Trong những ngày vừa qua, những tín đồ về công nghệ và những “fan ruột” của thương hiệu điện thoại Iphone tại Việt Nam như “phát cuồng” với cụm từ Iphone 12. Đây là dòng sản phẩm mới nhất của thương hiệu điện thoại lớn nhất thế giới vừa giới thiệu ra thị trường hôm 14/10. Đáng nói là sản phẩm này mới chỉ được nhà sản xuất Iphone đưa vào kinh doanh tại một số thị trường lớn và chưa có hàng chính hãng tại thị trường Việt Nam.
Cửa hàng điện thoại Viễn Quang mobile căng hẳn băng rôn để quảng cáo về Iphone 12.
Theo thông tin từ các đơn vị phân phối dòng điện thoại Iphone chính hãng như Thegioididong hay FPT Shop thì phải tới đầu tháng 12 các sản phẩm Iphone 12 chính hãng mới được bày bán tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu ra mắt cho tới nay, hàng chục cửa hàng kinh doanh điện thoại lớn nhỏ tại TP HCM đều đã rầm rộ quảng cáo, bày bán các sản phẩm Iphone 12, 12 Pro với đủ màu sắc của nhà sản xuất. Vậy, những sản phẩm đang được bày bán công khai tại thị trường Việt Nam có xuất xứ như thế nào?
Để tìm câu trả lời về những nguồn hàng đang được các cửa hàng bày bán, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã vào vai khách hàng thâm nhập trong nhiều ngày qua, tại hầu hết các quận huyện tại TP HCM và những cửa hàng được coi là “ông trùm” trong giới kinh doanh điện thoại xách tay.
Tại cửa hàng Viễn Quang mobile (672 Lê Hồng Phong, phường 10, quận 10, TP HCM) chúng tôi được người xưng là chủ cửa hàng nhiệt tình giới thiệu về các mặt hàng điện tử xách tay với đủ loại thương hiệu và dòng máy. Khi biết chúng tôi có ý định muốn mua mặt hàng điện thoại Iphone 12, anh này liền quảng cáo rằng cửa hàng anh là một trong số những nơi có đầu tiên và đầy đủ mọi màu sắc mà Iphone 12 đã ra mắt.
Các sản phẩm Iphone 12 và 12pro tùy vào từng màu sắc và phiên bản bộ nhớ sẽ có giá giao động từ 25 triệu tới 39 triệu. Anh này cũng không quên khẳng định rằng, giá tại cửa hàng anh bán là gần như thấp nhất thị trường. Vừa nói anh vừa kêu nhân viên lấy một chiếc Iphone 12 bản thường ra cho chúng tôi coi và giới thiệu: “Đây là bản thường chỉ có 2 camera sau thôi còn bản pro sẽ có 3 camera. Hàng này bọn anh nhập về gần như là đầu tiên trên thị trường, mã ZA là hàng được nhập từ HongKong em ạ. Em cứ coi mẫu trước đi, cần màu gì thì anh lấy màu đấy, giá cả thì chênh nhau chút đỉnh thôi, tùy nhu cầu của em”.
Cũng giống như Viễn Quang, Á Châu mobile (108 Lê Văn Duyệt, phường 1, quận Bình Thạnh) được biết đến là một trong những đơn vị luôn sẵn về các mặt hàng điện tử xách tay và Iphone 12 là mặt hàng không thể thiếu. Những lời tư vấn của nhân viên Á Châu mobile cũng cho rằng cửa hàng này đầy đủ các phiên bản Iphone 12 mới nhất.
Riêng về phần bảng giá, nhân viên tại cửa hàng cho biết sẽ có sự thay đổi liên tục và giá bán tại các cửa hàng cũng sẽ khác nhau. Nguyên nhân được cho là những đơn vị kinh doanh số lượng lớn sẽ lấy được nguồn hàng có giá thấp hơn so với những cửa hàng nhỏ lẻ nên giá bán ra cũng sẽ thấp hơn và có nhiều ưu đãi hơn.
Cửa hàng điện thoại Á Châu Mobile là một trong những “ông trùm” trong làng điện thoại xách tay tại TP HCM.
Để tìm hiểu sâu hơn về cách thức bán hàng và lách luật “làm thuế” của các cửa hàng này, phóng viên đã tìm tới cửa hàng Tứ Uyên – Tứ Phát có địa chỉ tại 111 Quang Trung, Gò Vấp. Tại đây, sau khi nghe những lời tư vấn của nhân viên đã quyết định “xuống tiền” mua một chiếc điện thoại Iphone 12 bản 128G có mã ZA, là bản xách tay từ HongKong với giá 24.600.000 đồng.
Khi chúng tôi đề nghị cửa hàng này xuất hóa đơn đỏ thì nhân viên tại đây cho biết: “Nếu anh muốn xuất hóa đơn thì cộng thêm 10% giá bán nữa bên em sẽ xuất hóa đơn bằng sản phẩm khách cho anh. Giá bên em bán là giá rẻ, hàng xách tay mà xuất hóa đơn nữa thì lấy đâu ra mà lời”.
Khi chúng tôi thanh toán đủ và nhận máy thì được cửa hàng viết cho một tờ giấy tay Biên bản giao nhận với nội dung bao gồm tên sản phẩm, mã sản phẩm, tên người mua, giá bán và chữ ký kèm con dấu riêng của cửa hàng. Đây được coi là hóa đơn mà cửa hàng này xuất mỗi khi bán sản phẩm cho khách hàng.
Hóa đơn mà các cửa hàng xuất khi bán máy chỉ là những tờ giấy viết tay, có dấu hiệu trốn thuế nhà nước.
Cùng thời điểm mua hàng tại Tứ Uyên, phóng viên tiếp tục đặt mua một chiếc điện thoại Iphone 12 cùng mã, cùng màu và dung lượng tại cửa hàng XT mobile (50 Trần Quang Khải, quận 1) nhưng chỉ với giá 23.590.000 đồng, tức là cùng thời điểm giá bán sản phẩm của 2 cửa hàng này chênh nhau gần 1 triệu đồng.
Cũng vấn đề xuất hóa đơn, nhân viên cửa hàng khẳng định là không thể xuất hóa đơn cho các mặt hàng điện tử xách tay. Cửa hàng này xuất hóa đơn cho khách hàng chỉ bằng một tờ giấy A4 viết tay có đề Hóa đơn bán lẻ, có chữ ký xác nhận của cửa hàng và đóng dấu riêng của cửa hàng kèm một con dấu khác có dòng chữ: “Không bảo hành nguồn và màn hình”.
Hầu hết các cửa hàng bán hàng điện thoại xách tay không thể xuất được hóa đơn VAT khi bán hàng.
Không sẵn hàng như các cửa hàng nêu trên, một số cửa hàng khác khi được hỏi về Iphone 12 đều khẳng định có hàng sẵn nhưng chỉ khui hàng cho khách xem khi khách quyết định mua và thanh toán tiền trước. Điển hình như CT mobile, Hoàng Phát 360, ClickBuy, Di Động Xanh, Bảo Tín, Huy Hoàng mobile… nhân viên chỉ mang hàng nguyên hộp cho khách hàng xem và đề nghị không được khui.
Lý do được các cửa hàng giải thích rằng, giá cả của mặt hàng mới chưa ổn định, lên xuống thất thường nên các cửa hàng không dám nhập hàng sẵn về nhiều và cũng không dám khui hàng ra vì như thế sẽ làm giảm giá trị của sản phẩm.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Nhóm PV - Pháp luật Plus