TP Hồ Chí Minh: Xử phạt và đình chỉ nhiều cơ sở y tế vi phạm liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh

31/08/2022 16:25

Kinhte&Xahoi Chỉ tính riêng trong nửa cuối tháng 8/2022, ngành Y tế TP HCM đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 26 trường hợp vi phạm liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh và quảng cáo. Trong đó, cơ quan chức năng đình chỉ và tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề của nhiều cơ sở y tế và cá nhân có liên quan.

Thông tin từ Sở Y tế TP HCM cho biết, từ ngày 16/8 đến 25/8, cơ quan này đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 26 cơ sở, cá nhân vi phạm có liên quan đến lĩnh vực khám, chữa bệnh trên địa bàn.

Cụ thể, Sở Y tế TP HCM đã xử phạt Công ty TNHH Keangnam Korea (Phòng khám chuyên khoa Thẩm mỹ - Địa chỉ: 394 - 396 Cao Thắng, Phường 12, Quận 10) số tiền 45 triệu đồng, về hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung. Ngoài phạt tiền, cơ sở này bị buộc tháo dỡ, xóa quảng cáo mà nội dung quảng cáo chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận trước khi thực hiện.

Viện thẩm mỹ Keangnam Korea vừa bị Sở Y tế xử phạt liên quan đến hoạt động quảng cáo (ảnh chụp màn hình từ website quảng cáo)

Sở Y tế TP HCM đã xử phạt ông Nguyễn Quang Nhẫn (Chủ hộ kinh doanh Thẩm mỹ Quốc tế JKOREA, địa chỉ: 447 Nguyễn Tri Phương, Phường 8, Quận 10) số tiền 80 triệu đồng với lý do: Cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh không có giấy phép hoạt động; Quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động hoặc chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh.

Ngoài ra, một nhân viên chăm sóc da (bà Trần Thị Nhựt) thuộc cơ sở Thẩm mỹ Quốc tế JKOREA cũng bị Sở Y tế xử phạt số tiền 52 triệu đồng về hành vi: Khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Với các lỗi vi phạm nêu trên, ngoài phạt tiền, cơ sở của ông Nhẫn còn bị đình chỉ hoạt động trong lĩnh vực y tế trong thời hạn 18 tháng; Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Riêng cá nhân bà Trần Thị Nhựt, bên cạnh phạt tiền còn buộc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 17 triệu đồng có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Đặc biệt, Sở Y tế đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV Gà Spa (địa chỉ: Số 10 đường Nguyễn Thành Ý, phường Đa Kao, Quận 1) do có vi phạm tại chi nhánh 2 của công ty (Số 1 đường Hoàng Diệu 2, phường Linh Trung, TP Thủ Đức) với số tiền 160 triệu đồng về hành vi: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Thông tin xử phạt Công ty TNHH MTV Gà Spa do có vi phạm tại chi nhánh 2

Bên cạnh phạt tiền, cơ sở này còn chịu hình thức phạt bổ sung buộc đình chỉ hoạt động trong thời hạn 18 tháng và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Song song việc xử phạt đối với Công ty Gà Spa, một kỹ thuật viên chăm sóc da thuộc chi nhánh này cũng bị xử phạt số tiền 42,5 triệu đồng về hành vi: Khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Đồng thời, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp 7,5 triệu đồng có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Tương tự, Sở Y tế cũng đã xử phạt Công ty TNHH Phòng khám AZ NOSKIN (Địa chỉ: 243/3 Tô Hiến Thành, Phường 13, Quận 10) số tiền 107,4 triệu đồng về hành vi: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ngoài phạt tiền, cơ sở này bị buộc đình chỉ hoạt động trong thời hạn 18 tháng; Tịch thu tang vật vi phạm được quy định và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 1,4 triệu đồng có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Phòng khám AZ NOSKIN bị xử phạt và đình chỉ hoạt động trong thời hạn 18 tháng

Cùng địa chỉ hoạt động với Phòng khám AZ NOSKIN, Sở Y tế cũng xử phạt một cá nhân khác có tên Dương Thị Thu Trang số tiền hơn 75 triệu đồng về hành vi: Khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Cùng với hình thức phạt tiền, bà Trang còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp 40,4 triệu đồng có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Cũng nằm trong danh sách xử phạt lần này, bà Phạm Thị Vui (chủ hộ kinh doanh Adona Spa - địa chỉ: 490 Phạm Văn Bạch, Phường 12, quận Gò Vấp) cũng bị Sở Y tế xử phạt về hành vi: Khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Với các lỗi nêu trên, chủ cơ sở Adona Spa đã bị xử phạt với số tiền 118,5 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp 2 triệu đồng có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định; Bị đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn 18 tháng; Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Tịch thu tang vật vi phạm.

Cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa có giấy phép, chủ hộ kinh doanh cơ sở Adona Spa bị xử phạt (Ảnh chụp màn hình từ website quảng cáo)

Bên cạnh việc xử phạt, chủ cơ sở Adona Spa, một kỹ thuật viên của Spa này cũng bị xử phạt với số tiền 38 triệu đồng về hành vi: Khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Đồng thời buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp 3 triệu đồng có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Ngoài ra, nhiều cơ sở và cá nhân khác cũng bị xử phạt hành chính trong đợt này vì có vi phạm quy định pháp luật trong lĩnh vực khám chữa bệnh.

Trước đó, từ ngày 3 đến 10/8, Thanh tra Sở Y tế TP HCM cũng đã tiến hành xử phạt 15 cơ sở, cá nhân vi phạm có liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh với tổng số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Qua đó, chỉ tính riêng trong tháng 8/2022, ngành Y tế TP HCM đã xử phạt trên 40 trường hợp vi phạm liên quan đến lĩnh vực khám, chữa bệnh và quảng cáo.

 Trọng Vũ - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốchttps://tuoitrethudo.com.vn/xu-phat-va-dinh-chi-nhieu-co-so-y-te-vi-pham-lien-quan-den-hoat-dong-kham-chua-benh-204704.html