Tràn lan 'địa chỉ ma' mua bán chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ

14/01/2019 11:34

Kinhte&Xahoi Chỉ với vài thao tác đơn giản trên google hoặc mạng xã hội facebook, bạn có thể dễ dàng tìm thấy hàng loạt các trang fanpage tự xưng là cơ sở uy tín chuyên cung cấp chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ...

Nghịch lý cấp chứng chỉ không cần học và thi

Thời gian gần đây, nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ, chăm sóc da của người dân ngày càng tăng, vì thế, các cơ sở hành nghề spa, thẩm mỹ viện cũng mọc lên nhan nhản. Mặc dù tất cả các cơ sở này đều quảng cáo với người tiêu dùng là có đội ngũ bác sĩ, nhân viên giàu kinh nghiệm, được cấp chứng chỉ đàng hoàng nhưng việc kiểm tra, chứng thực những lời quảng cáo có cánh này thì thật khó.

Trường hợp khách hàng cắt mí bị biến chứng khiến nhiều người sợ hãi.

 

Thực tế đã có nhiều khách hàng nhận “quả đắng” tại những cơ sở hành nghề thẩm mỹ không đảm bảo. Sau những ồn ào của vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường hay rất nhiều câu chuyện khách hàng phun xăm môi bị sưng phồng, vẹo mũi sau khi tiêm filer,… mà báo chí đã đưa tin, cộng đồng mạng lại được phen xôn xao vì vụ việc “cắt mí gây bão” diễn ra hồi cuối năm ngoái. Theo đó, cô gái này đã đến cắt mí mắt tại một cơ sở thẩm mỹ tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) thì hai mí bị sưng đỏ có dấu hiệu biến chứng, các đường khâu hằn rõ, không hề thẩm mỹ chút nào. Hình ảnh được chính nạn nhân đăng tải trên facebook khiến nhiều người tá hỏa vì sợ hãi.  

Một trường hợp khác đi phun xăm môi, đến ngày thứ tư mà đôi môi vẫn có dấu hiệu biến dạng, thậm chí đỏ tấy và mưng mủ khiến chủ nhân vô cùng đau đớn. Tuy nhiên, điều đáng kinh ngạc hơn là khi người này ra hỏi hiệu xăm thì được nhân viên tư vấn mua thuốc đỏ chống lao rắc vào môi ?! Thêm một ví dụ cũng gây xôn xao tại TP. HCM hồi tháng 11 năm vừa qua là trường hợp chồng sắp cưới tự học nghề tại một cơ sở thẩm mỹ tư nhân đã tự mua filer về tiêm nâng mũi cho cô gái khiến vị hôn thê bị đau nhức, sưng tím vùng da quanh trán, thị lực mắt phải suy giảm trầm trọng và có khả năng bị mù vĩnh viễn.

Trước những vụ việc như trên, dư luận đặt ra câu hỏi liệu rằng tay nghề của nhân viên thẩm mỹ có được đào tạo kỹ lưỡng hoặc có chăng câu chuyện, người có chứng chỉ hành nghề mà không thực sự có tay nghề?

Được biết, đối với phẫu thuật thẩm mỹ, để thực hiện được những ca phẫu thuật có chảy máu hoặc có sự xâm lấn, các bác sĩ cần phải được đào tạo chuyên nghiệp 6 năm cộng với ít nhất 3 năm thẩm mỹ mới được cầm dao kéo. Còn đối với các dịch vụ làm đẹp, chăm sóc da đơn giản hơn, người thực hiện cũng cần trải qua quá trình đào tạo và các kỳ thi sát hạch rồi mới được cấp chứng chỉ hành nghề.

Tuy nhiên, một nghịch lý hiện đang tồn tại vô cùng nhức nhối đó là việc mua bán chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ trái phép thông qua mạng xã hội, mà người mua không cần phải trải qua quá trình học và thi. 

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, trên các trang mạng xã hội, việc mua bán loại chứng chỉ này không phải là hiếm gặp, thậm chí chúng còn được công khai và cách thức mua chứng chỉ cũng rất dễ dàng.

Nhiều cơ sở nhận cấp chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ qua mạng xã hội.

 

Bên cạnh một số trang fanpage được lập ra thì một số nickname tự xưng là nhân viên đang làm việc tại một trường học hay đơn vị nào đó có thẩm quyền đào tạo cấp chứng chỉ đăng các thông tin về việc “cấp” các loại chứng chỉ này với giá khoảng từ 1,5 – 2 triệu đồng.

Để tỏ ra nguy hiểm hơn, có trang facebook còn tung tin đồn hòng đánh trúng tâm lý của những đối tượng có nhu cầu mua chứng chỉ như: “Sang năm 2019, tất cả những người làm trong nghề phun xăm, xăm nghệ thuật bắt buộc phải có giấy chứng nhận tập huấn y tế này. Nếu ai chưa có thì hãy nhanh tay đăng ký nhé. Bỏ ra một ngày yên tâm cả đời.”

Nếu có nhu cầu, cách thức mua được chứng chỉ như vậy cũng khá đơn giản, bạn chỉ cần gửi thông tin cá nhân, chứng minh nhân dân bản photo hoặc ảnh chụp ảnh chính, chuyển khoản hay trả trước nửa số tiền rồi chờ vài ngày là có chứng chỉ theo phôi “chuẩn” như lời người bán giới thiệu.

Hệ lụy từ việc mua bán chứng chỉ trái phép

Có thể khẳng định, việc mua chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ trái phép tràn lan trên mạng xã hội như vậy sẽ gây ra nhiều hệ lụy vô cùng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng cũng như toàn xã hội.

Bỏ ra số tiền trên dưới 2 triệu đồng là có ngay một chứng chỉ hành nghề, cuộc giao dịch đơn giản, dễ dàng như… mua rau, lại tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức để đi học và đi thi khiến nhiều người không ngần ngại tiếp tay cho những đối tượng, cơ sở “bán” chứng chỉ sai phép như vậy.

Tràn lan “địa chỉ ma” mua bán chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ.

 

Hậu quả nhãn tiền từ việc này đó là sức khỏe và tính mạng của khách hàng bị đe dọa nghiêm trọng bởi những người hành nghề spa, thẩm mỹ có chứng chỉ mà không có tay nghề, nếu có xảy ra bất cứ sai sót nào trong quá trình thực hiện thì ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm? Chưa kể đến việc, một số chủ cơ sở lợi dụng việc này để hợp thức hóa điều kiện trong quy trình đăng ký kinh doanh, làm tăng nguy cơ cho rất nhiều khách hàng có nhu cầu làm đẹp tại những cơ sở như vậy.

Trao đổi với PV, Chị T. – chủ một cơ sở thẩm mỹ viện tại Hà Nội cho biết: Trong quá trình tuyển dụng, cơ sở luôn yêu cầu người ứng tuyển xuất trình các văn bằng, chứng chỉ liên quan đồng thời có các bước kiểm tra tay nghề trong thời gian thử việc, nếu đạt mới nhận vào làm nhân viên chính thức. Còn việc chứng chỉ hành nghề mà các nhân viên xuất trình có hợp pháp hay không thì rất khó vì chúng tôi không phải đơn vị có thẩm quyền kiểm tra.

Rõ ràng, việc mua bán chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ như vậy có thể gây ra những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và niềm tin của cộng đồng xã hội. Vậy các cơ quan chức năng nói gì về vấn đề này và biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn?

 

Theo Thương Trường/GĐ&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM