Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam

19/09/2019 15:13

Kinhte&Xahoi Trợ lý ngoại trưởng Mỹ David Stilwell phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương thẳng thắn cho rằng việc Trung Quốc tiến hành thăm dò gần bãi Tư Chính kể từ đầu tháng 7 là nhằm đe dọa Việt Nam và các quốc gia ASEAN tránh xa việc phát triển các nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt ở Biển Đông.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ David Stilwell phụ trách Vụ các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương (Ảnh: Yonhap)

"Trung Quốc đe dọa Việt Nam và các nước ASEAN"

Ông David Stilwell, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Vụ các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, đã đưa ra các bình luận trên ngày 18/9 trong bài phát biểu đầu tiên trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ từ khi nhậm chức Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á hồi tháng 6 vừa qua.

Bài phát biểu của ông Stilwell tập trung vào tầm nhìn của Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các hành động của Trung Quốc trong khu vực, đề cập tới các vấn đề nóng như tình hình Biển Đông, Hong Kong, Đài Loan…

“Kể từ đầu tháng 7, các tàu của Trung Quốc đã tiến hành các cuộc khảo sát hàng hải gần bãi Tư Chính, với sự hộ tống của lực lượng cảnh sát biển và dân quân biển có vũ trang, để đe dọa Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác tránh xa việc phát triển các nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt ở Biển Đông”, ông Stilwell nói..

Theo quan chức trên, thông qua các hành động bất hợp pháp liên tiếp và sự quân sự hóa các thực thể tranh chấp, Trung Quốc đã và tiếp tục có các hành động nhằm ngăn cản các nước thành viên ASEAN tiếp cận các nguồn dự trữ năng lượng trị giá trên 2,5 nghìn tỷ USD.

Ông Stilwell nhấn mạnh lại rằng tại Thượng đỉnh Đông Á ở Thái Lan mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra tuyên bố rõ ràng chỉ trích sự bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông, và hối thúc ASEAN cũng như Trung Quốc tiến tới một Bộ quy tắc ứng xử thiết thực phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Cảnh báo hành động cứng rắn với Trung Quốc

Cũng trong bài phát biểu, ông Stilwell chỉ ra rằng, mặc dù Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ đã đạt được tiến bộ đáng kể nhằm củng cố và thúc đẩy trật tự mở và tự do trong khu vực, Mỹ ngày càng lo ngại khi một số bên đang đẩy mạnh tìm cách thay đổi trật tự này.

“Chúng tôi cam kết hợp tác với bất kỳ quốc gia nào tuân thủ các quy định, nhưng chúng tôi cũng chống lại bất kỳ quốc gia nào sử dụng các biện pháp trục lợi để làm suy yếu chúng”, ông Stilwell tuyên bố.

Ông Stilwell cho hay, Chiến lược an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump đã nói rõ rằng Mỹ đặc biệt lo ngại về việc Trung Quốc sử dụng các biện pháp và hình phạt kinh tế làm sai lệch thị trường, các hoạt động gây ảnh hưởng và đe dọa để thuyết phục các quốc gia khác chú ý đến chương trình nghị sự chính trị và an ninh của nước này. Việc Bắc Kinh theo đuổi một tầm nhìn khác, cứng rắn cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương là để nhằm thay đổi trật tự khu vực có lợi cho mình và đưa Trung Quốc vào một cuộc đua chiến lược với tất cả các bên vốn tìm cách giữ gìn tự do và trật tự mở của các quốc gia có chủ quyền.

Theo ông Stilwell, sự hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh. Các cuộc tập trận của nước này trong khu vực ngày càng phức tạp và rõ ràng không chỉ nhằm ngăn chặn các nỗ lực của Mỹ để duy trì sự hiện diện trong khu vực, mà còn ngầm ám chỉ với các quốc gia khác rằng họ đang bị đe dọa trực tiếp. Hành động của Bắc Kinh đang mâu thuẫn với tuyên bố công khai của nước này về “sự phát triển hòa bình”.

Về mặt kinh tế, nhà ngoại giao trên cho biết chính phủ Trung Quốc đã sử dụng một loạt các chính sách không phù hợp với thương mại tự do và công bằng, trong đó có các hạn chế tiếp cận thị trường, các quy định mơ hồ, phân biệt đối xử, thao túng tiền tệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, đánh cắp sở hữu trí tuệ và thiết lập khả năng công nghiệp tiếp cận phi thị trường để xây dựng nền tảng sản xuất cho nước này nhằm gây bất lợp cho các đối thủ.

