Trọng án con dìm cha xuống nước: Hậu họa kinh hoàng từ việc “chữa bệnh tâm thần” bằng… cúng bái

24/04/2019 09:35

Kinhte&Xahoi Một tháng trước khi bị cáo gây ra cái chết cho cha, mẹ bị cáo vừa mới qua đời do bệnh tật. Căn nhà vốn đã lạnh lẽo vì vắng bóng người mẹ, chỉ có hai cha con bị cáo cui cút ra vào. Giờ cha mất, bị cáo đi tù, căn nhà suốt ngày cửa đóng im ỉm, trông như nhà hoang

Khải bị tòa tuyên phạt mức án 16 năm tù giam về tội giết người

Hai người em của bị cáo lấy chồng xa, lâu lâu mới ghé về nhà thắp nén nhang cho bố mẹ. Hàng xóm thi thoảng ghé qua, mở cửa thắp nhang. Căn nhà vốn từng là nơi ấm áp để hai cô gái lấy chồng xa lâu lâu lại ghé về, giờ cửa nẻo nhện giăng tứ phía.

Vụ án “giết người” do TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành xét xử vào một ngày tháng 4/2019. Bị cáo trong vụ án là Nguyễn Khải, 30 tuổi, ngụ huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. 

Kẻ tâm thần vô cớ tấn công cha

Nắng sớm xuyên qua mấy tán lá, hắt lên hai cái bóng mảnh khảnh ngồi bất động nơi sân tòa. Họ là hai chị em, đến tòa từ rất sớm. Bên cạnh là chiếc giỏ xách đựng đầy thức ăn. Cả hai mang gương mặt đau buồn, mắt đau đáu chờ đợi. 

Chiếc xe chở phạm nhân đỗ xịch xuống sân. Hai cô gái bàng hoàng chạy đến bên bị cáo, trên gương mặt họ đã giàn giụa nước mắt.

Bị cáo được dẫn giải vào phòng xét xử, ngồi ở vị trí dành riêng cho mình. Riêng hai cô gái lại ngơ ngác nhìn hai dãy bàn ghế trước mặt. Họ phân vân không biết nên ngồi về phía dành cho người thân của bị cáo, hay phải ngồi bên phía dành cho thân nhân người bị hại. Bởi bị hại trong vụ án chính là cha của họ. Nhưng oái oăm thay, kẻ gây ra cái chết cho cha lại chính là anh trai của hai người.

Vụ án đau lòng xảy ra gần một năm trước đó. Thời điểm đó, Khải vừa nghỉ làm ở một công ty đóng trên địa bàn tỉnh. Hàng ngày ở nhà, giữa Khải và người cha (56 tuổi) luôn xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Khoảng 12h trưa hôm đó, Khải ngủ dậy không thấy cuộn dây điện của mình để ở đầu giường nên đi qua phòng người cha để hỏi.

Cha Khải đang xem ti vi nên trả lời: “Đồ của mi, làm răng tau biết”. Nghe vậy, Khải bỏ về phòng nằm. Thấy vậy, người cha nói với theo: “Chú Vinh với chú Chính nói chi mi đó”. Nghĩ hai người này nói xấu mình nên Khải liền xách xe đi tìm để hỏi cho rõ ràng, nhưng nhà cả hai người đều khóa cửa nên Khải quay về.

Về nhà, thấy cha đang đứng ngoài hiên, Khải và cha lại tiếp tục cãi vã. Khải đi vào trong bếp lấy một cây mỏ sảy (cán làm bằng tre, một đầu gắn kim loại có chìa ra hai nhánh nhọn, làm công cụ xới rơm) tấn công cha. Thấy con trai cầm hung khí, người cha bỏ chạy ra đường bê tông trước nhà. Khải đuổi theo tiếp tục tấn công. Người cha lao vào chụp lấy cây mỏ sảy và vật lộn với con trai khiến hai người đều rớt xuống mương nước.

Ở dưới mương nước, cả hai tiếp tục vật lộn. Khải vùng dậy được sau đó dùng hai tay ấn đầu người cha xuống dưới nước. Nạn nhân vùng vẫy chừng một phút thì bất động. Khải đi lên bờ, ngồi bên đường tự nói: “Tui giết cha tui rồi”, rồi đi về nhà.  Khải tắm rửa, thay quần áo rồi giặt giũ sạch sẽ, ra sau vườn lấy một sợi dây định vào nhà tự tử nhưng thấy người cô ruột ở cạnh nhà ghé qua chơi, nên từ bỏ ý định tự tử, bỏ ra trước hiên nhà ngồi.

Đến gần 3h chiều hôm đó, em gái Khải lấy chồng ở làng khác, ghé về nhà không nhìn thấy cha liền hỏi anh trai. Khải nói “tau dìm xuống hói (mương nước – NV) rồi”. Người em gái không tin nên đi quanh xóm tìm, nhưng tìm mãi không thấy nên báo cho mọi người trong xóm trợ giúp. Đến 4h chiều cùng ngày, mọi người mới phát hiện xác người cha dưới mương nước nên vội vã xuống vớt lên, đồng thời báo cho cơ quan chức năng.

