Tin huyện lên quận, ăn theo siêu dự án đẩy giá đất ven đô

03/01/2020 10:48

Kinhte&Xahoi Mặc dù chưa biết dự án thành phố thông minh tròn méo ra sao nhưng nhiều người dân có đất kỳ vọng sau khi dự án đi vào triển khai, giá bất động sản theo đó tăng lên.

Thông tin về dự án xây dựng thành phố thông minh tại Đông Anh đã xuất hiện từ năm trước. Phải tới tháng 10/2019, liên danh Tập đoàn BRG và đối tác Nhật Bản mới chính thức động thổ dự án gần 4,2 tỷ USD này.

Dự án có diện tích 272 ha tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ, huyện Đông Anh. Dự án được lập dựa trên quy hoạch đô thị thông minh dọc trục Nhật Tân - Nội Bài, chiều dài khoảng hơn 11km, từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài, dự kiến hoàn thành toàn bộ 5 giai đoạn vào năm 2028.

Đất nền ven đô sốt nóng

Sự xuất hiện của “Thung lũng Silicon Việt Nam” với mức đầu tư 10.000 tỷ trong tương lai gần, hứa hẹn khu vực Đông Anh sẽ trở thành nơi tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt kì vọng sẽ thu hút được các doanh nghiệp, nhà khoa học trong nước và quốc tế tới và làm việc. Cùng với thông tin Đông Anh chuẩn bị lên quận, thị trường bất động sản tại đây đang nóng lên từng ngày.

Theo khảo sát, các khu vực có mức tăng rõ rệt nằm tại đoạn sau cầu Thăng Long và đoạn đường 5 kéo dài qua sông Hồng với các tâm điểm là Kim Chung, Hải Bối và Đông Hội. Tại xã Vĩnh Ngọc, ngay chân cầu Nhật Tân, đối diện đoạn 4 (khu vực quy hoạch thành phố thông minh), theo tìm hiểu, giá đất tại đây hiện cũng khá cao. Giá đất mặt đường có vị trí đẹp lên tới 200 triệu đồng/m2.

Sự xuất hiện hai đại dự án của Vingroup là Vinhomes Ocean Park tại Gia Lâm và Vinhomes Smart City đã khiến cho đất nền các khu vực lân cận tăng nóng. Tại An Đào, Đa Tốn, Kiêu Kị, Dương Xá,... khu vực nằm trong bán kính từ 1-3km của dự án Vingroup, giá đất nền ở những vị trí xấu, trong ngõ sâu, ô tô không vào được cũng lên tới 38-40 triệu đồng mỗi mét vuông.

Trong khi đó, giá đất tại các khu vực xung quanh dự án Vinhomes, nằm trong bán kính từ 2-5km ở các phường Đại Mỗ, Tây Mỗ (Nam Từ Liêm) tăng mạnh nhất, dao động từ 40-50%, có nơi tăng lên 100% so với đầu năm ngoái.

Dọc theo tuyến đường 70, nằm song song với Đại lộ Thăng Long, nơi có dự án chạy qua, cũng ghi nhận sự biến động mạnh về giá đất. Giá đất tại khu vực này từ 80-120 triệu/m2 mặc dù trong năm 2018 chỉ dừng ở mức từ 55-60 triệu/m2.

Rục rịch tăng giá sau thông tin lên quận

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội vừa ký ban hành 4 quyết định phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng 4 huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025.

Thông tin lên quận cũng phần nào khiến giá đất vùng ven tăng. Khảo sát từ một số văn phòng nhà đất tại thị trấn Trôi cũng như quanh Hoài Đức, PV ghi nhận được giá đất thổ cư, nhà riêng đang tăng nhẹ. Tại một số xã như An Khánh, Vân Canh... giá tăng từ 3-4 triệu đồng/m2, đẩy mặt bằng giá lên 18-25 triệu đồng/m2.

Tại các khu đô thị liền kề gần Thiên Đường Bảo Sơn đã bỏ hoang nhiều năm, hiện giá đã tăng 37-38 triệu đồng/m2, trong khi năm ngoái chỉ 18-20 triệu đồng/m2. Đắt nhất là tại mặt đường chạy dọc QL32, giá đất đẹp lên tới khoảng 120-130 triệu đồng/m2.

Tăng 3-4 lần, đất nền ngoại thành 5 tháng phát sốt

Trên các web mua bán bất động sản, đất nền tại huyện Đông Anh (Hà Nội) đang được rao bán với mức giá từ 23-40 triệu đồng/m2 khu vực trong làng. Các khu vực gần đường Võ Nguyên Giáp, gần dự án Thành phố Thông minh giá từ 40-70 triệu đồng/m2.
 
