn của OCB, làm đơn tố cáo Thảo lên PC02 thay vì PC03. Hơn 1 tháng sau, cán bộ PCO2 gọi bà M.P.Đ.A lên để viết tường trình về quá trình gửi tiền tại Ngân hàng và giao dịch với Thảo. Từ thời điểm đó đến nay vẫn không thấy thông báo kết quả điều tra.

Bà M.P.Đ.A đã liên hệ với Ngân hàng OCB Chi nhánh Nguyễn Chí Thanh để sao kê và được cung cấp toàn bộ thông tin từ khi mở tài khoản và giao dịch. Tuy nhiên, theo đối chiếu trên sao kê thì phát hiện ra việc đổi số điện thoại vào ngày 7/9/2016 diễn ra tại Chi nhánh Quận 7, nhưng ở đây lại hiển thị Phòng giao dịch Quận 5 – Đào Duy Từ. Ngoài ra vào 7/03/2017 bà M.P.Đ.A có đề nghị xác nhận số dư để cung cấp cho bên làm hồ sơ đi du lịch. Trong hệ thống của Ngân hàng OCB cũng có thu tiền phí xác nhận số dư trích từ tài khoản.

Đến ngày 17/04/2017, trong lúc đi phỏng vấn du lịch bà M.P.Đ.A đã làm mất sổ tiết kiệm. Sau đó bà có báo cho Thảo về sự việc trên, tuy nhiên bà không hề lên Ngân hàng OCB để báo mất sổ và xin cấp lại. Nhưng không hiểu vì sao trong sao kê vẫn thể hiện “thu phí báo mất sổ tiết kiệm 11.000.000 VNĐ”? Vậy ai là người đã làm thủ tục báo mất sổ tiết kiệm? Theo như quy định của ngành ngân hàng mọi giao dịch, thay đổi thông tin cá nhân đều phải trực tiếp do chủ tài khoản thực hiện.

Số tiền mà gia đình bà M.P.Đ.A bị bốc hơi là 890 triệu tại Ngân hàng OCB. Bà đã lên Ngân hàng để khiếu nại và tố cáo thì được Ngân hàng OCB hướng dẫn lên Công an để tố cáo Vũ Phương Thảo như trường hợp của bà Huỳnh Tuyết Hằng được TTV24 đăng ngày 29/04/2020.

Theo như sao kê tài khoản ngày 05/05/2020 do Phòng giao dịch Châu Văn Liêm, Chi nhánh Phú Lâm, Ngân hàng OCB cung cấp thể hiện rõ các mốc thời gian giao dịch tài khoản M.P.Đ.A từ 01/2015 – 11/03/2019.

Tuy nhiên, theo CV số 44A ngày 06/05/2020 của Ngân hàng OCB Chi nhánh Quận 4 do ông Bùi Đức Quốc – Giám đốc TT Bán lẻ – Chi nhánh Quận 4, kÝ đã phủ nhận bà M.P.Đ.A là khách hàng của OCB!

Phòng giao dịch Châu Văn Liêm, Chi nhánh Phú Lâm, Ngân hàng OCB và Ngân hàng OCB Chi nhánh Quận 4 đều thuộc hệ thống của Ngân hàng TMCP Phương Đông tại sao lại có kiểu trống đánh xuôi kèn thổi ngược?

Sao kê “bên trái” do PGD Châu Văn Liêm – Ngân hàng OCB xác nhận thể hiện rõ nội thời gian giao dịch và nội dung cụ thể tài khoản của bà M.P.Đ.A. Công văn “bên phải” do Ngân hàng OCB – CN Quận 4 trả lời với nội dung phủ nhận Bà M.P.Đ.A không phải là khách hàng của OCB!

Từ khi khách hàng là bà M.P.Đ.A trình báo sự việc cho đến nay đã là hai năm nhưng Cơ quan chức năng vẫn chưa có câu trả lời và ngân hàng vẫn thản nhiên chuyển trách nhiệm cho cá nhân. Sự việc liên quan đến hàng loạt khách hàng bị mất tiền liệu thực sự một cá nhân có thể thao túng toàn bộ quá trình hay không hay có sự móc nối giữa nhân viên và một số cán bộ ngân hàng? Bởi không thể nào một cá nhân có thể qua mặt của một hệ thống an ninh, kiểm soát và ban lãnh đạo của một ngân hàng trong một thời gian dài và có tính hệ thống như thế này.

Theo thông tin mà TTV24 nắm được, thì có trên 10 trường hợp bị mất tài sản khi tham gia mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng OCB với một khối lượng tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần sớm xác minh làm rõ vụ việc, trả lại quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho các khách hàng trên và đồng thời  tạo sự yên tâm cho các khách hàng đang gửi và chuẩn bị gửi tại hệ thống Ngân hàng trên.

Sỹ Công – Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc https://ttv24.vn/tien-cua-khach-hang-boc-hoi-ngay-tai-ocb-xuat-hien-them-nhieu-nan-nhan/