Tổng sản phẩm trong nước tăng trưởng 5,03%

29/03/2022 15:34

Kinhte&Xahoi Phát biểu tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I-2022, sáng 29-3, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, kinh tế Việt Nam từ đầu năm 2022 đến nay có nhiều thay đổi tích cực và khả quan so với cùng kỳ năm trước. Điểm nhấn là các ngành dịch vụ đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, ngành công nghiệp phát triển khá tốt; đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Quang cảnh họp báo ngày 29-3.

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong quý I tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I-2021 và 3,66% của quý I-2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I-2019.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%.

Ngành công nghiệp quý I tăng 7,07% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 6,44% của quý I-2021 và đóng góp 2,42 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%, đóng góp 2,05 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ trong quý I-2022 tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I năm nay như sau: Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,75% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,54 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,06%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 2,98%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 1,79%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm.

Tính chung 3 tháng đầu năm 2022, cả nước có gần 34,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 471,2 nghìn tỷ đồng; tăng 18,1% về số doanh nghiệp, tăng 5,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Nhưng vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 3 tháng qua đạt 13,6 tỷ đồng, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính cả 706,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 11,8 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm 2022 là 1.177,9 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 25,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2021), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 3 tháng đầu năm 2022 lên 60,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Vốn đầu tư nước ngoài “chảy” vào Việt Nam tính từ đầu năm đến ngày 20-3-2022, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,91 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng kết quả giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 23,27 tỷ USD, tăng 22%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 65,31 tỷ USD, tăng 10%, chiếm 73,7%. Trong quí I đã có 15 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 58%).

Tính chung quý I-2022, cán cân thương mại của nền kinh tế xuất siêu 809 triệu USD giá trị hàng hóa (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,76 tỷ USD).

Như vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung, nhất là lĩnh vực kinh tế đối ngoại của nước ta đang trên đà phục hồi, theo xu hướng tăng trưởng rõ nét trong quý I năm nay.

 Anh Minh - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1028111/tong-san-pham-trong-nuoc-tang-truong-503