“Thông qua các sáng kiến như Vành đai và Con đường, Bắc Kinh đã đổ hàng trăm tỷ USD trong các khoản vay cơ sở hạ tầng mơ hồ tại các quốc gia đang phát triển, dẫn tới các vấn đề như gánh nặng nợ nần không bền vững, hủy hoại môi trường và thường tạo cho Bắc Kinh lợi thế trong các quyết định chính trị chủ quyền của các nước khác”, ông Stilwell nói.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho hay, Mỹ hoan nghênh cuộc cạnh tranh kinh tế công bằng và cởi mở với Trung Quốc, cũng như sự hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và các quốc gia khác tuân thủ các quy định quốc tế như sự minh bạch, cho vay cho trách nhiệm và các biện pháp môi trường bền vững.

“Nhưng nơi nào Trung Quốc hành động theo cách làm suy yếu những nguyên tắc thì chúng tôi buộc phải đáp trả”, ông Stilwell nhấn mạnh.

Tầm nhìn Ấn Độ-Thái Bình Dương: Tôn trọng chủ quyền và độc lập của tất cả các nước 

Trong bài phát biểu, ông Stilwell cũng khẳng định, tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở cửa được xây dựng trên các nguyên tắc chung có lợi cho tất cả các quốc gia trong khu vực, trong đó có tôn trọng chủ quyền và độc lập của tất cả các nước, bất kể là nước lớn hay nhỏ.

Ông Stilwell cho hay cách tiếp cận của chính quyền Trump với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương bao gồm một loạt các yếu tố. Chú trọng trụ cột kinh tế trong Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Mỹ đang tập trung vào 3 lĩnh vực chính là: cơ sở hạ tầng, năng lượng và kinh tế số. Mỹ cũng đang phối hợp với các đối liên ngành để thúc đẩy các thị trường mở, các tiêu chuẩn cao và minh bạch, thượng mại công bằng, tự do và tương xứng.

Hồi tháng 8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công bố kế hoạch chi gần 30 triệu USD cho phát triển năng lượng không qua chương trình Đối tác năng lượng Mekong Mỹ-Nhật. Hồi tháng này, Mỹ cũng tăng cường Sáng kiến Mạng lưới Giao dịch và Hỗ trợ Hạ tầng (ITAN) bằng cách lập Quỹ tư vấn giao dịch để giúp các quốc gia đàm phán các thỏa thuận hạ tầng phức tạp.

Trên mặt trận an ninh, mục tiêu của Mỹ là xây dựng một mạng lưới linh hoạt, cơ động gồm các đối tác an ninh có cùng quan điểm để thúc đẩy sự ổn định khu vực, đảm bảo tự do hàng hải, sử dụng hợp pháp các vùng biển và giải quyết các thách thức chung trong khu vực. Năm ngoái, Ngoại trưởng Pompeo đã cam kết viện trợ an ninh gần 300 triệu USD nhằm giúp nâng cao năng lực hàng hải để bảo vệ các tuyến đường biển quan trọng. Ngoài ra, Mỹ cũng sáng lập một chương trình mới hồi tháng 8 nhằm đối phó với tội mạng xuyên quốc gia dọc sông Mekong và hồi tuần trước đã tiến hành cuộc diễn tập hàng hải Mỹ-ASEAN đầu tiên.

Theo ông Stilwel, Hiện Mỹ là nước đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Thương mại hai chiều của Mỹ với khu vực đạt trên 1,8 nghìn tỷ USD trong năm 2017. Tất cả 5 các liên minh phòng thủ song phương phi NATO của Mỹ đều ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Hiện có trên 730.000 sinh viên châu Á đang du học tại Mỹ, chiếm 2/3 sinh viên quốc tế.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Phó Viện trưởng Viện Dược liệu thừa nhận sử dụng đất công không đúng mục đích

Trả lời phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Việt Dũng – Phó Viện trưởng Viện Dược liệu thừa nhận việc cho thuê các cửa hàng trên mặt đường Hai Bà Trưng sử dụng không đúng mục đích. Việc cho thuê này đã tồn tại từ lâu và đến thời điểm hiện tại Viện vẫn đang trong quá trình làm đề án trình Bộ Y tế phê duyệt.