Tình trạng bết bát của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh

11/09/2022 14:19

Kinhte&Xahoi Tổng Bách hóa - công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa bị cưỡng chế trích tiền từ tài khoản do nợ thuế quá hạn nộp với số tiền hơn 61,6 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Tổng Bách hóa (mã CK: TBH) vừa thông báo nhận được quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa tài khoản của Cục Thuế TP Hà Nội.

Theo đó, Tổng Bách hóa bị cưỡng chế số tiền thuế hơn 61,6 tỷ đồng quá hạn nộp bằng hình thức trích tiền từ tài khoản mà đơn vị đang gửi tại Ngân hàng Vietinbank - Chi nhánh Ba Đình.

Một dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh

Cụ thể, số tiền bị cưỡng chế bao gồm: 53 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp; 72 triệu đồng tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính; 415 triệu tiền chậm nộp thuế thu nhập cá nhân; 1,57 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; 4,23 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng; Các khoản chậm nộp khác là 2,32 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Tổng Bách hóa tiền thân là Tổng Công ty Bách hóa được thành lập năm 1954 với mục đích thành lập các tổng công ty chuyên nghiệp mậu dịch quốc doanh trực thuộc Bộ Công thương. Công ty có cổ đông lớn duy nhất sở hữu 96,65% vốn là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Thanh - thành viên Tân Hoàng Minh.

Về tình hình kinh doanh, những năm gần đây, Tổng Bách hóa kinh doanh không mấy khả quan khi báo lỗ sau thuế lần lượt gần 113 tỷ đồng và gần 5,5 tỷ đồng trong năm 2019 và năm 2020.

Việc kinh doanh gặp khó dẫn tới việc mất khả năng thanh toán các khoản nợ, vốn chủ sở hữu của Tổng Bách hóa ở thời điểm cuối năm 2019 và cuối năm 2020 lần lượt đạt giá trị âm 375 tỷ đồng và âm 381 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Tổng Bách hóa được Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh thông qua khoản vay và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Việt hỗ trợ tài chính thông qua khoản hợp tác kinh doanh nên tình hình tài chính có thể không còn bi đát.

Năm 2021, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Tổng Bách hóa giảm 5 lần còn 4,5 tỷ đồng. Mặc dù vậy, nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến lên 791 tỷ đồng, nên công ty đã có lãi 709 tỷ đồng, xóa hết khoản lỗ lũy kế 452 tỷ đồng đến cuối năm 2020.

Theo thuyết minh, doanh thu tài chính đột biến đến từ cổ tức, lợi nhuận được chia từ Công ty Cổ phần Cung Điện Mùa Đông; Thoái vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Ngọc Viễn Đông và Công ty Cổ phần Cung điện Mùa Đông. Cả hai doanh nghiệp này đều là thành viên của Tân Hoàng Minh.

Một doanh nghiệp khác của thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh cũng vừa bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan do nợ thuế quá 90 ngày với tổng số tiền trên 174,6 tỷ đồng.

Ngoài các doanh nghiệp trên, các doanh nghiệp khác cũng thuộc nhóm Tân Hoàng Minh gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty Cổ phần Cung điện Mùa Đông khi cũng nợ thuế tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, trong đợt công khai các đơn vị nợ thuế hồi giữa tháng 4/2022 của Cục Thuế TP Hà Nội.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil nợ hơn 846 triệu đồng tiền sử dụng đất và nợ 147,2 tỷ đồng thuế, phí. Sau khi nộp gần 15 tỷ đồng tiền nợ đến ngày 14/4/2022, doanh nghiệp này còn nợ 132,3 tỷ đồng.

Trong đó, khoản nợ thuế, phí lớn nhất của Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil là 73 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản, hơn 35 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng và hơn 16 tỷ đồng chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp...

Tương tự, Công ty Cổ phần Cung điện Mùa Đông sau khi nộp bớt 5 tỷ đồng thì còn nợ 45,6 tỷ đồng tiền thuế, phí. Trong đó, số nợ cao nhất trên 37 tỷ đồng từ thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản.

Theo nhiều ý kiến, sở dĩ nhóm của Tân Hoàng Minh rơi vào tình cảnh bết bát như trên là do người đứng đầu tập đoàn là ông Đỗ Anh Dũng và nhiều thành viên chủ chốt đã bị bắt trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" mà Bộ Công an đang điều tra.

Kết quả điều tra xác định, trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm: Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty Cổ phần Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử động vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

 Văn Huy - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tinh-trang-bet-bat-cua-cac-doanh-nghiep-thuoc-tap-doan-tan-hoang-minh-205466.html