Từ 1/9, người gửi hàng trên xe khách phải cung cấp đủ các thông tin cho tài xế

08/08/2022 12:19

Kinhte&Xahoi Chính phủ vừa ban hành Nghị định 47/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/9 tới.

Từ 1/9, khi muốn gửi hàng hóa trên xe khách thì người gửi bắt buộc phải cung cấp các thông tin trên cho tài xế

Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi cung cấp đầy đủ, chính xác năm thông tin gồm: Tên hàng hóa, họ và tên, địa chỉ, số CMND/CCCD, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận. Đối với cân nặng hàng hóa có thể yêu cầu hoặc không.

Như vậy, từ 1/9, khi muốn gửi hàng hóa trên xe khách thì người gửi bắt buộc phải cung cấp các thông tin trên cho tài xế.

Dù Nghị định có hiệu lực từ 1/9, nhưng hiện tại nhiều doanh nghiệp vận tải đã bắt buộc người gửi hàng hóa trên xe khách phải cung cấp các thông tin về tên hàng hóa, họ và tên, địa chỉ, số CMND/CCCD... cho tài xế.

Việc yêu cầu người gửi hàng hóa phải cung cấp CMND/CCCD... là để kiểm soát được nguồn gốc hàng hóa, loại bỏ vận chuyển các loại hàng hóa không có nguồn gốc, hàng cấm vận chuyển.

Ngoài ra, Nghị định 47 cũng bổ sung quy định mới về việc lắp thiết bị giám sát hành trình với xe ô tô. Từ ngày 1/7/2023, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera, khi tham gia kinh doanh vận tải lần đầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu. Thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại Nghị định này.

Các đơn vị kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera được quy định tại Nghị định 10/2022 bao gồm: Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) và xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo.

Nghị định cũng bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô. Cụ thể, không sử dụng xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách. Không sử dụng xe ô tô kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.

Đối với những xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày 1/9 thì tiếp tục được sử dụng để kinh doanh vận tải hành khách đến hết niên hạn sử dụng theo quy định.

 Diệu Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đấu thầu tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội: Giá trúng thầu chênh lệch nhiều tỉ đồng với giá thị trường, đâu là giải pháp minh bạch?

Gần đây, một loạt lãnh đạo trong ngành Y tế và Giáo dục bị khởi tố bởi liên quan đến những sai phạm trong công tác đấu thầu, nhiều gói thầu bị nâng giá khiến công quỹ bị thất thoát, xây dựng hồ sơ mời thầu để giành cho các doanh nghiệp "sân sau" trúng thầu, liên kết để thẩm định giá không đúng giá trị. Đơn cử ngay Gói thầu mua sắm thiết bị do trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư có giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đâu là giải pháp cho việc thẩm định giá, xây dựng dự toán minh bạch?

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tu-19-nguoi-gui-hang-tren-xe-khach-phai-cung-cap-du-cac-thong-tin-cho-tai-xe-202931.html