Tuần cao điểm phòng chống Covid-19: Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định

27/03/2020 17:40

Kinhte&Xahoi Hà Nội cũng như các tỉnh thành trên cả nước đang trong những ngày đầu của đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Nếu như vào thời điểm TP Hà Nội công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, toàn bộ hệ thống chợ, siêu thị trong cảnh “cháy hàng” bởi người dân tích trữ hàng hóa, thì những ngày này các siêu thị, chợ truyền thống vắng khách, trong khi hàng hóa, thực phẩm dồi dào, giá cả ổn định.

Siêu thị Vinmart Phạm Ngọc Thạch sáng 27/3.

TP Hà Nội yêu cầu các địa điểm vui chơi, dịch vụ giải trí, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn TP (trừ những cửa hàng kinh doanh sản phẩm thiết yếu) tạm dừng kinh doanh đến hết ngày 5/4.
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị sáng 27/3, các cửa hàng hình doanh chấp hành khá nghiêm chỉnh chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung. Còn tại các chợ truyền thống như Nghĩa Tân, Ngọc Hà, Thành Công, chợ Hôm... cho thấy cảnh vắng vẻ, khách đến mua lại rất thưa thớt, người bán nhiều hơn người mua là hình ảnh chung của hệ thống chợ truyền thống.

Chợ Kim Liên vắng vẻ khách mua hàng.

Chị Đào Thu Minh, một tiểu thương bán rau tại chợ Ngọc Hà cho hay, nhiều ngày nay bán được rất ít hàng. Nếu như trước đây, mỗi ngày chị bán được khoảng 50kg rau các loại, thì nay chị chỉ có thể tiêu thụ được 20kg rau. Nhiều hôm ế hàng, chị bán với giá rẻ mà vẫn không có người mua.

Rơi vào tình cảnh tương tự chị Nguyễn Thu Trang, một tiểu thương bán thịt tại Thành Công cho biết: Những ngày qua khi các ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục được phát hiện, quầy thịt của chị gần như trong tình trạng ế ẩm.

Chợ Kim Bài (Thanh Oai) hàng hóa dồi dào nhưng vắng khách.

Cùng tình trạng vắng khách, các chợ ngoại thành cũng khá vắng vẻ, mặc dù lượng hàng hóa, thực phẩm khá dồi dào. Chị Cấn Thị Cành, tiểu thương tại chợ Hương Ngải (Thạch Thất) cho biết: “Mấy ngày hôm nay lượng khách đến mua hàng của tôi giảm một nửa, ai cũng bịt khẩu trang kín mít, mua nhanh mua chóng rồi về, chứ không la cà hàng quán như trước”.

Chợ Hương Ngải (Thạch Thất).

Theo các tiểu thương tại chợ Hương Ngải, giá các mặt hàng thực phẩm đều ổn định. Đặc biệt, các loại rau củ quả và thịt gia cầm, trứng còn giảm hơn so với cùng kỳ năm 2019. Hiện giá ngan tại đây đang được bán với giá 45.000 - 50.000 đồng/kg, giá vịt 28.000 - 30.000 đồng/kg, giá gà từ 55.000 - 7.000 đồng/kg…

Chợ Canh Nậu (Thạch Thất).

Không riêng hệ thống chợ truyền thống, các siêu thị, Trung tâm thương mại trên địa bàn Hà Nội cũng lâm vào cảnh thưa thớt người qua lại.

Tại siêu thị Vinmart Phạm Ngọc Thạch sáng 27/3 chỉ đón khoảng 20 khách mua sắm thực phẩm, rau củ quả, còn các quầy hàng đồ gia dụng, đường, sữa... đều vắng khách. Lượng khách thưa vắng đến mức toàn bộ các gian hàng thời trang, giầy dép, vàng bạc... của Trung tâm thương mại Vinmart Phạm Ngọc Thạch đều đóng cửa dừng kinh doanh.

Tại siêu thị Vinmart Phạm Ngọc Thạch hàng hóa, thực phẩm dồi dào.

Vắng khách, sức mua thấp nên giá bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm... tại hệ thống chợ truyền thống, siêu thị không có biến động tăng giá.

Cụ thể, thịt bò 250.000 - 300.000 đồng/kg, thịt lợn 160.000 - 180.000 đồng/kg, đùi cánh gà công nghiệp 80.000 đồng/kg, lườn gà 60.000 đồng/kg, gà ta làm sẵn 160.000 - 170.000 đồng/kg, cá điêu hồng, rô phi 50.000 - 70.000 đồng/kg; bắp cải, khoai tây, cà chua 20.000 - 30.000 đồng/kg, rau muống 10.000 - 20.000 đồng/mớ, củ cải 15.000 - 17.000 đồng/kg.
Lý giải nguyên nhân khiến sức tiêu thụ và giá bán các mặt hàng thực phầm không tăng như những ngày đầu tháng 3, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nêu rõ: Siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tăng thêm này.

Lượng khách hàng tới các siêu thị thưa thớt.

Cụ thể, ngay từ giai đoạn đầu của dịch, hệ thống siêu thị BigC đã tăng gấp 3 lượng hàng dự trữ tại các kho để cung ứng cho thị trường; hệ thống siêu thị Sai gon Coop đã tăng 50 - 100% lượng hàng cung ứng cho hệ thống; hệ thống siêu thị Vinmart cũng tăng 50 - 200% lượng hàng cung ứng cho thị trường.

“Hiện nguồn cung các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mỳ, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định so với tháng trước, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá” - bà Trần Thị Phương Lan nói.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đông Anh – Hà Nội: Hai trại nuôi lợn xây dựng trên đất nông nghiệp

Hai trang trại nuôi lơn rộng hàng nghìn mét vuông được xây dựng trên đất nông nghiệp từ cuối năm 2018 tại xứ đồng Bãi bồi ven sông, thôn Mạch Lũng, xã Đại Mạch huyện Đông Anh, Hà Nội. Hậu quả, dẫn tới việc gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây. Điều đáng nói khu đất này đã được mang ra đấu giá và có người trúng thầu nhưng không hiểu vì sao cơ quan chức năng lại chưa bàn giao mặt bằng cho người trúng thầu, không hề xử lý các sai phạm trên khiến dư luận bất bình.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/tuan-cao-diem-phong-chong-covid-19-hang-hoa-doi-dao-gia-ca-on-dinh-379055.html