Trình tự, thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử theo quy định mới nhất

07/09/2022 18:52

Kinhte&Xahoi Nghị định 59/2022/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành quy định về các vấn đề liên quan đến danh tính, định danh và xác thực điện tử, trong đó nêu rõ trình tự, thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử với công dân Việt Nam.

Điều 3, Nghị định 59/2022/NĐ-CP quy định, "Danh tính điện tử" là thông tin của cá nhân hoặc tổ chức trong hệ thống định danh, xác định duy nhất cá nhân hoặc tổ chức đó trên môi trường điện tử. “Định danh điện tử” là hoạt động đăng ký, tạo lập và gắn danh tính điện tử với chủ thể danh tính điện tử.

“Xác thực điện tử” là hoạt động xác nhận, khẳng định thông tin gắn với chủ thể danh tính điện tử thông qua việc khai thác, đối chiếu thông tin trong các Cơ sở dữ liệu quốc gia và xác thực điện tử hoặc xác thực tài khoản định danh điện tử để khẳng định giá trị sử dụng của tài khoản định danh điện tử đó.

Danh tính điện tử công dân Việt Nam gồm: Thông tin cá nhân: Số định danh cá nhân; Họ, chữ đệm và tên; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Thông tin sinh trắc học (ảnh chân dung, vân tay).

Còn theo Điều 14 Nghị định này, việc đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1 qua ứng dụng VNelD đối với công dân đã có thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử. Theo đó, công dân sử dụng thiết bị di động tải và cài đặt ứng dụng VNelD.

Tiếp theo, công dân sử dụng ứng dụng VNelD để nhập thông tin về số định danh cá nhân và số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử; cung cấp các thông tin theo hướng dẫn trên ứng dụng VNelD; thu nhận ảnh chân dung bằng thiết bị di động và gửi yêu cầu đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử tới cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng VNelD.

Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNelD hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.

Về việc đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2, theo Nghị định này, công dân đã được cấp thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân để làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử. Công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử, cung cấp thông tin về số điện thoại hoặc địa chỉ thư điện tử và đề nghị bổ sung thông tin được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử.

Cán bộ tiếp nhận nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh chân dung, thu nhận vân tay của công dân đến làm thủ tục để xác thực với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo lập tài khoản định danh điện tử.

Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNelD hoặc tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.

Cơ quan công an tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cùng với cấp thẻ Căn cước công dân với trường hợp công dân chưa được cấp Căn cước công dân gắn chíp điện tử.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ 20-10-2022. Tài khoản do cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh được sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử đến 1-7-2024.

 H.L- ANTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://www.anninhthudo.vn/trinh-tu-thu-tuc-dang-ky-tai-khoan-dinh-danh-dien-tu-theo-quy-dinh-moi-nhat-post516079.antd