Tiếp tục phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Xòe Thái

25/09/2022 09:13

Kinhte&Xahoi Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Điều này cũng đặt ra trách nhiệm cho các cấp, ngành và cộng đồng cần phải phát huy và bảo tồn để di sản này lan tỏa và trường trồn mãi mãi.

Xòe Thái - niềm tự hào của dân tộc

 Tối 24/9, Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Chang Chải năm 2022 đã được UBND tỉnh Yên Bái tổ chức trọng thể.

Tham dự sự kiện có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; cùng các đại biểu quốc tế gồm bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam; đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam; Ông Sẻng – Phết Hùng – Bun – Nhuông, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và phu nhân cùng đại diện các Bộ, ban, ngành và đông đảo nhân dân, du khách.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ vinh danh Nghệ thuật Xòe Thái

Phát biểu khai mạc, ông Trần Huy Tuấn, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: “Nghệ thuật Xòe Thái” là hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần, được hình thành và phát triển cùng với cộng đồng người Thái; phản ánh sự đa dạng văn hóa, mang thông điệp về sự cởi mở, thân thiện, đoàn kết; là sợi dây gắn kết cộng đồng - cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở khu vực Tây Bắc.

Ông Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái phát biểu tại buổi lễ

Tại Kỳ họp lần thứ 16 (tháng 12/2021) của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO đã chính thức ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” của Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO hôm nay là dịp để chúng ta tôn vinh di sản với sức sống mãnh liệt; tôn vinh và tri ân những nỗ lực thầm lặng, bền bỉ của cộng đồng và lớp lớp nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản; Đồng thời thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại” - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nhấn mạnh.

Nghệ thuật Xòe Thái là một loại hình vũ đạo của Việt Nam với những động tác biểu tượng cho các hoạt động của con người và được thực hành trong nghi lễ, văn hóa, đời sống và công việc. Xòe được trình diễn trong các nghi lễ, đám cưới, lễ hội truyền thống và các hoạt động của cộng đồng.

Có 3 loại hình Xòe: Xòe nghi lễ, Xòe vòng và Xòe trình diễn. Xòe nghi lễ và Xòe trình diễn được gọi theo tên các đạo cụ sử dụng như: Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe hoa... Xòe vòng phổ biến nhất, là màn đồng diễn mà người Xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người.

Các động tác múa cơ bản của Xòe là tay giơ lên cao, mở ra, hạ xuống, nắm tay người bên cạnh cùng bước chân nhịp nhàng. Người hơi ưỡn ngực, lưng ngả về phía sau. Mặc dù các động tác múa đơn giản nhưng biểu trưng cho khát vọng về sức khỏe và hòa hợp của cộng đồng.

Những động tác múa uyển chuyển hòa với âm nhạc của các nhạc cụ như tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm chọe, pí pặp, bẳng bu, mák hính. Những nhạc cụ cùng với bài hát, trang phục áo cóm, âm thanh phát ra từ trang sức bạc đeo quanh thắt lưng của người phụ nữ Thái.

Đại diện các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Xòe được thực hành tại các bản của người Thái chủ yếu ở 4 tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên. Trung tâm của Xòe có thể được coi ở Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Mường Lay và thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên), Thuận Châu (Sơn La).

Xòe Thái được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình, các đội văn nghệ, trường học và trở thành biểu tượng của lòng hiếu khách và như là một dấu ấn văn hóa quan trọng của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam.

Chia sẻ cảm xúc tại buổi lễ long trọng này, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam đánh giá cao nghệ thuật Xòe Thái. Đó là một nghệ thuật đặc biệt “trong trái tim mọi người” và “mang tính hòa nhập cao”vìbất kỳ ai cũng có thể tham gia vào điệu múa này bất kể giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp hoặc địa vị xã hội”.

Ngoài ra, theo Điều phối viên Thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam, sự kiện này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của sự đa dạng và tự do thực hành văn hóa của mỗi người dân trên đất nước Việt Nam, đồng thời chia sẻ niềm tự hào rằng: “Điệu múa này không chỉ được vinh danh vì những khán giả có mặt ở đây, hoặc vì cộng đồng người Thái, mà vì toàn thế giới bởi đây là một biểu hiện độc đáo của sự sáng tạo văn hóa đa dạng của nhân loại” - bà Pauline Tamesis nói.