Trong quá trình điều tra vụ án, nhận thấy bị can có biểu hiện tâm lý, hành vi không bình thường nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần đối với Khải. Kết quả cho thấy Khải bị tâm thần phân liệt thể Paranoid, tiến triển liên tục; bị hạn chế khả năng nhận thức và hạn chế khả năng điều khiển hành vi.

“Chữa bệnh” bằng… “thầy” cúng

Một tháng trước khi bị cáo gây ra cái chết cho cha, mẹ bị cáo vừa mới qua đời do bệnh tật. Căn nhà vốn đã lạnh lẽo vì vắng bóng người mẹ, chỉ có hai cha con bị cáo cui cút ra vào. Giờ cha mất, bị cáo đi tù, căn nhà suốt ngày cửa đóng im ỉm, trông như nhà hoang. Hai người em của bị cáo lấy chồng xa, lâu lâu mới ghé về nhà thắp nén nhang cho bố mẹ. Hàng xóm thi thoảng ghé qua, mở cửa thắp nhang. Căn nhà vốn từng là nơi ấm áp để hai cô gái lấy chồng xa lâu lâu lại ghé về, giờ cửa nẻo nhện giăng tứ phía.

Tòa hỏi em gái bị cáo, là người đại diện hợp pháp cho bị hại và cả bị cáo, có biết bị cáo có biểu hiện bệnh tâm thần không? Chị bảo có, nhưng chưa lần nào đưa đi khám, điều trị. “Chỉ có đi coi “thầy”, và cúng thôi”, cô bảo. “Sao không đưa đi chữa mà lại đi cúng?”, tòa hỏi. Em gái bị cáo òa khóc.

“Thấy hắn có biểu hiện lạ, nhưng gia đình anh tui khó khăn quá, nên không có tiền đưa hắn đi bệnh viện khám. Rồi sau này đi coi “thầy”, “thầy” bảo về cúng là lành, nên mới nghe theo”, cô ruột bị cáo bộc bạch.  Bà bảo, chị dâu mình bị bệnh nhiều năm trước đó, tháng nào cũng phải đi chạy thận mấy lần nên nhà vô cùng khó khăn. Khải thương mẹ lắm, nên suốt ngày chăm chỉ làm ăn, lo kiếm tiền cho mẹ chữa bệnh. Sau khi mẹ mất, có lẽ tinh thần bất ổn, nên bệnh càng trở nặng. 

“Ba em hiền lắm. Ông làm ruộng làm đồng, ăn nói đôi khi có phần cục cằn. Mà anh em với ba lại khắc khẩu. Hai người ở chung cứ cãi nhau suốt, từ chuyện nhỏ cho đến chuyện lớn”, em gái bị cáo kể. Nhưng họ không ngờ, những mâu thuẫn nhỏ nhặt hàng ngày ấy lại khiến cha mình mất mạng, còn anh trai phải đi tù.

Tòa hỏi bị cáo: “Bị cáo cố tình đè bố xuống nước cho chết phải không?”. Bị cáo trả lời “đúng”. “Lúc nhìn thấy ba nằm bất động, bị cáo không có động thái gì để cứu ba mình cả phải không?”. “Phải”, bị cáo trả lời. “Sao bị cáo không hô hoán lên để mọi người đưa ba bị cáo đi cấp cứu?”. Bị cáo cúi đầu, sau đó cũng òa khóc như em. 

Bị cáo khai, từ khi bị bắt, biết ở nhà đang tổ chức đám tang cho cha nhưng không về dự được, bị cáo rất đau khổ. Càng đau khổ hơn khi bị cáo chính là người gây ra cái chết cho cha. Bị cáo vừa nói vừa nức nở khóc.

Em gái bị cáo cũng không kìm được nước mắt, khi xin tòa giảm nhẹ mức án cho anh trai: “Mẹ đã mất, ba giờ cũng không còn, nhà giờ chỉ còn lại mấy anh em. Xin tòa giảm nhẹ mức án, cho anh con sớm trở về nhà, lo nhang khói cho cha mẹ”.

Do phạm tội thuộc trường hợp “giết cha của mình”, và “có tính chất côn đồ”, nên Khải bị tòa tuyên phạt mức án 16 năm tù giam về tội giết người. Tòa vừa tan, em gái bị cáo vội vội vàng vàng chạy đi hỏi cách thức làm đơn, để xin cho anh trai được thi hành án ở trại giam trong tỉnh. “Nhà nghèo như ri. Nếu anh bị đưa đi thi hành án ở tỉnh khác, sao mà có điều kiện đi thăm nuôi cho được. Tụi em đều đi lấy chồng xa. Nhà giờ đóng cửa bỏ hoang, còn chờ anh trở về để lo nhang khói cho cha mẹ”, cô vừa nói vừa khóc.

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Xin đừng gây khó cho doanh nghiệp thương binh

Trong không khí toàn Đảng, toàn dân đang hướng đến kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019), tưởng nhớ tới sự hy sinh của các Anh hùng Liệt sĩ, thương bệnh binh đã không tiếc máu xương bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng thì giữa Thủ đô Hà Nội lại có cách hành xử theo kiểu “ngăn sông cấm chợ”, gây khó doanh nghiệp thương binh.