Triển khai giám sát chuyên đề về bảo vệ môi trường, xử lý nước thải sinh hoạt trong tháng 8/2022

05/07/2022 10:24

Kinhte&Xahoi 6 tháng đầu năm, hoạt động giám sát của HĐND TP Hà Nội đã được thực hiện hiệu quả, chất lượng. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình giám sát, từ nay tới cuối năm, HĐND TP sẽ triển khai hiệu quả giám sát chuyên đề về việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý nước thải sinh hoạt (dự kiến tháng 8/2022)...

Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giải trình, giám sát

 Sáng 5/7, tại Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, báo cáo về kết quả hoạt động của HĐND TP 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà cho biết: Ngay từ đầu năm, Thường trực HĐND TP đã ban hành Chương trình công tác số 1 gồm 138 nội dung trọng tâm.

Khối lượng các công việc được đổi mới theo hướng rà soát kỹ, chỉ đề ra những công việc trọng tâm, trọng điểm, phù hợp đặc điểm tình hình để tránh trùng lặp, dàn trải; Thuận lợi cho kiểm tra tiến độ và đảm bảo phát huy được hiệu lực, hiệu quả, thực chất.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà báo cáo tại kỳ họp

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm đã thực hiện 66/69 nội dung theo chương trình đề ra và 35 nội dung công việc phát sinh theo chỉ đạo của Trung ương và yêu cầu thực tiễn của thành phố (3 nội dung điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế).

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, HĐND TP đã tổ chức 3 kỳ họp chuyên đề quyết định các nhiệm vụ cấp bách theo thẩm quyền. Trong đó, Kỳ họp thứ 4 thông qua 5 nghị quyết quan trọng: Về kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo; Phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công của thành phố; Các biện pháp tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn...

Kỳ họp thứ 5 HĐND TP đã xem xét, thông qua Nghị quyết về việc bố trí, cân đối vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Trong 6 tháng đầu năm, bám sát diễn biến tình hình trên địa bàn thành phố và chỉ đạo của Thành ủy, Thường trực HĐND đã có những chỉ đạo, điều chỉnh các chương trình, nội dung giải trình, giám sát theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, gắn với thực tiễn, giảm thành phần đoàn giám sát, số lượng các cuộc giám sát trực tiếp; Đồng thời tăng cường giám sát thực địa, đẩy mạnh giám sát việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương và hoạt động ở những địa bàn không tổ chức HĐND phường…

Điểm mới là sự chủ động phối hợp trong hoạt động giám sát giữa HĐND với Đoàn ĐBQH TP. Nhiều cuộc giám sát quan trọng của HĐND TP đã mời đại biểu Quốc hội ứng cử trên địa bàn tham dự vừa phát huy được trí tuệ của đại biểu, vừa cung cấp thông tin, tạo tiếng nói thống nhất, hiệu quả hơn trên diễn đàn dân cử, đồng thời nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát.

HĐND TP đã giám sát chuyên đề về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của TP; Tiến hành 2 cuộc giám sát về: Kết quả triển khai thực hiện dự án Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng huyện Hoài Đức; Tình hình tổ chức thực hiện xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.

Ngoài ra, Thường trực HĐND TP đã phối hợp chặt chẽ với Đoàn ĐBQH TP triển khai theo chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội; Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động

Đại biểu dự kỳ họp

6 tháng cuối năm, HĐND TP sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công tác quản lý Nhà nước và tình hình thực tiễn của Thủ đô, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị để triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về “Thí điểm Tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”; Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính đặc thù đối với thành phố Hà Nội; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, 10 Chương trình công tác của Thành ủy, các Nghị quyết của HĐND, nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố; Phấn đấu hoàn thành 100% các nhiệm vụ đề ra, đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, HĐND TP sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động; Triển khai chất lượng Chương trình công tác năm 2022 của Thường trực, các Ban HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP; Thực hiện hiệu quả Đề án số 15-ĐA/TU về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”...

Đồng thời, HĐND TP tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình giám sát, khảo sát chuyên đề của HĐND, Thường trực, các Ban và Tổ đại biểu và đại biểu; Trong đó, triển khai hiệu quả giám sát chuyên đề của HĐND TP về việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý nước thải sinh hoạt (dự kiến tháng 8/2022); Chuẩn bị tổ chức tốt phiên giải trình của Thường trực HĐND TP (dự kiến tháng 9/2022, lĩnh vực đô thị).

HĐND TP cũng xác định thực hiện có hiệu quả, chất lượng công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của HĐND TP; Mở rộng các kênh tiếp nhận, đối thoại, trao đổi, giám sát giữa HĐND với cử tri và các cơ quan, đơn vị...

Hạnh Nguyên; Ảnh Viết Thành - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/trien-khai-giam-sat-chuyen-de-ve-bao-ve-moi-truong-xu-ly-nuoc-thai-sinh-hoat-trong-thang-82022-200235.html