Trách nhiệm bảo tồn - gìn giữ

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, sự kiện UNESCO ghi danh di sản nghệ thuật xòe Thái là niềm tự hào của các tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu trong nhiều năm qua đã gìn giữ, bảo tồn, sáng tạo, bồi đắp trao truyền, phát huy giá trị nghệ thuật Xòe Thái bằng tâm huyết, trí lực, sự bền bỉ, kiên trì của bao thế hệ.

“Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào đối với mỗi chúng ta nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề của các cấp, các ngành, các địa phương, các thế hệ nghệ nhân dân gian và cộng đồng dân tộc Thái” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự buổi lễ

Một lần nữa, Thủ tướng nhấn mạnh, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã khẳng định: “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”. Việt Nam là một trong những quốc gia có nền văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc với những đặc trưng riêng có của từng dân tộc, từng vùng miền.

Để tiếp tục tạo sức sống mới, lan tỏa mạnh mẽ giá trị của nghệ thuật Xòe Thái, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chính quyền, nhân dân và cộng đồng người Thái ở các tỉnh Tây Bắc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp triển khai nghiêm túc, hiệu quả “Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Xòe Thái” theo đúng cam kết với UNESCO, để những lời ca, âm nhạc của các điệu Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe gậy, Xòe hoa... tiếp tục được trao truyền qua các thế hệ, được nuôi dưỡng và lan tỏa mạnh mẽ ra cộng đồng.

Những màn trình diễn nghệ thuật Xòe Thái tại buổi lễ

Theo Thủ tướng, giá trị cao đẹp của nghệ thuật Xòe Thái cần được bảo tồn, phát huy không chỉ trong nước mà còn quốc tế: "Chúng ta cần nhận thức rõ đây là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng thời có hành động ứng xử xứng tầm.

Các cấp, các ngành có liên quan cần có chương trình truyền thông, quảng bá mạnh mẽ, cần vượt qua biên giới Việt Nam để nghệ thuật này mãi mãi trường tồn và đời đời bền vững; để thế giới biết đến nhiều hơn, yêu quý, trân trọng và kết nối chặt chẽ, hiệu quả hơn với đất nước, con người Việt Nam".

Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp thiết thực, cụ thể để giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống của các dân tộc nói chung và Xòe Thái nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với văn hóa, con người và lịch sử, góp phần đưa di sản thành tài sản, biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý: Hãy cùng nhau dành sự quan tâm xứng đáng đối với đời sống mọi mặt của các nghệ nhân am hiểu và tâm huyết với di sản; đồng thời, tạo các điều kiện thuận lợi về môi trường diễn xướng để thực hành Xòe Thái phù hợp với các điều kiện phát triển mới của đất nước.

Màn kết ấn tượng của buổi Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Nhân dịp này, chuỗi sự kiện triển lãm, các lễ hội sẽ diễn ra liên tục từ nay đến trung tuần tháng 10/2022 tại thành phố, thị xã, huyện của tỉnh Yên Bái nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa, thu hút khách du lịch trong và nước đến với địa phương, cụ thể:

- Lễ hội giã Cốm vào ngày 25/9/2022 tại xã Tú Lệ.

- Hành trình chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, Tà Xùa vào 25/9 tại sân vận động trung tâm huyện Trạm Tấu.

- Ngày hội văn hoá các dân tộc Trạm Tấu diễn ra ngày 1/10/2022 tại Sân vận động trung tâm huyện Trạm Tấu.

- Lễ hội Gầu Tào vào trung tuần tháng 12/2022.

- Lễ hội hóa trang chào năm mới vào tháng 12/2022.

- Lễ hội Bưởi Đại Minh và Khám phá danh thắng quốc gia hồ Thác Bà từ ngày 4/11 - 6/11/2022; khai mạc 19h30’ ngày 05/11/2022.

- Lễ hội Quế Văn Yên lần thứ IV từ ngày 13/10 - 17/10/2022, khai mạc 20h00 ngày 14/10/2022.

- Chương trình du lịch “Về miền đất Ngọc” vào ngày 02 - 04/12/2022 tại thị trấn Yên Thế. 

Thái Sơn - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tiep-tuc-phat-huy-gia-tri-cua-di-san-van-hoa-phi-vat-the-nghe-thuat-xoe-thai-206525.html