Giá đất tại huyện Đan Phượng, vị trí mặt đường các trục chính dao động khoảng từ 55-70 triệu đồng/m2. Đất thổ cư trong làng khoảng từ 10-25 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Nếu so với thời điểm đầu 2015, giá đất hiện tại tăng khoảng hơn 30-40%.

So với các huyện thị khác, Thanh Trì có mức giá đất trung bình cao nhất hiện nay. Một số khu vực có giá trị bất động sản cao có thể kể đến như Cầu Bươu (52,1 triệu/m2), Kim Giang (65,4 triệu/m2), liên xã Phan Trọng Tuệ (61,9 triệu/m2), Tân Triều (77 triệu/m2),...

Cò lướt sóng

Nhanh chóng chớp lấy thời cơ để kiếm lời, trên mạng xã hội và nhiều chuyên trang bất động sản các dự án đã quảng cáo rầm rộ. Điều đáng nói, nhiều diện tích đất nền được rao bán là đất nông nghiệp. Giới đầu cơ bất động sản đã thu gom và mua lại từ người dân khi có thông tin các huyện trên sẽ quy hoạch lên quận, sau đó phân lô, nền để bán lại cho những ai có nhu cầu.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cho rằng, việc đề xuất nâng 4 huyện lên quận gây chú ý bởi đây đều là những địa phương đang tập trung rất nhiều dự án lớn. Tuy nhiên, giá trị đất đai luôn tăng theo giá trị đầu tư. Đi kèm với đất là cơ sở hạ tầng phù hợp mới nâng cao được giá trị của đất, chứ không phải từ một huyện lên thành quận là giá trị của đất đã tăng theo.

“Hơn 10 năm trước tại Hoài Đức, Mê Linh cũng rầm rộ chuyện tăng giá đất nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có đầu tư gì thêm. Hiện tại, nhiều dự án đã hoang hoá, vậy nên đừng nghĩ đến chuyện đất lên giá khi chưa có sự đầu tư đồng bộ. Tại Đông Anh vẫn là đại công trường, tất cả dự án vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, ngoài khu vực cầu Nhật Tân và trục QL5 mới còn lại vẫn mênh mông ruộng đồng. Trên thực tế, chuyện tăng giá theo chủ trương, định hướng, quy hoạch thì tăng đến 5% là hợp lý, chuyện tăng 20-50% là không thể”, ông Đính nhận định.

Ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Kinh doanh nhà ở phụ trách miền Bắc và miền Trung của Savills Việt Nam, cho rằng, đất nền được đánh giá là sản phẩm đầu tư dài hạn. “Xác định là dài hạn, mua và quên nó đi”, ông Hiển nhấn mạnh.

Vị chuyên gia của Savills cho rằng sai lầm trong câu chuyện đầu tư đất nền chính là việc mua đi bán lại để tăng giá. Những mảnh đất không được đầu tư phát triển xây dựng, không có tính thương mại nhưng lại được mua đi bán lại, đẩy giá lên cao và sau đó thế chấp tại ngân hàng là nguyên nhân gây phát sinh bong bóng.

Ông Hiển chia sẻ: “Tôi sẽ nhìn đất nền giống như lương khô, đầu tư mua 1 mảnh đất có thể sau này cho con cái thay vì mua xong và kỳ vọng trong vòng 1-2 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm sẽ kiếm lời gấp đôi. Không có chuyện đó xảy ra”.

Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội, cần lưu ý là lộ trình 4 huyện lên quận này diễn ra từ nay đến 2025. Sẽ phải mất vài năm để thị trường bất động sản phản ánh rõ rệt sự thay đổi, khác biệt lên giá bất động sản.

Bên cạnh đó, để mức tăng giá này bền vững, thị trường tại các địa phương cần hội tụ đầy đủ và đồng bộ các yếu tố như quy mô dân số, đầu tư cơ sở hạ tầng, quy tụ các cơ quan ban ngành. Nếu nhìn vào các huyện sẽ lên quận hiện nay, chúng ta có thể thấy đây là một chặng đường dài. Vì vậy, các hiện tượng thổi giá hay tạo sốt đất ảo nếu có xảy ra, theo thời gian sẽ được thị trường điều chỉnh để phản ánh giá trị thực.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Theo VietNamNet/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/tin-huyen-len-quan-an-theo-sieu-du-an-day-gia-dat-ven-do-d114403.html